Cú hích BRICS
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đón Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva tại quảng trường bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 14-4.
Các định chế ngân hàng, tài chính trên toàn cầu xưa nay vốn bị chi phối bởi phương Tây như Ngân hàng Thế giới (WB) có Chủ tịch là người Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với một người châu Âu đứng đầu, hay Ngân hàng Phát triển châu Á có Giám đốc là người Nhật Bản.
Nói cách khác, phương Tây đang chi phối hệ thống ngân hàng và tài chính toàn cầu. Thế nhưng, do cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, chiến sự tại Ukraine và một số yếu tố khác, việc các nền kinh tế đang loại bỏ dần đồng USD hay Euro dùng đồng tiền của mình để trao đổi trong thương mại song phương ngày càng phổ biến. Ngân hàng phát triển mới (NDB) - Ngân hàng của BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy điều này khi có tân chủ tịch là người Brazil kể từ ngày 13-4.
Có trụ sở chính đặt tại Thượng Hải, NDB là ngân hàng phát triển đa phương nhằm huy động các nguồn lực cho những dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại các quốc gia thuộc BRICS, cũng như những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Theo số liệu của WB, BRICS tập hợp các nền kinh tế mới nổi chủ chốt trên thế giới, chiếm 41% dân số thế giới, 24% tổng GDP toàn cầu và hơn 16% thương mại thế giới.
Việc một người Brazil nhậm chức Chủ tịch NDB diễn ra trong khi Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva đang có chuyến thăm tới Trung Quốc. Dự kiến vào cuối tháng 3, nhưng chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày của ông Lula đã phải lùi lại đến ngày 12-4 do vấn đề sức khỏe. Theo báo Le Monde, việc nhanh chóng sắp xếp lại một lịch trình mới đã nói lên tầm quan trọng mà Bắc Kinh và Brasilia dành cho chuyến thăm này. Tân Chủ tịch của NDB không phải ai xa lạ mà là cựu Tổng thống Brazil - Dilma Rousseff (2011-2016), một đồng minh lâu năm của ông Lula. Phát biểu khi ông Rousseff nhậm chức, ông Lula kêu gọi cải cách các định chế đa phương như WB và IMF khi đặt câu hỏi tại sao các nền kinh tế thế giới lại dựa vào USD: "Đêm nào tôi cũng tự hỏi tại sao tất cả các nước buộc phải giao dịch bằng USD. Tại sao chúng ta không thể sử dụng đồng tiền của chính mình? Tại sao không thay đổi? Ai đã quyết định tiền tệ là USD, sau khi vàng chuẩn biến mất?"
Trên thực tế, do lo ngại về sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng “vũ khí hóa” đồng USD của Washington, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm những giải pháp thay thế. Từ năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và chịu sự trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, Moscow đã bắt đầu quá trình từ bỏ đồng USD. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) tăng cường tích lũy vàng, trả bớt các khoản nợ và xây dựng “pháo đài kinh tế Nga”. Tới năm 2022, khi Mỹ và phương Tây áp đặt hàng chục nghìn lệnh trừng phạt, đóng băng tài sản của CBR, cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, Moscow và Bắc Kinh đã cùng hợp lực để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và thiết lập cơ chế hợp tác giữa hai nền tài chính. Kể từ tháng 2-2022 đến nay, hoạt động thương mại sử dụng cặp tiền tệ Ruble - Nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần. Ngoài ra, các ngân hàng Trung ương (đặc biệt là của Nga và Trung Quốc), đã mua vàng với tốc độ cao nhất từ năm 1967. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Nga đang có dự trữ vàng hơn 2.300 tấn (134 tỷ USD), đứng thứ 5 trên toàn thế giới.
Từ nỗ lực tránh bị lệ thuộc vào đồng USD của Nga và Trung Quốc nhìn vào bức tranh chung của BRICS có thể thấy ngoài việc nhóm nước này có ngân hàng riêng là NDB, các cam kết chính trị và hành động của các nước trong nhóm đã có chuyển biến thực sự. Một khi các giao dịch giữa các quốc gia không còn phụ thuộc vào USD, không phải là con tin của USD, các nền kinh tế sẽ phát triển độc lập hơn, không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận chính trị của phương Tây. Sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn của các thành viên BRICS về chính trị, quốc phòng và tài chính, ngân hàng với cú hích mới từ NDB mang lại hy vọng đó.
Thanh Huyền