Thế ai làm chủ?

   

Hồi Mậu Thân 1968, ở cơ quan T.Ư Cục miền Nam không mấy ai là không thuộc cụm từ "tiến công để làm chủ; làm chủ để tiến công". Một lần, mấy cán bộ Tuyên huấn đi xuống cơ sở truyền đạt những nội dung cơ bản về "tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công" liền bị mấy cụ cao niên quây lấy và hỏi: Các chú đánh để làm gì?. Vốn đã thuộc lòng trong đầu nên anh cán bộ nhanh nhảu trả lời: "Dạ thưa, đánh để làm chủ ạ". Có cụ lại hỏi tiếp:"Thế ai làm chủ"? Dạ thưa:" Cô bác làm chủ. Các cháu đánh xong rồi thì đi chỗ khác". Nghe vậy, các cụ dồn tiếp:"Các chú nói nghe được đấy. Thế nhưng bà con làm chủ thì bà con phải có ý kiến với các chú. Các chú đánh xong rồi các chú làm chủ thì mặc các chú, chứ còn bà con tui làm chủ thì bà con phải có ý kiến". Một cụ nói tiếp: "Các chú thì đơn giản lắm vỉ các chú chỉ có khẩu súng với cái bòng, đánh xong rút đi đâu mà chả được; còn "qua" đây còn vợ, còn con, lại còn nào là thóc, trâu, bò, lợn gà, vườn tược... khênh đi đâu được. Mỗi lần chạy, dắt con trâu theo đã khó rồi huống chi là cả mớ. Cho nên "qua" phải bám trụ ở lại. Mà ở lại thì phải có cách cho "qua" ở lại chớ! "Qua" khác với các chú. Địch đến, các chú không đánh chỉ cần "chém vè" một cái là xong còn "qua" đây còn bao nhiêu thứ ràng buộc, đâu đơn giản như thế được. Tóm lại, đánh thế nào để còn giữ thế hợp pháp cho dân chứ.".  

Câu chuyện "tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công" không ngờ sau đó lại trở thành chủ đề tranh luận khá sôi nổi trong cơ quan Trung ương Cục và giữa một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở cơ quan với một số Tư lệnh quân khu. Sau Đợt I Mậu Thân, phái viên của Trung ương Cục xuống kiểm tra tình hình Khu 8. Bí thư Khu ủy Sáu Đường liền nêu vấn đề: "Tiếp tục đánh nhưng phải đánh như thế nào để giữ thế hợp pháp cho dân". Vốn đang thấm nhuần tư tưởng" đánh dứt điểm, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân" nên ông phái viên nghe đến cụm từ "giữ thế hợp pháp" có vẻ như không xuôi tai nên lớn tiếng cãi lại: "Lúc này là phải nổi dậy nắm lấy chính quyền, thằng nào chống lại thì lập tòa án xử, không có lôi thôi. Sao lúc này vẫn còn nói đến giữ thế hợp pháp". Nghe vậy, ông Sáu Đường ôn tồn phân tích, trao đổi lại: "Không được đâu anh ạ. Chúng tôi ở đây lâu rồi, nhiều năm rồi, chúng tôi thấy có vấn đề lịch sử không phải dễ dàng như vậy đâu. ta đanh trận này cũng phải dự kiến đến tình huống không thuận lợi, địch nó trở lại thì làm thế nào. Nó mà quay trở lại thì dân sống ra làm sao? Cho nên đánh nhưng không thể không nghĩ đến thế hợp pháp cho nhân dân được".  

Nghe Bí thư Khu ủy giãi bày như vậy, ông phái viên dần hiểu ra rằng phải biết lắng nghe ý kiến của những người sâu sát cơ sở. Phải nghiêm túc nghĩ đến tình huống là sau các đợt tiến công tiếp theo nếu không dứt điểm được, địch còn sờ sờ ra đấy thì dân sống ra sao. Đó thực sự là một vấn đề buộc các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở xa cơ sở phải suy nghĩ và và tính đến.

Long Trần