Hội nghị giao ban hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội với các tổ chức Chính trị - Xã hội: Hội CCB Việt Nam có 87,76% tổ Tiết kiệm và Vay vốn đạt Tổ tốt
Chiều 2-8, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các tổ chức Chính trị -Xã hội (CT-XH) tổ chức hội nghị giao ban hoạt động ủy thác 6 tháng đầu năm 2024 tại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng giám đốc NHCSXH; Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2024, NHCSXH và các tổ chức CT-XH đã chủ động bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH để triển khai thực hiện tốt hoạt động ủy thác, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, các tổ chức CT-XH đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo hỗ trợ hội viên, đoàn viên tích cực trong sản xuất, kinh doanh, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách vươn lên ổn định cuộc sống. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt được những kết quả đáng phấn khởi; tình hình an ninh - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn ổn định; góp phần vào tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp và đất nước, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập, cuộc sống ổn định cho người dân; trong đó, có hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Theo báo cáo kết quả thực hiện hoạt động ủy thác, đến 30-6-2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 372.940 tỷ đồng, tăng 26,516 tỷ đồng so với năm so với năm 2023. Trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức CT-XH đạt 348.942 tỷ đồng, chiếm 99,49% tổng dư nợ, tăng 18.813 tỷ đồng so với năm 2023; nợ quá hạn 691 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ uỷ thác, tăng 192 tỷ đồng so với năm 2023; nợ khoanh 1.219 tỷ đồng, chiếm 0,35% tổng dư nợ, giảm 103 tỷ đồng so với năm 2023; với 168.568 Tổ TK&VV và hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ hộ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 84,9% với số dư 7.164 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,53 triệu đồng/tổ viên.
Trong đó dư nợ ủy thác qua Hội CCB đạt 60.966 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.618 tỷ đồng so với cuối năm 2023; quản lý 30.384 tổ TK&VV với gần 1,2 triệu khách hàng; tỷ lệ tổ viên tham gia tiên gửi hằng tháng đạt 82,18% với số dư 2.468 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,4 triệu đồng/tổ viên; có 26.666 Tổ tốt, 2.419 Tổ khá, 1.176 Tổ trung bình. 118 Tổ yếu, không xếp loại 5 tổ.
Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 405 nghìn lao động, trong đó có gần 4,8 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 4,2 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 24,2 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.021 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 647 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 2,6 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp... Hoạt động tín dung chính sách xã hội tiếp tục góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh những thế mạnh, ưu điểm, hoạt động ủy thác vẫn còn có những khó khăn, tồn tại ở một số địa phương, một số thời điểm như, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu sáng tạo, chưa đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả; Cán bộ theo dõi chuyên trách hoạt động ủy thác thay đổi nhưng chưa thực hiện bàn giao kịp thời; cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn thường xuyên, kịp thời để nắm rõ nghiệp vụ ủy thác, các chính sách sửa đổi, ban hành mới
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã báo những kết quả nổi bật trong việc tham gia thực hiện hoạt động ủy thác nguồn vốn chính sách; hoạt động trọng tâm trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách thông qua NHCSXH; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn; sử dụng hiệu quả đồng vốn; nâng cao chất lượng nguồn vốn chính sách…
Đồng chí Đại tá Phạm Bá Yến - Chuyên gia Tư vấn Hội đồng Quản trị NHCSXH - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội CCB Việt Nam phát biểu, nêu kinh nghiệm trong kiểm tra hoạt động ủy thác ở 11/15 tỉnh theo kế hoạch năm 2024 của Trung ương Hội CCB Việt Nam và cho rằng, vừa qua toàn hệ thống hoạt động đảm bảo đúng nguyên tắc, có nền nếp, không để xảy ra các vụ việc phức tạp là kết quả của việc làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Đồng chí cũng cho rằng ở cơ sở nhu cầu vốn giải quyết việc làm rất lớn, trong khi hiện nay mức vay ở hạn mức 100 triệu đồng đối với người lao động là còn thấp, nên cần nghiên cứu nâng mức vay cho phù hợp; tiến tới bổ sung chương trình cho vay đối với cả các hộ có mức sống trung bình để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải cho biết: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là một trong những điểm sáng của hoạt động tín dụng chính sách trong nửa đầu năm 2024. Qua đó cho thấy, chính quyền các cấp thêm tin tưởng hơn vào mô hình, hoạt động của NHCSXH, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương đã đáp ứng nhu cầu về vốn cho các đối tượng có nhu cầu để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định đời sống.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức CT-XH trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách; Để phát huy những kết quả đạt được đề nghị các tổ chức CT-XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp hội, kịp thời chuyển tải các nguồn vốn chính sách; Tiếp tục phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ủy thác các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn;
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt các chủ trương, chính sách mới cho người dân. Động viên, hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn vay vốn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay. Triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ chức CT-XH các cấp; chỉ đạo các đơn vị theo ngành dọc tổ chức thực hiện tốt các nội dung ủy thác trong đó, triển khai việc chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác, hướng dẫn quy trình, phương pháp kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác theo các văn bản mới ban hành.
Phạm Nguyễn