Chiến thuật lắt léo của Argentina
Tổng thống Argentina - Javier Milei.
Argentina nổi tiếng trên bản đồ thế giới về môn bóng đá. Lối chơi bóng vốn được ca ngợi là “vị nghệ thuật” giờ đây được kết hợp thêm phong cách “gegenpressing” - lối chơi hiếu chiến, gây áp lực tầm cao, liên tục dồn ép đối thủ ngay trên phần sân nhà. Chiến thuật chơi bóng này giờ lại được thể hiện rõ ràng trong chính trị khi Argentina “quay xe”: Quyết định không tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Nếu như 2023 được coi là năm thành công của BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, chiếm 1/4 GDP toàn cầu) khi trong phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Johannesburg (Nam Phi) hồi tháng 8-2023 tổ chức này thông báo mở rộng nhóm với sự tham gia của Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 1-1-2024. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 BRICS mở rộng. Ngày 1-1-2024 đã trôi qua, tất cả các quốc gia trừ Argentina đều nhận lời gia nhập BRICS.
Thực ra, chuyện Argentina không gia nhập BRICS đã được thế giới biết rõ khi quyết định gia nhập được chính phủ cũ thông qua và chính phủ mới của quốc gia này chọn cách làm khác. Ứng cử viên cực hữu Javier Milei của đảng Tự do Tiến bước đã giành chiến thắng sau 2 vòng bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại Argentina diễn ra trong tháng 10 và 11-2023, khiến khả năng Buenos Aires tham gia BRICS trở nên xa vời. Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei tuyên bố không thúc đẩy “Thỏa thuận với những người cộng sản vì họ không tôn trọng các quy định cơ bản của thương mại tự do, tự do và dân chủ”, ám chỉ Brazil, Nga và Trung Quốc trong khối này. Nhà kinh tế học 53 tuổi này khẳng định sẽ liên kết với Mỹ và Israel trong chính sách ngoại giao của mình. Quyết định này của ông Milei được ví như cách chơi bóng đá “gegenpressing”, rất hiếu chiến và quyết liệt. Tuy nhiên, khi tuyên bố như vậy với tư cách là người đứng đầu một quốc gia, ắt hẳn quan hệ của Argentina với Brazil, Nga và Trung Quốc sẽ chẳng thể “cơm lành, canh ngọt” dưới thời ông Milei.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Argentina lại giải thích quyết định không gia nhập BRICS của nước này một cách nhẹ nhàng hơn, như kiểu lối đá bóng “vị nghệ thuật”. Chỉ 20 ngày sau khi ông Milei nhậm chức, tân Ngoại trưởng Argentina - Diana Mondino xác nhận nước này sẽ không tham gia BRICS và đưa ra một lý do nhẹ nhàng và khéo léo, đó là hiện tại Argentina không đủ khả năng tài chính đóng góp vốn theo yêu cầu để gia nhập. Đây không phải lần đầu bà Mondino công khai từ chối lời mời gia nhập BRICS. Bà từng tuyên bố: “Chúng tôi không chống BRICS, nhưng cũng không ủng hộ. Chúng tôi không rõ Argentina sẽ có lợi gì vào thời điểm này nếu gia nhập nhóm”. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng sau này Chính phủ sẽ đánh giá lại triển vọng gia nhập BRICS nếu thấy điều đó có lợi cho đất nước. Trong chuyến thăm Brazil, bà Mondino đã tuyên bố rằng BRICS là một tổ chức “liên kết vì chính trị” hơn là vì lợi ích thương mại và khẳng định Buenos Aires có quan hệ với đa số các quốc gia thành viên. Cựu Tổng thống Alberto Fernández từng xác nhận xuất khẩu của Argentina tới 5 quốc gia BRICS chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế thứ ba Mỹ Latin.
Tuy vậy, cả tuyên bố của ông Milei hay bà Mondino đều phớt lờ những nhận xét về BRICS của chính quyền tiền nhiệm. Tháng 8-2023, sau khi có thông tin BRICS quyết định mở rộng và tiếp nhận thêm các thành viên mới trong đó có Argentina, người tiền nhiệm của ông Milei, Tổng thống Fernandez đã nhiệt tình hoan nghênh lời mời và cho biết Buenos Aires đã mong đợi quyết định này từ lâu. Ông Fernández đánh giá việc trở thành thành viên của BRICS là “cơ hội tuyệt vời” và tin tưởng kinh tế Argentina sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc gia nhập khối, bởi hiện Buenos Aires là con nợ lớn nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngoại trưởng Argentina lúc bấy giờ, Santiago Cafiero, đánh giá BRICS là một “Nền tảng kinh tế và chính trị cần thiết trước một thế giới bất ổn và bất bình đẳng” và nhấn mạnh rằng việc gia nhập nhóm sẽ cho phép Buenos Aires phát huy năng lực xuất khẩu.
Dẫu gì thì Argentina đã quyết định không lên con tàu BRICS, có thể vì lý do chính trị khi chính quyền mới quyết định đưa đất nước vào quỹ đạo của Mỹ, cũng có thể vì lý do kinh tế bởi Argentina đang thực sự khó khăn khi nền kinh tế nước này đang trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với lạm phát lên tới 150%. Bên cạnh đó, Argentina hiện nợ IMF khoảng 40 tỷ đến 45 tỷ USD và đang mất khả năng thanh khoản. Argentina thật sự cần tiếp cận Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS (NDB), với nguồn vốn lên tới 100 tỷ USD nhưng quyết định không gia nhập BRICS đồng nghĩa với việc quốc gia Nam Mỹ mất đi nguồn vốn quan trọng này.
Không tham gia BRICS là pha bóng ngoạn mục của Argentina. Sự phát triển kinh tế - xã hội của Argentina trong thời gian tới sẽ giúp trả lời pha bóng này có dẫn tới bàn thắng quyết định của trận chung kết hay không mà thôi.
Thanh Huyền