Người Anh hùng bình dị
Ở độ tuổi 90, nhưng Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu vẫn luôn là tấm gương sáng cho nhiều người học tập, noi theo.
Ông tên thật là Sầm Phúc Hướng, sinh năm 1932 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Khi 3 tuổi, bố ông bị thực dân Pháp bắt đi làm phu xây dựng. Vài năm sau, mẹ ông đi “bước nữa”. Bố dượng rất yêu thương ông nhưng cũng không lâu sau thì bố dượng qua đời. Khi đó, ông được đổi tên thành Lã Văn Cầu theo họ bố dượng, nhưng khi làm đơn xin đi bộ đội. Do nhầm lẫn trong ghi chép khi ông nhập ngũ, người viết để mất dấu để “Lã” thành “La”. Thế là từ đó ông mang tên La Văn Cầu.
Với khát khao được cầm súng giải phóng đất nước, nên mới 16 tuổi, La Văn Cầu đã khai tăng thành 18 tuổi để được vào bộ đội. Lúc đó là năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng niềm vui, ý chí đã giúp cho chàng trai trẻ La Văn Cầu vượt qua khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, giàu lòng nhân ái, được đồng đội rất quý mến.
Trong trận Đông Khê thuộc Chiến dịch Biên giới năm 1950, ông là chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu. Khi bị thương ở cổ tay, ông đã yêu cầu đồng đội chặt cánh tay để khỏi vướng rồi lại tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Tấm gương của ông đã cổ vũ phong trào thi đua diệt giặc lập công trong toàn quân.
Nhớ về những trận đánh năm xưa, Đại tá La Văn Cầu kể: “Tôi tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng hơn 29 trận đánh, trong đó trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới Thu - Đông là đáng nhớ nhất, bởi cánh tay phải của tôi vĩnh viễn nằm lại chiến trường”.
Khi tổng kết Chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu và gọi ông là “Một trong những lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. Sau đó, Anh hùng La Văn Cầu vinh dự được Bác Hồ mời lên Chiến khu Việt Bắc để gặp Người.
Khi đó là tháng 5-1951, ông cùng một đồng chí công vụ đi bộ từ thị xã Lạng Sơn lên ATK thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để gặp Bác Hồ. Hai người đi bộ ròng rã suốt 2 ngày thì đến.
“Một buổi chiều đến ATK, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của Bác Hồ khi ấy - một ông cụ mặc áo nâu ngồi trên chõng tre cạnh cây đa cổ thụ. Trước khi đi, chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ cho tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc sức khỏe Bác, nhưng được gặp Bác, tôi xúc động quá, chưa kịp nói gì thì Bác đã ân cần thăm hỏi:
- Cháu Cầu từ Lạng Sơn về đây, đường sá xa xôi, năm trước cháu lại bị thương nặng, mất máu nhiều, chắc là mệt. Giờ cháu đi nghỉ, tối ăn cơm cùng Bác.
Hôm đó, tôi được dùng bữa tối cùng Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Tôi nhớ, trước khi ăn, Bác vui vẻ giới thiệu:
- Thực đơn hôm nay có thịt gà do Bác tự nuôi, rau Bác tự trồng, mắm muối thì nhờ các cô chú cấp dưỡng mua. Cháu Cầu ăn tự nhiên, không ăn hết khẩu phần là lãng phí đấy!” - ông bồi hồi kể lại.
Từ năm 1983, ông La Văn Cầu chuyển về Hà Nội công tác tại Tổng cục Chính trị, rồi chuyển về Bảo tàng Quân đội. Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Đến năm 1996, ông nghỉ hưu. Trong căn nhà nhỏ (tổ dân cư số 7, phường Quang Trung, quận Đống Đa, T.P Hà Nội), những tấm ảnh Bác Hồ được ông treo trang trọng trong phòng khách.
Về với cuộc sống đời thường ông cũng không nề hà bất cứ việc gì. Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng ông dậy, 5 giờ cầm chổi ra dọn vệ sinh nhà cửa và cả con ngõ nơi ông sống, đến chiều ông lại quét một lần nữa. Người anh hùng năm nào khi trở về đời thường luôn giản dị nhưng bằng cách nào đó vẫn luôn cố gắng đóng góp sức chung vì cộng đồng. Ông luôn thể hiện sự yêu đời, tinh thần Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp bằng thực tế, nghĩa là “miệng nói tay làm”.
“Tôi làm theo đúng lời dạy của Bác Hồ, làm phúc cho đời, làm mãi, làm mãi, không bao giờ thừa, chỉ sợ thiếu thôi. Cái gì lợi cho cộng đồng thì tôi sẵn sàng làm, sẵn sàng xả thân, cái gì hại thì không làm. Hạnh phúc lớn lao nhất trong đời tôi là được làm người lính Cụ Hồ. Làm việc gì mà có lợi cho cộng đồng, tôi sẵn sàng làm và hàng ngày tôi vẫn làm như thế” - Anh hùng La Văn Cầu chia sẻ.
Được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019, ông xúc động nói: Không ngờ cuối đời lại nhận được vinh dự quá lớn như vậy.
Tinh thần chiến đấu dũng cảm của Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu trở thành huyền thoại, đi vào sử sách. Tấm lòng trung trinh với Đảng, với đồng bào, đồng chí của ông đại diện cho phẩm chất của biết bao thế hệ Bộ đội Cụ Hồ.
Hồ Thanh Hương