Doanh nhân CCB Phạm Mạnh Hùng: Nghĩa tình, trách nhiệm không biên giới

Doanh nhân CCB Phạm Mạnh Hùng giới thiệu về sản phẩm than không khói.

“Chúng tôi rất trân trọng những CCB Việt Nam năng động trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt là CCB Phạm Mạnh Hùng lại nặng nghĩa ân tình với đất và người Hủa Phăn, sang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất gạch và than không khói, trồng cây công nghiệp…; tạo việc làm, sinh kế cho người dân Hủa Phăn… Người dân và lãnh đạo địa phương rất trân trọng đóng góp của đồng chí Phạm Mạnh Hùng…” - đó là ý kiến của Phó tỉnh trưởng Hủa Phăn - Phúcthản Kẹovunxay, về doanh nhân CCB Phạm Mạnh Hùng.

Cuối tháng 5 vừa rồi, tôi tham gia cùng Đoàn cán bộ Hiệp hội DNDNCCB Việt Nam sang thăm cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nhân CCB Phạm Mạnh Hùng (Phó chủ tịch Hiệp hội DNDNCCB Việt Nam, Chủ tịch Hội DNCCB tỉnh Hải Dương) ở Hủa Phăn, nước bạn Lào.

Hà Nội - Sầm Nưa (thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn) chưa có đường bay dân dụng, nhưng nếu có thì tôi vẫn sẽ đi đường bộ, để được trải nghiệm con đường mà doanh nhân Phạm Mạnh Hùng đến với Hủa Phăn. Và thật lý thú, trên chính con đường từ Hà Nội lên Mộc Châu, Sơn La, qua Cửa khẩu Lóng Sập (bên Việt) và Pa Háng (bên Lào) đi vào Sầm Nưa, tôi đã tường tỏ phần nào con đường sang “Tây Thiên hành đạo” của CCB Phạm Mạnh Hùng. Dọc hành trình gần 400 cây số với hai phần ba là đèo dốc, trập trùng đồi núi, anh đã kể tôi nghe lộ trình anh sang “làm ăn” ở Hủa Phăn.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Sau một thời gian thành công ít nhiều trong SXKD đa ngành ở quê nhà Hải Dương, qua nhiều nguồn thông tin từ đối tác, bạn bè, năm 2015, Phạm Mạnh Hùng sang tìm hiểu thị trường, điều kiện làm ăn ở Lào. Sầm Nưa, Hủa Phăn là vùng căn cứ địa kháng chiến của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bởi vậy, nói tới Hủa Phăn là nói tới bề dày lịch sử, truyền thống. Còn về tiềm lực kinh tế, đất đai 92% là rừng núi, 9 dân tộc sinh sống ở đây đều là người thiểu số,… cũng đủ làm nản lòng những ai có ý định đầu tư SXKD ở đây. Thế nhưng, CCB Phạm Mạnh Hùng lại thấy được tiềm năng về đất đai màu mỡ, rừng rộng người thưa, nếu biết tận dụng khai thác thế mạnh của “rừng vàng”, của đất thì khả năng thành công không phải ít. Và có một điều, ông không nói thì nhiều người thân cận của ông đều khẳng định: Phạm Mạnh Hùng đầu tư sang Lào với tâm niệm “không thành công cũng thành nhân”. Trong chiến tranh Bộ đội Cụ Hồ đã từng kề vai sát cánh với quân và dân Lào chống kẻ thù chung, thì vì lí do gì những người lính cựu của Cụ Hồ lại không chung sức cùng bạn trong cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu?

Năm 2015 sang tìm hiểu thị trường thì đầu năm 2016, ông quyết định đầu tư xây dựng nhà máy gạch ở ngoại ô thị xã Sầm Nưa, và cũng chỉ cuối năm đó, nhà máy gạch đã đi vào hoạt động. Thời gian đầu, sản phẩm tiêu thụ nhanh, nên ở thời cao điểm, ông nâng công suất nhà máy lên 3 triệu viên/năm. Cán bộ kỹ thuật và quản lý, ông sử dụng người thân của mình, còn lao động thủ công sử dụng nhân công của bạn. Với nhân công của bạn, ông Hùng cũng cho biết có những chuyện giở khóc giở cười: thường thì dây chuyền sản xuất đang chạy đều, nhưng nếu nhà có cỗ cưới, đám hiếu, lễ chùa… là công nhân xin nghỉ bằng được! Do thị trường vật liệu xây dựng ngày càng có tính cạnh tranh cao, buộc CCB Phạm Mạnh Hùng phải giảm công suất nhà máy về 1 triệu viên/năm; nhưng sau gần 8 năm hoạt động, nhà máy của ông đã cung cấp cho thị trường vật liệu xây dựng ở Sầm Nưa một sản phẩm có chất lượng, giá rẻ, vừa với túi tiền của đa phần người dân ở đây.

Đồng chí Nguyễn Thị Bảo Hiền - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam (thứ 10, phải sang) dẫn đầu Đoàn cán bộ thăm Nhà máy sản xuất than của CCB Phan Mạnh Tuấn

Mở rộng đầu tư, phát huy lợi thế của rừng

Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm gạch nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, CCB Phạm Mạnh Hùng đã dày công tìm hiểu than viên nén - một loại than không khói đang được một số nước sử dụng, được làm hoàn toàn bằng gỗ rừng (gỗ tạp - mà nguồn gỗ tạp rừng Lào là vô tận), và quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than viên nén trong khuôn viên Dự án được tỉnh Hủa Phăn cấp. Từ máy móc khai thác gỗ, xẻ gỗ thành dăm, sấy nén, nung thành than…, được ông đầu tư mua sắm đồng bộ. Cho đến nay, ông đã đầu tư hơn 3 triệu USD cho xây dựng nhà máy sản xuất gạch và than.

Tháng 10-2023, mẻ than đầu tiên 3 tấn đã ra lò và từ đó tới nay sản lượng than ra lò ngày càng tăng, mở ra một hướng đi mới đối với doanh nhân CCB Phạm Mạnh Hùng.

Một hướng đi tích cực nữa mà ông Hùng quan tâm là trồng cây công nghiệp, khai thác triệt để đất đai trù phú nơi đây. Qua tìm hiểu và thực nghiệm, ông Hùng cho biết, ở Việt Nam, cây cà phê trồng tầm 2 năm mới bói quả, nhưng ở Hủa Phăn, cà phê chi trồng 1 năm đã cho quả. Người Lào trồng trọt bất cứ thứ cây gì cũng không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nên giá cà phê thứ thiệt ở Lào cao gấp đôi Việt Nam.

Để triển khai ý tưởng của mình, ông Hùng quyết định đầu tư thêm 15 tỷ đồng cho trồng cây công nghiệp. Đến với khu dự án của ông, chúng tôi thấy nhiều ngọn đồi đã được dọn sạch. Theo ông, phần đỉnh đồi sẽ trồng keo hoặc bạch đàn giống mới; dưới thấp sẽ cho trồng cà phê, kết hợp trồng sắn. Hiện ông đã cho đưa sang 18.000 cây giống cà phê; một vài kỹ sư nông nghiệp đã được ông mời sang cộng tác. Theo chân họ, tôi thấy trong nhà lưới đám cà phê giống đang xanh lá, vươn cành…

Không chỉ là kinh tế

Gần như mọi thành viên trong đoàn đi đều có chung một cảm nhận, nếu vì lợi ích kinh tế đơn thuần, ông Hùng không đổ một khoản tiền lớn như vậy vào những dự án mà trước mắt chưa nhìn ra hiệu quả; điều ông gửi gắm ở đây, cũng như bao doanh nhân CCB mà tôi từng viết: “…Khi kinh doanh thành đạt/ Lại nhường áo sẻ cơm/ Những phận đời thua thiệt/ Dắt dìu người đứng lên…”. Với ông Hùng, nghĩa tình động đội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo…, không chỉ giới hạn trong Hiệp hội, trong cương vực biên giới quốc gia, bởi Bác Hồ đã dạy: “Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Mà tấm gương sáng trong đầu tư SXKD và hoạt động từ thiện ở Lào để ông Hùng noi theo, không ai khác là Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DNDNCCB Việt Nam.

Tiếp chúng tôi, đồng chí Phó tỉnh trưởng Hủa Phăn vui vẻ bày tỏ: “Đồng chí Hùng là người có trách nhiệm, có năng lực làm kinh tế và hết sức nghĩa tình. Tôi đã đến thăm nhà máy của đồng chí nhiều lần. Không chỉ tạo việc làm, tạo ra sản phẩm cho người dân, đồng chí còn cấp gạch miễn phí cho một số gia đình nghèo làm nhà, giúp đỡ nhiều CCB ở Hủa Phăn…; chung tay giúp chúng tôi xóa đói giảm nghèo…”.

Tôi biết, 8 năm qua, CCB Phạm Mạnh Hùng đã có nhiều hoạt động thiện nguyện trên đất Hủa Phăn; chỉ với chuyến đi lần này, ông đã tặng phía bạn hàng chục bộ máy tính cùng nhiều phần quà có giá trị khác và Lãnh đạo Hiệp hội DNDNCCB Việt Nam cũng tặng bạn 50 triệu đồng.

*

Một chuyến đi vài ngày nhưng “thực mục sở thị” nhiều điều. Để rồi chia tay đất và người Sầm Nưa, tôi luôn trăn trở: Suốt mấy chục năm chiến tranh lửa đạn, chỉ có ta với bạn cùng chung chiến hào, “Cọng rau, hạt muối cắn đôi”; nay  vào thời kỳ hội nhập, Lào mở cửa để Trung Quốc và một số nước vào đầu tư đường sắt tốc độ cao, thủy điện, khai thác rừng, mỏ… Nếu ta chậm chân trong thế hội nhập, liệu cơ sự sẽ ra sao…?Mong cho có công chăm cây, ông Hùng sẽ có những mùa quả ngọt, và đất nước mình sẽ có thêm nhiều Lê Văn Kiểm, Đoàn Nguyên Đức, Phạm Mạnh Hùng… ở trên đất bạn!

Duy Tường