Kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Fidel Castro (9.1973 - 9.2023): Hành trình ra đời của cuốn sách quý về Lãnh tụ Fidel Castro
Đồng chí Trương Thị Mai và đại diện Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội chúc mừng CCB Phan Văn Quý và tập thể biên soạn sách.
Cuối năm 2019, tôi được CCB Phan Văn Quý - Anh hùng LLVTND, Đại biểu Festival 11 tại Lahabana năm 1978, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương trao đổi về việc biên soạn, xuất bản cuốn sách để thiết thực kỷ niệm 60 năm Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao (12.1960 - 12.2020). Mặc dù đã có chút ít kinh nghiệm làm sách cùng anh Quý, nhưng chủ đề đối ngoại với tôi còn quá mới mẻ. Tuy vậy, sau nhiều lần bàn thảo, anh em chúng tôi cũng thống nhất tên của cuốn sách là “Fidel Castro và Việt Nam những kỷ niệm không quên”.
Từ ý tưởng ban đầu đó, chúng tôi báo cáo Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba là đơn vị chỉ đạo nội dung và mời một số nhà ngoại giao lão thành, nhà báo có nhiều kỷ niệm về Lãnh tụ Fidel cùng tham gia. Chủ biên sách gồm ông Nguyễn Đình Bin - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Trung tướng Lê Phúc Nguyên - nguyên Tổng biên tập Báo QĐND và tôi - Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam. Người đề xuất ý tưởng và chủ trì thực hiện là anh Phan Văn Quý lúc này cùng với Tập đoàn Thái Bình Dương tham gia phối hợp trong các công việc liên quan, bao gồm: Bảo đảm toàn bộ tài chính, sưu tầm tư liệu mới, tổ chức biên soạn, dịch thuật và xuất bản sách.
Trong suốt 60 năm quan hệ giữa Việt Nam - Cuba nói chung, những kỷ niệm của Lãnh tụ Fidel với Việt Nam, đã được sách báo của ta và bạn đề cập rất nhiều, nên đơn vị chỉ đạo nội dung và anh em chúng tôi thống nhất giới thiệu trang trọng ý kiến của Lãnh đạo Việt Nam - Cuba nói về tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước; tập trung khai thác những thông tin, tư liệu mới xung quanh hai sự kiện quan trọng nhất là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Fidel trong kiện ngày 2-1-1966, tại cuộc mít tinh trên Quảng trường Cách mạng ở Lahabana, trước hàng chục vạn người: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cá máu của mình” và chuyến đi thăm Việt Nam đầu tiên của Fidel vào tháng 9-1973. Sau chuyến đi thăm này, Chủ tịch Fidel đã dành một số tiền lớn mua máy móc, thiết bị mở đường hiện đại giúp Việt Nam nâng cấp đường Đông Trường Sơn; tài trợ giúp Việt Nam xây dựng một loạt công trình hữu nghị có giá trị phục vụ kháng chiến chống Mỹ và kiến thiết đất nước về sau. Đó là: Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba (Quảng Bình), Trung tâm bò giống Mộc Châu; các trung tâm gà Ba Vì, Chương Mỹ, Tam Đảo; đường Việt Nam - Cuba từ Sơn Tây đi Xuân Mai, Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội)…
Quá trình biên soạn sách, chúng tôi có mời những nhân chứng lịch sử đã được gặp gỡ, làm việc với Lãnh tụ Fidel, như ông Nguyễn Đình Bin - nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao; Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng LLVTND, cán bộ Sư đoàn 304 đã đón tiếp Lãnh tụ Fidel trên cao điểm 241, tại Quảng Trị năm 1973; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 515 - đơn vị trực tiếp sử dụng máy móc được Lãnh tụ Fidel tài trợ để xây dựng, nâng cấp đường Đông Trường Sơn…
Song hành với việc tiếp cận các nhân chứng, Tập đoàn Thái Bình Dương đã tổ chức một nhóm cán bộ tới các thư viện lớn ở Hà Nội để sưu tầm tư liệu về Lãnh tụ Fidel, do nguồn tư liệu về Fidel trước đây chỉ lưu bằng văn bản, không có trên mạng Internet, như các bài: “Hiên ngang Cuba” của nhà văn Thép mới, “Gắn huy hiệu tặng Chủ tịch Fidel” của nhà báo Lý Văn Sáu, “Fidel Castro trong ký ức một nữ doanh nhân Hà Nội” của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Anh Nhân…
Biên soạn được sách đã khó, nhưng chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Tây Ban Nha, trong bối cảnh người dịch tiếng Tây Ban Nha đáp ứng được yêu cầu xuất bản sách, hiếm hơn lá mùa đông; đã có lúc tôi nghĩ kế hoạch xuất bản sách với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha khó thực hiện. Nhưng rồi với quyết tâm, nhiệt huyết, cán bộ, chuyên viên của Tập đoàn Thái Bình Dương đã về tỉnh Hải Dương gặp nhà báo, dịch giả Vũ Văn Âu, năm nay đã hơn 80 tuổi, trước đây là đại diện của Thông tấn xã Việt Nam tại Cuba để lấy thông tin và mời hợp tác dịch thuật; liên hệ với cán bộ Đại sứ quán Cuba tại Thái Lan mà trước đây đã từng ở Việt Nam, hiểu Việt Nam để mời hợp tác dịch sách. Kết quả là cả hai ấn phẩm đều hoàn thành có chất lượng cả về nội dung và tính mỹ thuật cao.
Được sự chung tay của nhiều tập thể, cá nhân, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát, động viên kịp thời của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Trương Thị Mai; vai trò chủ trì tổ chức, công tác bảo đảm của Tập đoàn Thái Bình Dương và anh Phan Văn Quý, cộng với trách nhiệm nhiệt huyết hết mình của tập thể biên soạn, dịch thuật, cuốn sách đã hoàn thành, đảm bảo nội dung, kế hoạch thời gian.
Dự lễ ra mắt cuốn sách “Fidel Castro và Việt Nam những kỷ niệm không quên”, đồng chí Trương Thị Mai (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đánh giá cao trách nhiệm, nhiệt tình của anh Phan Văn Quý, Tập đoàn Thái Bình Dương và những người làm sách. Được biết, cuốn sách cũng đã theo chân lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta sang thăm Cuba năm 2022.
Ôn lại kỷ niệm làm sách về Lãnh tụ Fidel với Việt Nam, góp phần nhỏ bé vào củng cố tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba, xin được trích dẫn Lời giới thiệu cuốn sách “Fidel Castro và Việt Nam những kỷ niệm không quên” của đồng chí Trương Thị Mai: “…Cuốn sách “Fidel Castro và Việt Nam những kỷ niệm không quên” đã tập hợp một phần những ký ức, suy nghĩ tình cảm của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, cán bộ, chiến sĩ… về nghĩa tình sâu nặng của Lãnh tụ Fidel Castro và nhân dân Cuba anh em dành cho Việt Nam… Tôi đánh giá cao ý tưởng và đóng góp của đồng chí Phan Văn Quý - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Anh hùng LLVTND, Đại biểu Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 11 năm 1978 tại Cuba, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, trong việc thực hiện cuốn sách nhiều ý nghĩa này…
Mong rằng, những thông tin và tư liệu quý trong cuốn sách này sẽ góp phần thiết thực nối dài tình cảm chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, nhất là trong thế hệ trẻ…”.
Duy Tường