Viết tiếp bài viết “Phù phép” đất giáo dục thành… đất ở” ở Thái Nguyên: Cần thanh tra, đánh giá mức độ vi phạm
Một phần diện tích (khu vực đất trống) nằm trong QHCT Trường đại học Y - Dược (cơ sở II) được “phù phép” thành đất ở cho một số cá nhân…
Như số 1523, ra ngày 17-1, Báo CCB Việt Nam có bài viết phản ánh về việc UBND T.P Thái Nguyên cho phép chuyển đổi vị trí khu đất quy hoạch là đất giáo dục khi chưa có cấp thẩm quyền nào bác bỏ quy hoạch hay sửa đổi, bổ sung quy hoạch này. Dù vậy, một số hộ dân nằm trong quy hoạch dự án vẫn được chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách suôn sẻ.
Tham mưu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định
Theo tài liệu, ngày 6-9-2018, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) T.P Thái Nguyên lúc đó là Nguyễn Văn Tuệ ký tờ trình đề nghị cho bà Hoa Thị Xuân Thu được chuyển 100m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị tại thửa đất số 29 (có diện tích 268m2) tại tờ bản đồ số 8 phường Tân Thịnh. Lý do xin chuyển đổi mục đích của gia đình bà Thu là có nhu cầu làm nhà ở và qua kiểm tra của Phòng Quản lý đô thị thành phố, thửa đất nằm trong khu dân cư đông đúc, ở ổn định. Cùng ngày, ông Tuệ cũng ký tờ trình đề nghị cho bà Phạm Thị Thu chuyển mục đích 100m2 sang đất ở đô thị tại thửa đất số 28 (có diện tích 250m2) tờ bản đồ số 8 phường Tân Thịnh với lý do tương tự.
Đến ngày 13-9-2018, Phó chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên - Lê Quang Minh ký quyết định cho phép 2 người này chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm (đất CLN) sang đất ở.
Ngoài 2 hộ trên, được biết ông Lê Quang Minh còn ký quyết định cho phép bà Nguyễn Thị Soi và ông Nguyễn Văn Tình được phép chuyển đổi từ đất CLN sang đất ở. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn gốc thửa đất các hộ chuyển đổi vốn dĩ là đất trồng lúa mà trước đó vào năm 2009, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết là đất giáo dục.
Điều đáng nói, sau 5 năm Phó chủ tịch UBND T.P. Thái Nguyên - Lê Quang Minh ký quyết định cho phép 4 hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mới đây, Phó chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên - Nguyễn Văn Tuệ (người ký tờ trình cho phép các hộ dân chuyển đổi khi đó là Trưởng phòng TNMT thành phố) đã phải ký quyết định thu hồi hủy bỏ việc cho phép một số hộ dân chuyển mục đích sử dụng đất tại phường Tân Thịnh, với lý do thu hồi là không phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định 2841, ngày 23-11-2012 cho Trường đại học Y Dược (cơ sở II) - Đại học Thái Nguyên.
Trách nhiệm sẽ bị xử lý ra sao?
Theo luật sư Phan Thị Tĩnh - Đoàn Luật sư T.P Hà Nội cho biết: “Căn cứ khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013 được sửa bổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 6 Luật số 35/2018/QH14 ngày 20-11-2018 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, thì người dân có đất trong khu vực quy hoạch có các quyền sau: Trường hợp 1: Quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp,… Trường hợp 2: Có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch, được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho,…) nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và sẽ được bồi thường về đất, tài sản trên đất có trước quy hoạch khi Nhà nước thu hồi đất”.
Như vậy, người sử dụng đất không được chuyển mục đích sử dụng đất; Cơ quan chức năng không được cho phép thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt.
Tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) còn quy định về “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai” như sau: “1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2); b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Vì vậy, Cơ quan chức năng ở tỉnh Thái Nguyên cần kiểm tra đánh giá, nếu diện tích cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy thành tiền có giá trị từ 500 triệu đồng hoặc diện tích đất từ 5.000m2 thì chuyển cơ quan điều tra để điều tra về hành vi có dấu hiệu của tội trên - luật sư Tĩnh nói.
Bài và ảnh: Tư Hoành