Tăng học phí đại học: Phụ huynh, sinh viên lo lắng
Mức học phí các trường đại học sẽ được điều chỉnh tăng từ năm học 2023-2024.
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học thông báo sẽ tăng học phí trong năm học mới 2023-2024. Việc các trường đại học đồng loạt tăng học phí khiến nhiều tân sinh viên và phụ huynh lo lắng, phân vân xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Học phí tăng mạnh
Sau 2 năm không tăng học phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường đại học, học viện dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023-2024. Cơ sở pháp lý để các trường thực hiện là Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí. Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, năm 2022-2023, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên dao động từ 12 đến24,5 triệu đồng/năm học.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học trước ở tất cả cấp học từ mầm non đến đại học. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 quy định tại Nghị định 81. Ở năm học 2023-2024, nhiều cơ sở giáo dục điều chỉnh mức tăng học phí. Theo đó, đối với chương trình đại trà, chương trình chuẩn, học phí sẽ được điều chỉnh theo từng năm theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, tức là tăng theo từng năm, theo lộ trình. Do đó, càng những năm sau thì học phí đại học sẽ càng tăng.
Học viện Tài chính dự kiến áp dụng mức học phí mới cho tân sinh viên năm 2023-2024 từ 22-24 triệu đồng với các ngành đào tạo theo chương trình chuẩn (tăng 10-20% so với năm học trước). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48-50 triệu đồng. Năm 2022 và 2023, Trường đại học Điện lực không tăng học phí theo quy định của Chính phủ nhằm hỗ trợ sinh viên, phụ huynh hoàn cảnh khó khăn. Trường ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến học phí hệ đại trà 500.000 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023-2024 (tăng 60.000 đồng/tín chỉ so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu đồng. Trường đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022-2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Nhiều cơ sở giáo dục tại T.P Hồ Chí Minh cũng đã công bố mức tăng học phí. Cụ thể, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh) dự kiến thu mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Mức thu này tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước. Được biết, mức học phí dự kiến cao nhất của trường lên đến hơn 800 triệu đồng/năm đối với chương trình chuyển tiếp quốc tế. Trường Đại học Ngân hàng T.P HCM dự kiến mức học phí năm học 2023-2024 là 7.050.000 đồng/học kỳ (tăng 800.000 đồng so với năm trước). Với chương trình đại học chính quy chất lượng cao dự kiến mức học phí rơi vào khoảng hơn 18 triệu đồng/học kỳ.
Thấp thỏm lo học phí tăng
Trong bối cảnh các trường phải tự chủ và giá cả thị trường tăng, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc tăng học phí đại học là tất yếu. Song, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng 4 năm học đại học cho con. Đặc biệt, với những sinh viên ngoại tỉnh lên học tại các thành phố lớn, ngoài học phí, còn phải chi trả các khoản sinh hoạt phí hàng tháng.
Bày tỏ nỗi lo lắng, băn khoăn trước thông tin nhiều trường đại học đang chuẩn bị tăng học phí, em Nguyễn Thị Thanh, trú tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Em ấp ủ giấc mơ trở thành sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, em đang cân nhắc lựa chọn một trường khác top dưới có mức học phí thấp hơn. Hoàn cảnh kinh tế gia đình em chẳng mấy dư dả nên nếu học phí cao, chi phí sinh hoạt ở thành phố lại đắt đỏ, em sợ mình không thể theo được”.
Học phí tăng không chỉ là nỗi lo của học sinh mà còn là gánh nặng chung của nhiều phụ huynh khác. Có hai con học lớp 9 và lớp 12, đều chuẩn bị bước vào kì thi chuyển cấp quan trọng, chị Đỗ Thị Dung, trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình như “ngồi trên đống lửa”. Đặc biệt, những ngày qua chị Dung và chồng hay tin nhiều trường đại học tăng mức học phí. Anh chị đều lo lắng. “Cả 2 con đều cuối cấp, các khoản phải chi tiêu nhiều hơn. Bây giờ điện nước, dịch vụ, lương thực thực phẩm, chi phí sinh hoạt ở thành phố rất đắt đỏ. Vậy nên việc các trường tăng học phí gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt là với những gia đình có thu nhập thấp như chúng tôi”, chị Dung chia sẻ.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GDĐT cho biết: Theo Nghị định 81, từ năm học 2022-2023, học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hằng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022 - giữ nguyên mức học phí các cơ sở giáo dục công lập qua 3 năm học từ năm 2020 đến 2023.
Ông Ngô Văn Thịnh nhận xét: Việc giữ ổn định học phí đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục khi cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm. Với các trường đại học công lập, nguồn thu học phí chiếm trên 80% tổng nguồn thu của trường. Vì thế, nhu cầu được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ là cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng giáo dục.
Võ Hóa