Những ngày ở tây Săm Lốt
Đại tá Trần Hậu Tám - nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 giai đoạn 1978-1981, nguyên Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh. Dưới đây là hồi ức về một thời làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia của Đại tá Trần Hậu Tám.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở khu vực Lếch, huyện Ca Ro Vanh, tỉnh Pua Xát, Campuchia, Trung đoàn 266 cơ động lên làm nhiệm vụ truy quét địch ở khu vực phía tây Săm Lốt, tỉnh Bát Tam Băng. Thời điểm nay, tôi đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 7. Từ Bát Tam Băng, Tiểu đoàn 7 hành quân theo quốc lộ 57 qua cua chữ V lên hướng thị trấn Pai Lin, đến khu vực ngã ba Băng Rô Lin thì được lệnh dừng lại. Lúc này trời đã cuối chiều, địa hình khu vực này khá cao, nhìn vào bản đồ thì phải cách vài ki-lô-mét nữa mới có thể có nước. Đang băn khoăn về nguồn nước thì trinh sát báo cáo gần đó có 1 cái hồ rộng bằng nửa sân bóng chuyền, nước màu đục như nước vo gạo. Thế là lính nuôi quân cắm ngay biển: "Nước dùng cho ăn uống, cấm tắm giặt”. Chỉ huy Tiểu đoàn, Đại đội khẩn trương hội ý nắm tình hình, triển khai phương án chiến đấu tại chỗ. Sau gần 1 ngày hành quân, ai nấy đều mệt nhoài; tranh thủ múc nước đun sôi đổ bi đông, nấu cơm tối và triển khai mắc tăng võng, làm công sự chiến đấu... Sáng sớm hôm sau, vì làm rơi cái xẻng xúc cơm, chiến sĩ nuôi quân lội xuống hồ để tìm thì ôi thôi, dưới đó toàn đầu lâu và xương người (lính Pôn Pốt thường giết dân và ném xuống giếng, xuống hồ). Biết chuyện, lính ta có nhiều anh đã nôn ói, khạc nhổ… Hai ngày sau, Tiểu đoàn có lệnh cơ động theo trục đường lâm nghiệp về đội hình Trung đoàn.
Khu vực Săm Lốt thung lũng khá dài, hai bên là rừng núi rậm rạp âm u, xuống dần là nương rẫy của dân. Tiểu đoàn 7 được phối thuộc 1đại đội Đặc công của Mặt trận, cơ động truy quét địch khu vực sát biên giới Campuchia và Thái Lan. Trung đoàn phó Nguyễn Đình Thân đi cùng trực tiếp chỉ đạo (đồng chí Thân quê Nghi hợp, Nghi Lộc, Nghệ An bị vướng mìn, hy sinh ngày 5-9-1980). Đường hành quân chỉ là lối mòn giữa rừng, dốc trơn trượt, có chỗ cây lớn đổ giữa đường, anh sau đỡ anh trước mới trèo qua được. Cuối chiều, đội hình đơn vị mới đến vị trí quy định, chỉ huy Tiểu đoàn đóng tại phum Ôchôa nằm gần ngã ba có con suối khá lớn, rộng khoảng 80-100m nước chỗ cạn chỉ ngang bụng. Suối có 2 nhánh, 1nhánh trong vắt, 1 nhánh lại đục ngầu rồi tạo thành nửa đục, nửa trong ở đầu con suối chính. Đại đội Đặc công theo nhánh con suối đục hướng bên phải đi lên khoảng 7km nữa (trên bàn đồ có ký hiệu khu vực nhiều nhà dân), Đại đội 2 theo hướng đó lên khoảng 2km, Đại đội 3 theo dòng suối trong bên trái cơ động lên khoảng 2km, phía sau là Đại đội 1 và Đại đội cối 82ly.
Khoảng 30 phút sau, hướng Đại đội 3 có tiếng súng nổ, Chính trị viên Trần Văn Khiêm (quê Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh) báo cáo: "Gặp một tốp địch, ta kịp thời nổ súng nên chúng bỏ chạy, phát hiện có nhiều ngôi nhà”. Sau khi trao đổi với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hùng (quê Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh), tôi cùng cậu Phán - liên lạc mang theo súng AK vội lên xem sao. Lúc này Đại đội 3 đã lùi về sau khoảng 150m bên này con suối cạn, Đại đội phó Nguyễn Văn Cư (quê thị trấn Đức thọ) dẫn tôilên. Trước mắt chúng tôi có gần 10 ngôi nhà, dạng nhà tạm lợp tranh, có lẽ đây là hậu cứ của địch, xung quanh trồng rau, sắn và cắm chông dày đặc, chỉ còn ít tay lưới, vài bộ quần áo và bàn chải đánh răng chúng bỏ lại. Ba anh em vừa nói chuyện vừa tranh thủ hái một ít rau về cải thiện, đột nhiên có mấy loạt súng nổ ran, đạn cày ngay trước mặt. Bằng phản xạ tự nhiên, chúng tôi chỉ kịp lăn ngay xuống rãnh và bắn trả. Nghe tiếng súng, anh em phía sau kịp thời cơ động lên chi viện, địch phải bỏ chạy. Đồng chí Khiêm bảo tôi: “Em tưởng nó bắt anh rồi”. Tôi cười và nghĩ có thể nhờ bụi rậm che khuất, địch không nhìn rõ và có lẽ chúng tưởng ta đông không dám đến gần.
Tối hôm đó đơn vị Đặc công tiếp tục hành quân, khoảng nửa đêm thì nghe tiếng súng rộ lên một lúc rồi im bặt. Đồng chí Đại đội trưởng báo cáo: “Phát hiện một đoàn khoảng 50 người từ hướng biên giới Thái Lan đi sang, ta nổ súng nhưng sau đó xác định là dân, quân ta lạc đạn hy sinh 1 đồng chí”. Sau khi báo cáo, trên có lệnh phải đưa ngay số dân Thái đó về phía sau;trên đường về lại vướng phải mìn KP2, một cô gái bị cụt cả 2 chân, vài người khác đi gần đó cũng vướng mảnh. Về đến nơi, Trung đoàn phó Thân yêu cầu tôi bằng mọi giá phải cứu sống cô gái. Lập tức, tôi và y sĩ Tuấn chạy nhanh về phía nạn nhân. Cô gái khoảng 16 tuổi, khá xinh mặc áo phông màu tàn thuốc, phía dưới đắp 1 tấm xà rông, mặt xanh nhợt vì mất nhiều máu, đau đớn quằn quại. Tôi bảo Tuấn tiêm một mũi giảm đau, nhưng một lúc sau thì cô ấy tắt thở. Người mẹ đi cùng khóc lóc và làm thủ tục chia của rồi nhờ bộ đội ta an táng tại đó, họ ở lại 1 tối, sáng hôm sau chúng tôi cho lực lượng hộ tống về Săm Lốt. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết số dân Thái này sang khai thác đá đỏ. 1 tháng sau, đơn vị tổ chức 1 đại đội hộ tống số người này qua đất Thái, khi đến nơi thấy an toàn, bộ đội ta mới quay về.
Ngày tiếp ngày, các đơn vị vẫn đi lùng sục, truy quét địch, lính ta ngán nhất là mìn và sốt rét. Mìn KP2 của Trung Quốc xanh như một khúc tre, có thể đạp nổ hoặc vướng nổ, cứ bật lên khoảng 0,5m mới nổ, nếu dính thường là đứt ngang hai chân từ đùi trở xuống; muốn dò gỡ mìn phải bằng máy, thuốn hay cành cây nhỏ uốn hình cung để phát hiện dây cài. Mìn K58 chỉ có thuốc nổ và nhựa, khi đạp nổ sức công phá rất mạnh, thường chân sẽ bị tước như chuối từ bàn lên tận đùi, muốn phát hiện phải dò bằng thuốn. Thủ đoạn bố trí của chúng cũng hết sức tinh quái, thường là núp trong bụi rậm chờ ta đi qua lẻn ra cài, khi ta quay lại chủ quan là dính ngay. Địch còn chặt cây cắm chéo qua đường phía dưới buộc dây cài mìn, lính ta gạt cây ra là nổ. Những chỗ đường tương đối rộng, chúng cài mìn hai bên, phía cuối để một quả lộ thiên, khi ta phát hiện thường dừng lại cử người lên mở, chúng phục phía trước bắn vào đội hình; theo phản xạ, lính ta nhảy sang hai bên đường là dính thương vong.
Khu vực tây Săm Lốt trong bản đồ có ký hiệu cái đầu lâu và 2 khúc xương chéo phía dưới, tức là độc hại không thể sống được. Vì vậy, anh em sốt rét ngày càng nhiều rồi gần như là 100%, có người tối ngủ lên cơn ác tính sáng anh em gọi thì đã chết cứng trong võng. Quân số hy sinh chủ yếu là mìn và sốt rét ác tính, có hôm đi truy quét, 1 đại đội chỉ có 10-15 tay súng. Tiểu đoàn quân số cũng mỏng dần, nhìn anh em thật thương, dáng tiều tụy, mặt hốc hác, da xanh mét.
Đường từ Sư đoàn (cua chữ V) vào Trung đoàn 266 (Săm Lốt) là đường cấp phối qua ngã ba An Đông, nếu rẽ trái thì vào khu vực Tà Xanh, rẽ phải thì đến khu vực Săm Lốt. Đường khá dài, ngoằn nghèo, những cua, những dốc, rồi lại ngầm, hai bên là đồi cây khộp…; địa hình rất dễ cho địch cài mìn phục kích, có thời điểm Sư đoàn 341 phải rải lực lượng để bảo vệ.
Đầu năm 1980, Trung đoàn 250 (nguyên là đơn vị trồng bông ở Thuận Hải) vào thay, Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh rút ra đóng quân ở khu vực đông bắc cua Chữ V làm nhiệm vụ bảo vệ Sở Chỉ huy Sư đoàn và đón Tết tại đây.
Cuối năm đó, Sư đoàn 341 được lệnh rút quân về nước. Thế là đã hơn 4 năm từ biên giới Tây Ninh đến Hà Tiên, từ thủ đô Phnôm Pênh đến thị xã Công Pông Spư rồi lật cánh theo quốc lộ 5 lên Bát Tam Băng và mãi tận biên giới Thái Lan… Những địa danh đó đã in sâu bao dấu chân của người lính Đoàn bộ binh Sông Lam. Tình hình Campuchia đã từng bước ổn định; những thành phố, thị xã, thị trấn, làng mạc hoang tàn sau thảm họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt giờ đang từng bước hồi sinh. Các đô thị đã sáng ánh điện, quán hàng mọc lên nhan nhản, tiếng nhạc xập xình và tiếng cười nói râm ran...
Nhớ về những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ khó khăn và ác liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia; nhớ bao đồng đội của đã hiến trọn tuổi xuân và một phần máu xương của mình cho sự bình yên và hồi sinh của mảnh đất Chùa tháp xinh đẹp và góp phần làm nên truyền thống Tiểu đoàn 7 Anh hùng của của Sư đoàn Sông Lam 2 lần Anh hùng LLVTND, tôi xúc động viết:
Chúng tôi đã đi qua một cuộc trường chinh
Có người trở về, người ra đi mãi mãi
Đất nước bình yên đang đơm hoa, kết trái
Nhưng vết thương lòng vẫn không thể phôi phai.
Trần Hậu Tám kể, Mai Thanh Hải ghi