Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc: Người chỉ huy trận thắng Mỹ đầu tiên của Sư đoàn 320

Di ảnh Anh hùng, liệt sĩ Trần Ngọc Chung.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương về tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam Tết Mậu Thân, cuối năm 1967, từ Ninh Bình, Sư đoàn 320 lên đường vào chiến trường B5 chiến đấu. Sau hơn 1 tháng hành quân, Sư đoàn vào vị trí tập kết an toàn và được Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 giao nhiệm vụ: Cắt đứt sự vận chuyển của địch trên đường 9 để Mặt trận tiêu diệt địch ở Khe Sanh, góp phần thu hút kéo quân Mỹ ra chống đỡ để giam chân rồi tiêu diệt, tạo thuận lợi cho toàn Miền tiến hành cuộc Tổng tiến công.

Bộ Tư lệnh Sư đoàn sử dụng Trung đoàn 64 đánh cắt giao thông đường 9 ở khu vực Động Mã và đánh địch giải tỏa ở đông nam Cù Đinh (cao điểm 182); giao cho Trung đoàn 48 đánh địch trên đường 76 và chuẩn bị tiến công chi khu Cam Lộ. Sau gần 1 tuần hành quân chiếm lĩnh, xây dựng trận địa, Tiểu đoàn 7 cùng các phân đội pháo cối mang vác của Tiểu đoàn 14, súng máy cao xạ 12,7mm của Tiểu đoàn 16 và hỏa lực của Trung đoàn tăng cường đã hoàn thành trận địa chốt trên dãy núi Động Mã.

Sáng 24-1-1968, một chiếc máy bay trinh sát L19 bay dọc đường 19, đoạn có trận địa chốt của Tiểu đoàn 7, rồi cho 1 trung đội Mỹ đi dò mìn dọc hai bên đường. Đến trưa, chúng dùng pháo ở Bái Sơn, Đầu Mầu bắn dọc hai bên đường 9 từ núi Kiếm đến cầu Thiện Xuân làm một số chiến sĩ của ta thương vong. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 7 vẫn bình tĩnh, giữ bí mật trận địa. Lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày, một đoàn xe địch gồm 8 chiếc ô tô vận tải và 1 xe Jeep đi đầu chở đầy lính Mỹ tiến vào đoạn đường vòng do Đại đội 1 phục kích. Khi địch vào tầm súng hiệu quả, Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung liền ra lệnh tiến công. Lập tức, xạ thủ B40 Nguyễn Văn Thắng nhằm chiếc đi đầu bóp cò, chiếc xe khựng lại bốc cháy. Chớp thời cơ, hỏa lực của ta đồng loạt diệt nốt những chiếc còn lại. Bị đánh bất ngờ, nhiều tên Mỹ chưa kịp phản ứng đã ngã gục, số còn lại nhảy ào xuống đường, lợi dụng thành xe, vệ đường vừa chống cự vừa lui dần về phía căn cứ 241. Một nhóm khoảng 20 tên cụm lại phía đường đối diện chống trả. Trung đội trưởng Cử liền dẫn bộ đội vận động lên. Các chiến sĩ ta lợi dụng địa hình che đỡ đánh địch. Chỉ sau chưa đầy 20 phút, Đại đội 1 loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên Mỹ, phá hủy 8 xe ô tô rồi rút nhanh khỏi trận địa.

Gần tối, 1 đại đội Mỹ có 2 xe tăng đi đầu từ căn cứ 241 theo đường 9 tiến về phía trận địa ta, vừa đi vừa bắn loạn xạ. Khi địch đi qua trận địa cũ của Đại đội 1, vào hết trận địa phục kích của ta ở cầu Thiện Xuân, lập tức bộ đội ta nổ súng diệt liền 2 xe tăng địch. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn trưởng Chung ra lệnh cho Đại đội 1 đánh chặn khóa đuôi, Đại đội 3 vận động đánh vào bên sườn. Trước sức mạnh tiến công dũng mãnh của bộ đội ta, quân Mỹ khiếp sợ kêu la, chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy, để lại 70 xác chết.

Ngày đầu ra quân, các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 đã lập công xuất sắc, đánh liền 2 trận phục kích giòn giã, loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên Mỹ, phá hủy 8 xe ô tô và 2 xe tăng, cắt đứt hoàn toàn đường 9; làm cho bộ đội tin tưởng vào khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ, tạo điều kiện cho Sư đoàn 304 và Sư đoàn 325 trên hướng chủ yếu của chiến dịch xiết chặt thêm vòng vây quân Mỹ ở Khe Sanh.

Bị đánh đau ở Động Mã, 2 ngày sau, Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ đưa Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 4) từ Dốc Miếu về chiếm giữ điểm cao 105 ở phía bắc đường 9 chuẩn bị tiến công nhổ chốt Động Mã của ta. Nắm chắc diễn biến về địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 ra lệnh cho Trung đoàn 64 tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở điểm cao 105. Sau khi cân nhắc, chỉ huy Trung đoàn 64 quyết định dùng Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 tập kích địch trước rạng sáng 27-1.

Nhận lệnh, 2 tiểu đoàn liền xuất kích. Sau nhiều giờ luồn rừng lội suối dưới trời mưa trong đêm tối, lúc 4 giờ sáng, Tiểu đoàn 7 vào vị trí tạm dừng và tổ chức nắm địch. Tiểu đoàn trưởng Chung cùng một tổ trinh sát bò vào thì thấy quân Mỹ căng bạt nằm ngủ ngổn ngang dưới khe, canh gác sơ sài. Mặc dù Tiểu đoàn 8 chưa vào, nhưng đây là thời cơ tiêu diệt địch, Tiểu đoàn trưởng Chung liền hội ý chớp nhoáng với Chính trị viên Nguyễn Văn Đức rồi triển khai đội hình tiến công. Đúng 5 giờ sáng 27-1-1968, từ ba hướng, các loại hỏa lực B40, B41, thủ pháo, lựu đạn của ta đồng loạt đánh vào mục tiêu. Bị đánh bất ngờ trong lúc còn đang ngủ, quân Mỹ không kịp trở tay, nhiều tên bị diệt ngay từ những phút đầu. Một số tên vội vàng vơ súng chống cự, liền bị chiến sĩ ta xông lên dùng AK, báng súng, lưỡi lê tiêu diệt. Sau gần 20 phút nổ súng, Tiểu đoàn 7 loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên Mỹ, phá tan âm mưu chốt điểm lập bàn đạp giải tỏa đường 9 ở khu vực Động Mã của quân Mỹ.

Sau trận thắng Mỹ ở đường 9, Trần Ngọc Chung còn chỉ huy hàng trăm trận đánh trên nhiều cương vị khác nhau. Sáng 12-2-1979, trong một trận chỉ huy Sư đoàn 320 tiến công quân Pôn-pốt, giúp bạn giải phóng Ăng Ta Som (Campuchia),  Thượng tá, Phó sư đoàn trưởng Trần Ngọc Chung bị địch phục kích và hy sinh ở địa phận Ta Keo.

50 tuổi đời, 29 tuổi quân, Trần Ngọc Chung - người con của quê hương Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý; đặc biệt, ngày 26-4-2018, Thượng tá Trần Ngọc Chung được Nhà nước truy truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Nguyễn Hùng Tấn