Hungary: Đơn độc giữa lòng châu Âu
Trạm tiếp nhận đường ống Druzhba giữa Hungary và Nga gần Szazhalombatta, cách thủ đô Budapest khoảng 30km.
Tại cuộc họp của Hội đồng đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ), Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thông báo sẽ triệu tập cuộc họp các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng khối này tại Brussels thay vì tại thủ đô Budapest của Hungary, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU từ ngày 1-7-2024.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng quyết định lãnh đạo EU sẽ không dự các cuộc họp không chính thức của Hội đồng EU trong 6 tháng Hungary giữ ghế chủ tịch. Chuyến thăm theo thông lệ của phái đoàn EC tới nước giữ ghế Chủ tịch Hội đồng EU cũng bị hủy. Ngay sau đó, chính phủ một loạt nước thành viên EU như Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan... thông báo sẽ không cử Bộ trưởng tham dự các cuộc họp liên quan đến nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary. Ukraine - một nước chưa gia nhập EU thì “ủng hộ” bằng cách chặn dòng dầu của Nga vận chuyển qua đường ống dẫn sang Hungary - động thái mà Budapest nghi có sự dàn dựng của EU.
Đây là những động thái tẩy chay chưa từng có của EU nhằm phản ứng với các chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Viktor Orban tới Moskva và Bắc Kinh sau khi Hungary đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU. Ông Orban mô tả đây là một phần trong "sứ mệnh hòa bình" cho Ukraine, trong khi các quan chức EU cho rằng chuyến đi của ông trái ngược với lập trường đoàn kết chính trị của khối, rằng Hungary không đại diện cho khối trên trường quốc tế. Ông Orban còn có bài viết chỉ trích chính sách của EU liên quan đến vấn đề Ukraine là "ủng hộ chiến tranh".
Căng thẳng giữa EU và Hungary đã có từ trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Dưới thời Thủ tướng Orban, Hungary bị EU cho là đang đi ngược “các chuẩn mực về dân chủ và pháp quyền”, gây gián đoạn hoạt động của EU bằng cách ngăn chặn việc thông qua luật hoặc ngân sách để đạt được nhượng bộ trong những lĩnh vực không liên quan. Còn đối với cuộc xung đột ở Ukraine, Hungary cho rằng cả hai bên (Moskva và Kiev) cần đối thoại để chấm dứt xung đột và không thể có giải pháp quân sự. Budapest cũng nhấn mạnh quan điểm không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. “Chúng tôi không chuyển thiết bị sát thương, việc chúng tôi quan tâm là bảo đảm an ninh cho Hungary chứ không phải nước nào khác”.
Cũng chính vì sự khác biệt về quan điểm này mà Hungary đã chặn khoản tiền EU dành cho các quốc gia thành viên cung cấp đạn dược cho Kiev. Gần đây nhất, Hungary lại phủ quyết một tuyên bố của EU bày tỏ quan ngại về những "sai sót và bất thường" trong cuộc bầu cử ở Venezuela sau khi Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro tuyên bố chiến thắng. Những động thái kiểu này của Budapest càng làm EU nổi giận, đến mức một vị Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan cho rằng Hungary nên rời khỏi EU và NATO nếu không đồng tình với các chính sách của họ.
Giữa lòng một châu Âu luôn tự hào về dân chủ, nhân quyền, Hungary đang bị tẩy chay, cô lập và đơn độc, như Ngoại trưởng Hungary - Peter Szijjarto mô tả: “Chúng tôi đang phải đối mặt với sự cuồng loạn gây chiến hung hăng vì chính sách độc lập của mình”. Tuy nhiên, Thủ tướng Orban tuyên bố dự định tiếp tục sứ mệnh hòa bình ở Ukraine, nhấn mạnh rằng hiện có những lực lượng không quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. Ngoại trưởng Peter Szijjarto cũng kiên định: “Họ đã đe dọa tẩy chay chúng tôi, không đàm phán, bỏ mặc chúng tôi. Nhưng bạn biết đấy, những cuộc tấn công kiểu này không làm chúng tôi nản lòng và tiếp tục sứ mệnh hòa bình của mình. Chúng tôi đã quen với những kiểu tấn công như vậy”.
Cuộc đối đầu EU - Hungary không chỉ cho thấy sự khác biệt trong quan điểm về cách ứng phó với Nga mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết và tương lai của EU trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Đăng Song