Những bài học vừ vụ Vạn Thịnh phát: Bài 2: “Gương mờ” không soi được
Vụ án này xảy ra tại VTP Group và SCB tác động đến nhiều vấn đề khác nhau liên quan kinh tế - xã hội, niềm tin của nhân dân. Giá như, Đoàn Thanh tra liên ngành không suy thoái, gục ngã?
Bao che cho SCB
Theo Kết luận điều tra (KLĐT), trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015-2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra giám sát (TTGS) triển khai 3 đoàn thanh tra (ĐTT). Trong đó, ĐTT năm 2017-2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện SCB.
Ngày 1-8-2017, ông Nguyễn Văn Hưng khi là Phó chánh thanh tra NHNN, phụ trách Cục II ra quyết định thành lập ĐTT SCB. Đoàn do Cục trưởng Cục II - Đỗ Thị Nhàn làm Trưởng đoàn; tham gia Đoàn còn có thanh tra viên (TTV) của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Kết quả thanh tra (ban đầu) xác định SCB sai phạm tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỷ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu; đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng hầu hết đều rủi ro mất vốn…
Khi xây dựng dự thảo báo cáo lần đầu phục vụ việc trình bày với lãnh đạo NHNN và Thủ tướng vào cuối tháng 1-2018, bà Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp "bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5" với 3 dự án, tổng dư nợ gần 38.000 tỷ đồng.
Hành vi của ĐTT đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, nợ xấu từ 91.000 tỷ đồng xuống còn 53.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đang âm (-19 nghìn tỷ đồng) thành dương (+2,7 nghìn tỷ đồng), hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang từ âm hơn 4% thành dương gần 6%.
Trong quá trình thanh tra SCB, ĐTT còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng lại bưng bít, bao che, không báo cáo, kết luận điều tra nêu. Thậm chí, khi thành viên ĐTT đề xuất "đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt" thì ông Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo của NHNN báo cáo Chính phủ. Nghiêm trọng hơn, tại phần kiến nghị, ĐTT đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép SCB xây dựng đề án tái cơ cấu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới.”([1]). Đáng tiếc, Đoàn Thanh tra SCB đã qua mặt lãnh đạo NHNN, lừa dối Chính phủ.
Toàn bộ 24 thành viên ĐTT, trong đó có nhiều TTV lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ đều bao che cho sai phạm của SCB? Nguyên nhân bị mua chuộc, gục ngã trước đồng tiền.
Bài học về công tác tổ chức
Vụ án tại VTP Group, SCB rồi đây sẽ được các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tổng kết rút ra nhiều bài học. Tuy nhiên, với những điều đã được CQĐT phân tích, nhận định làm căn cứ đề nghị truy tố các bị can, đã cho thấy vấn đề lớn, cấp bách về tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra, không chỉ riêng TTGS Ngân hàng.
Mục đích của hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân([2]).
TTGS ngân hàng của NHNN trước đây chỉ là đơn vị cấp vụ; quá trình hoạt động, do yêu cầu nhiệm vụ đã được nâng lên cấp Tổng cục([3]). Theo quy định pháp luật có 4 biện pháp trong công tác giám sát ngân hàng như giám sát an toàn vi mô, giám sát qua báo cáo, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng giám sát, kiểm tra thanh tra theo định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến tháng 9-2022, Cục II của cơ quan TTGS NHNN chi nhánh T.P Hồ Chí Minh và NHNN Chi nhánh T.P Hồ Chí Minh (được NHNN giao chủ trì) đã không triển khai quyết liệt biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với SCB theo chức năng, nhiệm vụ. Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, đáng tiếc, công tác TTGS đã bị buông lỏng, xem nhẹ.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định lấy phòng ngừa là chính. Đối với vụ án tại VTP Group và SCB nếu kiểm soát được từ sớm, từ xa, chắc chắn hậu quả không ghê gớm như vậy.
Họ đã nhận số tiền hối lộ cực lớn, siêu khủng. Chỉ riêng bà Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục II, Trưởng ĐTT nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng đồng tại thời điểm nhận). Cho đến nay, đây là “kỷ lục” về đưa và nhận hối lộ. Các thành viên còn lại trong ĐTT đều nhận tiền của SCB, ít nhất hơn 100 triệu. Trong số này có ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chánh TTGS NHNN nhận 390.000 USD (tương đương 8,7 tỷ đồng).
“Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được” - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn([4]). Làm sao để hoạt động thanh tra hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ TTV cả nước liêm chính? Đây vẫn là câu hỏi lớn!
(Còn nữa)
N.Đ.H
[1] Trích lời của Bác tại “Hội nghị cán bộ thanh tra toàn quốc”, năm 1960.
[2] Luật Thanh tra (Luật số 11/2022/QH15).
[3] Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ.
[4] Lời của Bác tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc, ngày 19-4-1957