Ngã ba Đồng Lộc: Đẹp mãi mười bông hoa bất tử
Đoàn Báo CCB Việt Nam bên hố bom nơi 10 cô gái TNXP hy sinh ngày 24-7-1968.
Nhân kỷ niệm 55 năm, Ngày hy sinh của 10 nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc (24.7.1968 -24.7.2023), Đoàn cán bộ, phóng viên Báo CCB Việt Nam đã đến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở Đồng Lộc - nơi gắn liền với huyền thoại 10 cô gái TNXP bất tử.
Ngã ba Đồng Lộc nằm ở xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hòa mình trong màu xanh của những đồi thông bạt ngàn, những cánh đồng lúa, ngô bát ngát, con đường nhựa thênh thang… của Đồng Lộc, ít ai nghĩ rằng 55 năm trước, nơi này từng là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ trên tuyến đường huyết mạch 1A.
Đứng bên hố bom nơi 10 chị đã hy sinh năm xưa, chúng tôi lặng người khi cô thuyết minh người Hà Tĩnh với giọng lúc trầm bổng, khi sâu lắng đưa chúng tôi về huyền thoại Ngã ba xưa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tuyến giao thông chiến lược từ hậu phương miền Bắc vàotiền tuyến lớn miền Nam. Từ tháng 4-1968, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt sự chi viện trên tuyến đường 15. Sống và chiến đấu tại Đồng Lộc hồi đó có rất nhiều lực lượng,nhưng tiêu biểu nhất và đông đảo nhất chính là lực lượng TNXP. Với quyết tâm sắt đá: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu”, “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông tuyệt đối không bao giờ tắc nghẽn”... Những chàng trai, cô gái ở độ tuổi thanh xuân đã hóa thân trên những con đường để đi đến tương lai.
Câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù đã làm cả đoàn xúc động. Những đôi mắt ngấn lệ như nhòa đi khi nhìn vào hố của quả bom đã sát hại các chị và được nghe kể chi tiết về trận chiến bi hùng ấy. Các chị thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Các chị đều ở Hà Tĩnh, tuổi đời còn rất trẻ, trẻ nhất là chị Võ Thị Hà, hy sinh khi vừa tròn 17 tuổi. Ba người chị lớn tuổi nhất cũng chỉ vừa 24 tuổi.
Vào 16 giờ ngày 24-7-1968, trong khi các cô gái TNXP đang san lấp hố bom, sửa đường cho một đoàn xe ra tiền tuyến thì máy bay địch ào ạt đến ném bom khu vực đường đang sửa.Các chị chỉ kịp tạm lánh vào căn hầm bên cạnh sườn đồi trú ẩn. Nhưng không ngờ, một trong hàng loạt quả bom đã rơi trước cửa, đánh sập căn hầm rồi bao trùm lên tất cả các chị. Những đồng đội vừa khóc vừa gọi tên từng chị một, lạc cả giọng mà không ai trả lời, đáp lại chỉ thấy mấy chiếc nón rách và cuốc xẻng nằm vung vãi trên mặt đường…
Trong nỗi đau thương vô hạn, đồng đội tìm kiếm các chị suốt một ngày, rồi hai ngày đêm cũng chỉ tìm thấy 9 chị. Còn Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc thì vẫn không tìm thấy đâu. Với quyết tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tìm được chị để 10 chị em được yên nghỉ cùng nhau, họ đã bới tìm chị Cúc với những ngón tay rớm máu. Với tâm trạng coi chị Cúc như em gái mình đang còn bị vùi trong đất lạnh lẽo, ông Nguyễn Thanh Bính - khi đó là nhân viên kỹ thuật của TNXP tại Đồng Lộc, sau này là nhà thơ Yến Thanh,đã viết bài thơ “Cúc ơi!” với hy vọng tìm thấy chị về quây quần cùng đồng đội.
Cúc ơi!/ Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ Chín bỏ làm mười răng được!…
Thật kỳ lạ, khi ông đọc bài thơ này thì đến chiều tối ngày thứ ba, đồng đội tìm được chị Cúc. Chị đang trong tư thế ngồi, nón lệch sang một bên đầu, còn 10 đầu ngón tay bị rách, máu đã khô. Nhìn đôi bàn tay ấy, đồng đội đoán là khi bom nổ và hầm sập xuống, chị Cúc ở sâu nhất nên chịu sức ép của bom ít nhất. Chị vẫn còn sống và đã cố gắng dùng 10 đầu ngón tay cào bới từng lớp đất tìm đường đi ra. Nhưng lớp đất dày quá, chị đào mãi đến khi kiệt sức mới hy sinh.
Chiều tối hôm đó, đồng đội đưa chị về quây quần với đồng đội và làm lễ truy điệu cho 10 cô gái trong nỗi đau thương vô hạn, trên bầu trời Đồng Lộc máy bay vẫn tiếp tục quần lượn và bom vẫn nổ vang trời…
Mắt chúng tôi nhòe đi, với nén tâm nhang và bông cúc trắng trên tay, thành kính dâng lên các chị để tưởng nhớ 10 bông hoa ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời… Giữa đại ngàn đầy nắng, hai cây bồ kết tỏa hương thoang thoảng như mùi hương tóc các chị vẫn còn vấn vương đâu đây trong gió.
Mỗi điểm dừng chân tại quần thể di tích Ngã ba Đồng Lộc là một nơi tưởng niệm thiêng liêng về những con người đã xả thân cho sự bình yên của vùng đất này. Đó là tượng Đài chiến thắng Đồng Lộc; Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Đồng Lộc; Khu mộ 10 nữ TNXP hy sinh tại Đồng Lộc… Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho nhân dân và thế hệ trẻ cả nước; là nơi trở về, viếng thăm đồng đội của những CCB, những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu nơi đây; là địa chỉ du lịch tâm linh của đông đảo các tầng lớp xã hội, cả trong và ngoài nước.
55 năm đã trôi qua, những chiến sĩ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, đặc biệt là 10 nữ TNXP là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cuộc sống đã hồi sinh thì sự hy sinh của các chị đã trở thành bất tử, mãi mãi là trường ca của dân tộc Việt Nam.
Lê Thành An