NGUỒN CẢM HỨNG TỪ CÔNG VIỆC
Tác giả và thiếu tướng Trần Minh Hùng- hội viên gương mẫu của Hội CCBTP Đà Nẵng
Nghỉ hưu rồi mà có thêm chút công việc để làm, cũng vui. Thấm thoát đã 15 năm gắn bó với báo Cựu chiến binh Việt Nam, có điều kiện đi lại, gặp gỡ nhiều người. Công việc cứ cuốn mình đi với biết bao cảm hứng từ cuộc sống lẫn công việc. Chỉ riêng trên mảnh đất quê hương Quảng Nam và Đà Nẵng của mình cũng khối chuyện để viết. Đất và người quê tôi vô cùng gian khổ, hy sinh suốt 2 cuộc kháng chiến và ngày nay lại hăm hở trên hành trình xây dựng, biết bao cảm hứng sau những chuyến đi từ những con người và công việc cụ thể, gợi lên cho mình những suy nghĩ tích cực hơn, tiếp thêm những năng lượng mới, những niềm tin mới trong cuộc sống cũng như công việc làm báo . Những tấm gương sáng CCB về với đời thường luôn là niềm cảm hứng thường trực; mỗi việc làm, mỗi nghĩa cử của họ như những viên ngọc lấp lánh, lặng lẽ mà tôi nghĩ hình như chỉ có ở những người lính Cụ Hồ mới có được.
Tôi nhớ mãi chuyến đi về xã miền núi Quế Phước của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cách đây hơn 4 năm. Buổi trưa trời nắng, nóng, tôi ghé vào quán nước ven đường cùng với cán bộ hội CCB của xã và được anh giới thiệu cụ già đang nằm trên chiếc võng kia là CCB già Nguyễn Thúy, năm nay ông đã trên tuổi 80, người ở làng Bình Yên, một chiến sĩ kiên cường thời chống Mỹ, cứu nước. Chuyện kể về tinh thần dũng cảm, liều lĩnh, không sợ hy sinh của ông thì nhiều, hết bị thương đến hơn 10 năm tù đày Côn Đảo, biết bao gian khổ, đau đớn mà ông trãi qua. Ngày giải phóng miền Nam, ông trở về với những vết thương thành tật, chân đi khập khiểng, thân hình tiều tụy, những cơn đau xé lòng khi trái gió, trở trời, ông lặng yên chịu đựng. Khi cơ quan chức năng có giấy mời ông làm hồ sơ để hưởng chế độ thương binh. Ông khai các vết thương do chiến tranh gây ra theo đúng hồ sơ, thủ tục quy định. Hội đồng giám định y khoa của tỉnh giám định thương tật thấy ông còn vết thương cụt ngón chân cái mà ông không khai. Ông bảo: “ Một lần đi làm đồng, tôi cuốc nhầm vào bàn chân, ngón chân cái đứt gần hết, tôi lấy rựa cắt luôn. Do vậy ngón chân nầy là do tôi gây ra, tôi chịu, không thể khai khống lên được, chế độ, chính sách của Đảng, nhà nước không được ai lợi dụng”. Nhiều người thương ông, gợi ý cứ khai vết thương nầy tỷ lệ thương tật được nâng lên, chế độ thương binh cũng được nâng theo, nhưng ông một mực không chịu trong sự ngỡ ngàng của Hội đồng giám định y khoa và cán bộ cơ quan chức năng.
Hình ảnh người CCB già với lòng trung thực, quả quyết ở mức độ cực đoan đáng khâm phục để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. ở chặng đời nầy, giữa biết bao gian dối, sao có con người thật thà đến vậy, tôi thầm biết ơn và kính phục sự cống hiến lớn lao và lòng trung thực của người CCB luôn mang trong mình phẩm chất cao đẹp của “ Bộ đội Cụ Hồ”.
Tôi có người bạn thân làm đến chức Bí thư của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, người được mệnh danh là người giữ hồn cho phố cổ, người có công lớn trong giữ gìn di sản văn hóa thế giới- đó là Nguyễn Sự, một lãnh đạo tài năng thật sự, một CCB trong sáng, gương mẫu. Đang thời sung sức và còn đến hơn 2 năm nữa mới đến tuổi nghĩ hưu, Nguyễn Sự viết đơn xin nghĩ trước. Nghĩ cũng lạ, bao người kém cỏi, đến tuổi vẫn xin làm thêm, còn Nguyễn Sự lại làm khác. Sự giải bày :” Với tôi, làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm rồi từ vị trí chủ tịch rồi bí thư, thời gian quá lâu, nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá. Cứ “ đường xưa, lối cũ” mãi làm cho thành phố không bứt phá, chưa kể đến là cản trở bước đi lên của anh em kế cận. Mình trở thành chổ dựa , anh em dựa mãi thành thói quen ỷ lại. Mặt khác, tôi không muốn có tư duy lá chuối. Cây gì đến mùa cũng thay lá non, chỉ có tàu lá chuối đã chết, đã khô còn bám trên cây, chỉ khi người ta cắt đi nó mới chịu rời thân cây chuối. Tôi suy nghĩ khá lâu, rất nghiêm túc để đi đến quyết định nầy, rất thanh thản, nhẹ nhàng!”. Giưã biết bao cán bộ nhiều cấp kém cỏi, nhố nhăng, tham quyền, cố vị, bạn tôi quả thực là người cán bộ trong sáng, mẫu mực, trung thực với chính mình, trách nhiệm thật sự với sự phát triển của quê hương, đất nước. Suy nghĩ và thái độ dứt khoát của Sự đã truyền cho tôi niềm cảm hứng, niềm tin vào cuộc sống mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.
Còn biết bao tấm gương mẫu mực của người lính Cụ Hồ mà tôi đã găp, đã viết về họ, như CCB Lâm Quang Minh bán ngôi nhà số 47 đường Thanh Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng được 2 tỷ đồng, ông dành 1 tỷ đồng hổ trợ cho CCB nghèo, hổ trợ cho quỹ khuyến học và các mặt thiện nguyện khác. Hay người CCB, thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh QK5 thật sự gương mẫu trong đời thường. Về với đời thường, ông tham gia tất cả các hoạt động của Hội CCB mà người dân cả khu phố không biết là ông người tướng của một thời trận mạc. Hay, chị Trương Thị Kim Anh ở phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, tp Đà Nẵng hàng chục năm qua giúp đỡ tận tình cho 3 chị vượt khó, xóa nghèo bền vững, giáo duc, cảm hóa 3 thiếu niên hư, nghiện ma túy trở nên người tiến bộ, có việc làm ổn định, hết lòng chăm lo gia đình.
Những CCB với những việc làm đầy ý nghĩa, dù là người chiến sĩ du kích năm xưa đến vị tướng của một thời chinh chiến hay bí thư của thành phố nổi tiếng để lại trong tôi niềm cảm hứng dào dạt, một niềm tin vào những tốt đẹp của cuộc đời.
Nguyễn Phát