Làng Hữu nghị Việt Nam: Chia yêu thương, nhân hạnh phúc
Năm 2002, ông George Mizo qua đời, UBQT nhất trí bầu bà Rosemarie Hohn Mizo - vợ ông (đứng đầu, bên phải) làm Chủ tịch UBQT về Làng Hữu nghị Việt Nam.
Bài 3: Ngôi làng của tình hữu nghị
Là đơn vị sự nghiệp xã hội thuộc T.Ư Hội CCB Việt Nam, Làng Hữu nghị Việt Nam hoạt động với mục đích nhân đạo, hữu nghị. Những năm qua, thực hiện điều dưỡng, phục hồi chức năng cho CCB, Cựu TNXP và chăm sóc, giáo dục các cháu bị di chứng độc da cam/dioxin, Làng cũng trở thành cầu nối, gắn kết những tấm lòng vì hòa bình.
Biểu tượng của hòa bình, hữu nghị
Năm 1988, lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau 13 năm kết thúc chiến tranh, ông George Mizo, một CCB Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam có nguyện vọng xây dựng biểu tượng hàn gắn, hợp tác và hoà giải, góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân trong chiến tranh. Sau đó, ông cùng với ông Georges Doussin - Chủ tịch Hội Cộng hòa CCB Pháp (ARAC) đến gặp ông Phạm Bình - Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Paris (Pháp) đề cập về ý tưởng lập một dự án giúp đỡ nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Đại sứ Phạm Bình đã trân trọng giới thiệu ông George Mizo sang thăm Việt Nam... Trong những lần trao đổi đầu tiên với Ủy ban Hoà bình Việt Nam, sáng kiến này được nhiệt liệt hoan nghênh.
Năm 1993, được phép của Chính phủ Việt Nam, Hội CCB Việt Nam khởi công xây dựng Làng Hữu nghị Việt Nam trên cánh đồng thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là T.P Hà Nội) với sự hợp tác của một số CCB và các cá nhân, tổ chức vì hòa bình các nước trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Anh. Tại buổi Lễ đặt biểu tượng “Nơi đây xây dựng Làng Hữu nghị Việt Nam” diễn ra ngày 29-7, ông George Mizo vô cùng xúc động phát biểu: “Làng Hữu nghị Việt Nam rất quan trọng với chúng tôi, ngôi Làng sẽ là biểu tượng phong cách con người của nhiều quốc gia, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau cùng phấn đấu cho một Dự án vì hòa bình và hữu nghị. Chúng ta cầu chúc cho Dự án này không phải là Dự án cuối cùng mà là sự bắt đầu của một mô hình hợp tác quốc tế tương lai, tiêu biểu cho tinh thần hòa giải, hàn gắn vết thương và hy vọng”. Còn ông Georges Doussin thì nói: “Làng Hữu nghị Việt Nam sẽ làm cho Việt Nam một lần nữa vượt ra khỏi phạm vi đất nước mình, trở thành ngọn cờ sinh động tập hợp lực lượng vì hòa bình quốc tế. Xây dựng thành công Làng Hữu nghị Việt Nam là thắng lợi của đấu tranh cho hòa bình”.
Cũng năm này, một số CCB và những người thành tâm ở các nước Đức, Anh, Pháp, Nhật, Mỹ và Việt Nam bàn bạc, quyết định thành lập Ủy ban quốc tế (UBQT) về Làng Hữu nghị Việt Nam, mỗi nước có một Ủy ban quốc gia (UBQG) và Ông George Mizo là Chủ tịch Uỷ ban quốc tế đầu tiên của Làng. Năm 2004, thêm nước Canađa ủng hộ Làng, từ đó UBQG Canađa được thành lập và trở thành thành viên thứ 7 của UBQT về Làng.
UBQT về Làng Hữu nghị Việt Nam có nhiệm vụ soạn thảo nội dung xây dựng Làng theo bản thoả thuận của dự án và vận động sự ủng hộ tài chính xây dựng cũng như bảo đảm, duy trì, phát triển các hoạt động của Làng. UBQG Việt Nam thuộc Hội CCB Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo và quản lý mọi hoạt động của Làng Hữu nghị Việt Nam.
Ngày 18-3-1998, 6 CCB nhiễm chất độc da cam/dioxin và 9 trẻ em khuyết tật do di chứng chất độc hóa học trong chiến tranh đầu tiên được đưa đến Làng. Từ đó đến nay, ngày 18-3 hằng năm là ngày truyền thống của Làng.
Làng Hữu nghị Việt Nam trở thành biểu tượng của sự đoàn kết quốc tế vì hòa bình, hữu nghị và hòa giải.
Lan tỏa lòng nhân ái
Ngày 4-6-1998, tại Lễ mở biển khai trương giai đoạn 1 của Làng, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Hội CCB Việt Nam - Trần Văn Quang, ông George Mizo khẳng định: “Dự án Làng Hữu nghị Việt Nam là một dự án của nhân dân, không phải của người giàu, không phải của người siêu phàm mà là của người dân bình thường bằng cách làm nhỏ bé của mình muốn đóng góp một chút vào việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người… Các trẻ em học sinh ở Đức, Nhật, Pháp đã tổ chức bán sách, hòa nhạc, bán kẹo... thu tiền để giúp Làng. Hay bà cụ Nhật Bản đã đóng góp khoảng 4.000USD tiết kiệm được cho Làng, vì bà muốn để lại một cái gì trên thế giới này khi bà mất. Dự án này được xây dựng bởi các bà nội trợ đã bán hoa lấy tiền cho Làng...”.
Trước những khó khăn to lớn về tài chính của Làng, những khó khăn vận động tiền ủng hộ của các UBQG, vợ chồng ông bà George Mizo - đã rút gần hết số tiền tiết kiệm của gia đình gấp rút gửi cho Làng thông qua UBQG Đức để kịp thời giúp Làng Hữu Nghị Việt Nam vượt qua khó khăn.
Đáp lại những tình cảm và sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cán bộ, nhân viên Làng Hữu nghị Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ trong nước và quốc tế để chăm sóc, nuôi dưỡng điều dưỡng nạn nhân da cam tốt nhất. Đồng chí Nguyễn Thăng Long – Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam chia sẻ: “Làng luôn giữ mối quan hệ thường xuyên với một số nhân viên đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. Với các đoàn khách nước ngoài đến làm việc hay các đoàn du lịch đến thăm, các tình nguyện viên, sinh viên… Làng đều đón tiếp cởi mở, thân thiện, chân tình và chu đáo. Chuẩn bị tốt nội dung và cử những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực đối ngoại giỏi để giới thiệu, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế đối với Làng và tuyên truyền đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; khắc phục hậu quả chiến tranh; lên án tội ác sử dụng chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh; góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân của Đảng”.
Từ 2018 đến nay, Làng đón hàng nghìn khách trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 1.000 khách của 215 đoàn từ 17 quốc gia, với đủ thành phần từ học sinh, sinh viên, công chức, phóng viên, nhà khoa học, doanh nhân, CCB đến những người là quan chức Chính phủ, các tổ chức quốc tế đến thăm, tìm hiểu về chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng đến con người, giao lưu chia sẻ nỗi đau da cam tại Làng...
Đặc biệt, từ 2019 đến nay, Làng đã phối hợp với UBQT về Làng thực hiện chương trình hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho 16 cháu về hòa nhập cộng đồng. Qua kiểm tra nắm tình hình, đến nay các cháu được hỗ trợ đều bảo toàn vốn và thực hiện dự án có hiệu quả. Có mặt tại buổi trao vốn cho em Lê Đình Sinh, xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức trung tuần tháng 2, đồng chí Đặng Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội CCB huyện Hoằng Hoá rất xúc động nói: “Số tiền tuy không nhiều nhưng tinh thần rất cao cả, là niềm động viên, an ủi to lớn với những nạn nhân chất độc da cam, giúp họ và người thân có động lực vươn lên. Chúng tôi rất mong chương trình ý nghĩa, nhân văn như thế này của Làng và UBQT tiếp tục được nhân lên và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để nhiều đối tượng là nạn nhân chất độc da cam được thụ hưởng”. Thượng tướng Phạm Hồng Hương - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam đánh giá: “Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả trong chăm sóc CCB và các cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, Làng Hữu nghị Việt Nam đã tạo được sự tin tưởng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính việc sử dụng nguồn kinh phí minh bạch, hiệu quả Làng trở thành “địa chỉ” tin cậy, giúp UBQT gửi gắm lòng tin, tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ. 25 năm qua, Làng luôn là biểu tượng cao đẹp của hoà bình, hữu nghị, hòa giải. Đây chính là thành quả của sự hợp tác quốc tế giữa Hội CCB Việt Nam với CCB và những người yêu chuộng hoà bình thế giới”.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của T.Ư Hội CCB Việt Nam, sự chung tay của những “trái tim nhân ái toàn cầu”, Làng Hữu nghị Việt Nam đã lan tỏa, nhân lên tình yêu thương, chia hạnh phúc cho những nạn nhân da cam.
Lê Minh Anh