Nhiều tỉnh thành khó hoàn thành Dự án FMCR như mong đợi: Bài 2: Nhiều địa phương “không có hoạt động lâm sinh, chạy theo gói XDCB”?
Tuyến đê ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng…
Như số báo trước, Báo CCB Việt Nam đề cập về thực trạng một số địa phương triển khai Dự án FMCR khó có thể hoàn thành mục tiêu và quyết định phê duyệt Dự án. Bài viết này, Báo CCB Việt Nam tiếp tục nêu một số địa phương không trồng rừng lâm sinh, nhưng lại được rót vốn triển khai các gói xây dựng cơ bản (XDCB)...
Không có hoạt động lâm sinh vẫn được thụ hưởng gói XDCB
Theo Quyết định 2198 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phân bổ nguồn vốn cho T.P Hải Phòng triển khai Dự án lên tới 38,426 triệu USD - tương đương 887,472 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại một số xã của địa phương này, hầu như không có hoạt động lâm sinh (trồng rừng, phục hồi rừng) nhưng các gói xây dựng cơ bản (XDCB) lại được phê duyệt, triển khai.
Cụ thể, tại xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, theo Phó chủ tịch UBND xã - ông Nguyễn Văn Toản thông tin: Trên địa bàn mấy năm nay không có dự án trồng rừng FMCR nào cả. Duy nhất xã được thụ hưởng 1 công trình Dự án XDCB làm đường tuần tra ra khu rừng của xã. Tuyến đường này đi qua đất bờ ao đầm nuôi trồng thủy sản (NTTS) của các hộ dân, thuộc địa giới thôn Thủy Hưng.
Chiều dài của tuyến đường khoảng 1,7km, mới GPMB được 800m, số còn lại chưa GPMB được do một số hộ NTTS chưa đồng thuận bàn giao cho dự án triển khai.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn đầu tư hạng mục kè đê biển 3, dài khoảng 3km. Đoạn này nằm trong đoạn nối tiếp với đoạn đê đang triển khai ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng (dài khoảng 7km - PV) - ông Toản cho biết thêm.
Hay như, tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, xã này thông tin không có dự án trồng rừng nào thuộc Dự án FMCR, nhưng vừa qua có Đoàn của Sở NNPTNT thành phố về khảo sát, dự kiến cho làm 2 tuyến đường bảo vệ rừng của xã.
“Tuy chưa triển khai, phê duyệt nên chúng tôi không biết có được thụ hưởng dự án này không” - vị lãnh đạo xã Đại Hợp cho biết.
Tại xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - nơi đây cũng không có hoạt động lâm sinh của Dự án FMCR nhưng cũng được triển khai xây dựng gói kè biển dài khoảng 500m. Tổng số tiền được phê duyệt của gói này là hơn 10 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, gói đầu tư nâng cấp này do trước đây đoạn kè bị cơn bão số 10 năm 2017 đánh sập, nay được Dự án FMCR quan tâm đầu tư.
Tại một số địa phương khác như xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc; phường Quỳnh Dị, Quỳnh Lộc ở thị xã Hoàng Mai; xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu; phường Trung Đô, T.P Vinh… dù không có hoạt động trồng, phục hồi rừng theo chương trình của Dự án FMCR nhưng đều được thụ hưởng các gói nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông đi ra khu vực RPH hoặc các điểm NTTS… có từ các Dự án trước.
Gấp rút triển khai các gói thầu XDCB…
Mới đây, thông tin trên Báo Đấu thầu cho hay: Ban Quản lý dự án các công trình NNPTNT Hải Phòng vừa mở thầu qua mạng 3 gói thầu xây lắp của Dự án hiện đại hóa Ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) T.P Hải Phòng, mỗi gói thầu chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).
Tại Gói thầu FMCR-HP-XL09 cải tạo, nâng cấp 10 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất, dịch vụ từ rừng ven biển xã Vinh Quang, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng (giá gói thầu 51,657 tỷ đồng), nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tây Trường Giang - Công ty CP Nam Kinh - Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng (giá dự thầu 51,509 tỷ đồng).
Tại Gói thầu FMCR-HP-XL07 cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất, dịch vụ từ rừng ven biển phường Bàng La, quận Đồ Sơn (giá gói thầu 20,33 tỷ đồng), nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển thương mại Nam Việt - Công ty TNHH Phát triển Xuân Thành (giá dự thầu 20,32 tỷ đồng).
Nhà thầu duy nhất nộp HSDT Gói thầu FMCR-HP-XL06 cải tạo, nâng cấp 2 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất, dịch vụ từ rừng ven biển phường Tân Thành, quận Dương Kinh (giá gói thầu 11,244 tỷ đồng) là Công ty CP Xây dựng Tân Lộc (giá dự thầu 11,215 tỷ đồng).
Trong khi đó, Quyết định 286, ngày 21-1-2019 của Bộ NNPTNT hướng dẫn, quy định mỗi gói nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất, chế biến, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ từ khu rừng ven biển với giá trị đầu tư không quá 600.000 USD/gói.
Trước đó, tại Quyết định 1658, ngày 4-5-2017, Bộ NNPTNT phê duyệt giá trị đầu tư mỗi gói chỉ có 394.000 USD. Sau đó, được điều chỉnh tăng lên 600.000 USD như Quyết định 268 nêu trên.
Ở Nghệ An, chủ trương đầu tư ban đầu của Bộ NNPTNT theo Kế hoạch tổng thể và sổ tay dự án do Bộ này phê duyệt, hướng dẫn cũng có nơi đã thực hiện chưa thật đúng hướng dẫn. Ví như thiết kế dự án cho tỉnh Nghệ An ban đầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm các công trình nhỏ, phân kỳ nhiều nội dung hoạt động để mục đích là bảo vệ rừng trồng/phục hồi rừng của tiểu Hợp phần 2.1 như: Kè cọc tre, biển bảng, đường lâm nghiệp, tuy nhiên, BQLDA lâm nghiệp và tỉnh Nghệ An lại nhập thành 1 gói thầu lớn khoảng 13 tỷ đồng để làm 1 kè biển tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu như nêu trên, mà không có tác dụng gì cho dự án.
Tài liệu hướng dẫn Dự án do Bộ NNPTNT còn cho thấy, mục tiêu triển khai dự án là địa phương phải làm hoàn thành các công trình lâm sinh trước (tức là trồng/phục hồi rừng), sau đó mới triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng để bảo vệ rừng trồng. Nhưng thực tế một số địa phương hầu như không có rừng trồng của Dự án vẫn được thụ hưởng, được đầu tư, phân bổ nguồn vốn cho các hạng mục XDCB?! Đáng chú ý là nhiều gói thầu còn được triển khai sâu trong khu dân cư giống như các dự án/gói thầu xây dựng Nông thôn mới!
Về thời điểm thực hiện gần cuối Dự án, một số nơi như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… đang gấp rút triển khai hoàn thành các gói xây dựng đường dân sinh, đường nội đồng, nâng cấp hệ thống đê, kè…
Ví như ở Đa Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa), tuyến đường bê tông làm mới được làm xuyên giữa cánh đồng, cách xa đê và Khu RPH ven biển Đa Lộc tới cả kilômét.
Hay tại xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An), gói thầu xây lắp PMCR-NA-XL03: Phần xây lắp + Bảo hiểm công trình nâng cấp, sửa chữa tuyến đê bao Rào Đừng cũng đang được triển khai nằm sâu trong nội đồng, giáp với những ruộng lúa và cách xa tuyến đường - đê bao sông Lam hiện có tới cả kilômét…
Thậm chí, tại xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa); phường Bàng La, quận Đồ Sơn… có đoạn đường còn làm xuyên qua làng, khu dân cư đông đúc và cách xa khu vực trồng rừng, phục hồi rừng ven biển…
Để tăng cường tỷ lệ sống của rừng ven biển trên 8 tỉnh triển khai Dự án, mục tiêu của Dự án sẽ tạo kè mềm để trồng rừng: 24.000m; công trình đê chắn sóng (kè cứng bê tông): 5.000m; bảng nội quy bảo vệ rừng: 196 bảng; trạm bảo vệ rừng: 18 trạm; đường lâm nghiệp: 132km; cải tạo và nâng cấp đê: 129km.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Doanh Chính