Suy nghĩ trước những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên

Sau ngày đất nước im tiếng súng, trong niềm vui chiến thắng của toàn dân tộc có niềm vui riêng của các gia đình, khi những người con thân yêu của họ vượt qua chiến tranh khốc liệt trở về. Có hạnh phúc nào hơn khi mẹ được gặp lại con, vợ được gặp lại chồng... sau bao khắc khoải mong chờ. Nhưng cũng thật đau đớn khi có biết bao gia đình có người ruột thịt không bao giờ về nữa. Nỗi đau mất mát hằng ngày vẫn tiếp tục khía vào lòng người và đến nay không còn là nỗi đau riêng nữa, mà ngày càng thấm thía, trở thành nỗi đau chung của toàn xã hội.

Trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, kể từ năm 1945, chúng ta đã chịu nhiều tổn thất về người, với trên 1,14 triệu liệt sĩ, 600.000 thương binh và bệnh binh. Trong hơn 1 triệu liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc, còn 237.297 liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt và 318.953 mộ liệt sĩ “chưa biết tên”, mà trước đây thường tôn vinh là “Liệt sĩ vô danh”.

Sau khi miền Nam được giải phóng, cũng là lúc công cuộc tìm kiếm thông tin con em của các gia đình liệt sĩ bắt đầu. Đã có nhiều ông bố, bà mẹ, lần theo giấy báo tử lặn lội đi tìm con khắp đó đây. Có người tìm ròng rã cả quãng đời còn lại, theo những thông tin mù mờ trong giấy báo tử, nhưng cũng làm loé lên những tia hy vọng… Để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay, lại gửi gắm cho các con “phải tìm được anh (em) mày về thì cha mẹ mới có thể ngậm cười nơi chín suối”. Công cuộc tìm kiếm đến nay đã có sự chuyển giao thế hệ, không phải cha tìm con nữa mà là con tìm cha, cháu tìm chú bác (phần lớn liệt sĩ hy sinh khi chưa có vợ con), rồi cháu tìm ông nội, ông ngoại… Bằng công nghệ thông tin của thời đại, nhiều trang facebook tìm kiếm liệt sĩ của các đồng đội hoặc thân nhân liệt sĩ, của những tấm lòng nhân ái ngày càng nhiều và trở thành nơi kết nối, trao đổi thông tin đêm ngày của những người đồng cảnh ngộ hoặc của những người tha thiết tìm kiếm hài cốt đồng đội. Thời gian qua, những thông tin từ đây đã góp phần tìm kiếm được nhiều hài cốt liệt sĩ hoặc tìm được tên cho các anh, rất đáng được ca ngợi và khuyến khích…

Đối với những mộ liệt sĩ vô danh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “thiệt thòi” của các liệt sĩ. Trong đó có một phần do sự thiếu ý thức trách nhiệm hoặc là thiếu khoa học khi thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận những người làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Có nhiều trường hợp sau những lần cất bốc, dịch chuyển do “quy hoạch” nghĩa trang mà liệt sĩ từ chỗ có tên bỗng trở thành… “không tên”.

Có gia đình sau bao năm tìm kiếm, nỗi đau như dịu đi khi họ tìm được phần mộ người thân. Lần sau trở lại, họ được biết mộ đã được dời đến một nghĩa trang mới khang trang. Nhưng đến nơi, họ như chết đứng khi người quản trang cho biết có những phần mộ mới được chuyển về, nhưng… không biết tên! Có những trường hợp, theo thông tin lưu trữ của đơn vị và các bạn chiến đấu của liệt sĩ cung cấp, gia đình tìm đến nơi thì mộ đã được dời đi, nhưng đi đâu không biết, tìm khắp các nghĩa trang cũng không thấy nữa. Phải chăng các anh đang nằm trong những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên?...

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Quân đội hết sức quan tâm đến công tác thương binh - liệt sĩ và đã làm nhiều việc lớn lao, tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm hài cốt và trả lại tên cho những nấm mồ liệt sĩ chưa biết tên là công việc có lẽ còn phải tiếp diễn đến nhiều đời sau.

Bùi Thượng Toản

(CCB f968)