Công việc lặng thầm
Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai và Nghĩa trang liệt sĩ T.P Long Khánh có các CCB hằng ngày vẫn làm công việc chăm sóc và bảo vệ nghĩa trang. Với họ, công việc này là một cách để tri ân những đồng chí, đồng đội, các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Với CCB Nguyễn Viết Luân, ở T.P Biên Hòa, nguyên là chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 22, Quân đoàn 4 tâm sự:
- Hơn 22 năm làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, tôi muốn góp chút công sức chăm sóc các phần mộ liệt sĩ nơi đây. Vì bản thân tôi cũng từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nên rất thấu hiểu những mất mát, hy sinh vì độc lập cho đất nước hôm nay.
Còn ở Nghĩa trang liệt sĩ T.P Long Khánh, nơi yên nghỉ của khoảng 3.000 liệt sĩ, CCB Nguyễn Văn Việt (ở T.P Long Khánh, từng làm du kích Bình Lộc trong kháng chiến chống Mỹ) cũng có hơn 17 năm làm quản trang. Hằng ngày ngoài việc vệ sinh, dọn dẹp cho các ngôi mộ ở đây, ông còn thắp hương cho các ngôi mộ liệt sĩ, đặc biệt là ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ hy sinh khi đánh căn cứ Hoàng Diệu (thuộc phường Bảo Vinh, thị xã Long Khánh) được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ T.P Long Khánh vào năm 2014.
- Sau bao năm tìm kiếm, cuối cùng cũng đưa được các anh về nơi an nghỉ để được hương khói cho ấm cúng. Tôi và các liệt sĩ trong ngôi mộ này cũng từng chiến đấu tại mảnh đất Long Khánh nhưng tôi may mắn thoát khỏi bom đạn chiến tranh, được chứng kiến ngày giải phóng và sống khỏe mạnh đến ngày nay. Vì vậy, tôi tự thấy bản thân có trách nhiệm hương khói bù đắp cho các anh bao năm nằm lạnh lẽo dưới lòng đất - ông Việt bộc bạch.
Công việc của một quản trang không chỉ sớm hôm dọn dẹp, thắp hương, chăm sóc, nhổ cỏ cho các phần mộ, mà còn phải hướng dẫn, giải thích tận tình cho thân nhân liệt sĩ về việc tìm phần mộ, quy tập mộ... nhưng với những người như ông Nguyễn Viết Luân, ông Nguyễn Văn Việt thì họ xem đây là tình cảm mà họ tri ân với đồng đội của mình.
Đăng Tùng