Làng Hữu nghị Việt Nam: Chia yêu thương, nhân hạnh phúc
Cô giáo Phạm Thị Mai Liên hướng dẫn các em tại lớp học vi tính.
Đến Làng Hữu nghị Việt Nam, chứng kiến các cháu bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, mới cảm nhận phần nào mà hậu quả chiến tranh để lại. Những nỗ lực vươn lên ở các cháu, sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, giáo viên, nhân viên ở Làng như dòng nước mát làm dịu đi nỗi đau thế kỷ.
Bài 2: Chắp cánh ước mơ
25 năm qua, các cô, các mẹ luôn âm thầm, tận tụy chăm sóc, gieo chữ, dạy nghề cho các em là con, cháu CCB bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Mặc dù khiếm khuyết nhưng trong sâu thẳm các em luôn khát khao vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Nặng lòng với học trò đặc biệt
Đến lớp Giáo dục đặc biệt 2 của cô Bùi Thị Thu Hà khi cô đang hướng dẫn các con tưới cây tại hành lang. Em thì cao lớn, em lại nhỏ thó; những khuôn mặt ngờ nghệch, ánh mắt ngơ ngác; một số em chạy tới bá vai, bá cổ khách lạ, cười hềnh hệch rồi ngọng nghịu: “Em chào chị…”.
Cô Bùi Thị Thu Hà bảo: “Các em biết chào chị như thế là tôi hạnh phúc lắm rồi!”.
Gần 20 năm công tác tại Làng, cô Hà không bao giờ quên trường hợp em Sáng ở tỉnh Thanh Hóa. Ngày mới đến Làng, Sáng chào hỏi mọi người bằng những viên gạch, hòn đá to như nắm tay người lớn. Gặp người là em ném, vì thế ai cũng sợ. Từ lòng yêu thương, đồng cảm,cô trò chuyện, tìm hiểu rồi làm các cục bông, bọc vải bên ngoài cho em ném, dần chuyển sang trò chơi chuyền đi chuyền lại với bạn. Vừa chơi, cô vừa kiên nhẫn giải thích cho em hiểu việc ném gạch, đá sẽ gây đau, chảy máu… rất nguy hiểm. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, cô Hà đã sửa được tính tình của Sáng. Giờ em không còn “hoang dã” nữa.
Vào “dự giờ” với lớp, tôi hiểu hơn những vất vả của các cô giáo nơi đây. Lớp nào cũng có nhiều cái “đa”: Đa dạng về lứa tuổi (cách nhau đến vài chục tuổi), đa dạng về bệnh tật, đa dạng về hoàn cảnh… nên giáo án cũng phải đa dạng. Xen lẫn những lời dỗ dành của cô là tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng rú và cả tiếng hát ồ ồ… tạo nên thứ âm thanh mà chỉ ở những lớp học đặc biệt này mới có.
Ở “Lớp giáo dục đặc biệt”, nên chương trình dạy học cũng thật “đặc biệt”. Mỗi trò một giáo án. Có em đang học cộng trừ, ghép vần; có em tập tô nét thẳng, nét xiên, học số, chữ cái; nhưng có em lại bắt đầu nhận biết màu và tô màu… Như em Đăng Khôi, 15 tuổi, ở lớp cô Huyền, cách đây 2 năm, em học Toán của chương trình lớp 2 (cộng trừ có nhớ) và Tiếng Việt chương trình lớp 1 (ghép vần, học câu ngắn) nhưng đến nay em vẫn lúc nhớ, lúc quên…
Chúng tôi chứng kiến: Một câu gọi bình thường “Con ơi, ra đây với cô”, cô giáo phải gọi chậm, ngắt ra từng lệnh “con ơi” - kèm vẫy tay, rồi tiếp lệnh “ra đây”, sau đó chỉ vào mình rồi nói tiếp “với cô”. Phải kết hợp cả lời nói và ngôn ngữ hình thể để diễn đạt thì con mới hiểu và làm theo được. Vì thế, kiên trì, nhẫn nại lắm thì các em mới có được câu chào là vậy. Cô Phạm Thị Phương Thảo - Tổ trưởng tổ Giáo dục - dạy nghề tâm sự: “Cô giáo thường kiêm nhiều vai: Là giáo viên, là bảo mẫu, là y tá, lại vừa là nhà tâm lý. Mỗi tiến bộ dù rất nhỏ của các em là động lực giúp chúng tôi cố gắng. Mỗi khi có cháu được chuyển lớp trên, nhất là được về với gia đình hòa nhập cộng đồng thì các cô vui lắm”.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Làng, đồng chí Phạm Hồng Hương - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam thấu hiểu, cảm thông sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, nhân viên nơi đây, đặc biệt là các cô và các mẹ: “Họ là những con người trong số những con người đặc biệt, luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức và vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xoa dịu nỗi đau da cam và tô thắm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”.
Hiện thực những giấc mơ
“Chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi, luôn nỗ lực vượt qua bệnh tật” là nhận xét của các cô giáo dành cho em Bùi Thị Hóa, sinh năm 1985, ở Quảng Bình. Em bị khuyết tật vận động, vẹo cột sống, đi lại rất khó khăn. May mắn làtrí tuệ em còn khá hơn so với nhiều bạn trong Làng nên em chuyên tâm học may. Em mong muốn sau này sẽ mua được một chiếc máy khâu để làm nghề sửa quần áo, đỡ làm khổ mẹ. Cô giáo dạy may Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ: “Ngoài tham gia học và làm trợ giảng cho lớp cắt may thời trang, em còn sáng tạo và tự làm các mẫu túi, khăn để bán cho khách đến tham quan nữa”.
Hiện nay, Làng có 5 lớp dạy nghề cho các em (thêu, dệt saori, cắt may, tin học và làm hoa lụa). Nhiều em từ các lớp dạy nghề đã trở về gia đình, làm kinh tế. Đặc biệt, từ 2020 đến nay, Làng phối hợp với Ủy ban Quốc tế về Làng Hữu nghị Việt Nam thực hiện Dự án hỗ trợ các cháu hòa nhập cộng đồng cho 11 em, với mô hình làm kinh tế hộ gia đình như: Chăn nuôi, trồng trọt; mở cửa hàng tạp hóa; làm đại lý xổ số... nhờ vậy, nhiều em đã tự lo được cuộc sống.
Là người được hỗ trợ 35 triệu đồng để chăn nuôi gà và bò sinh sản, em Nguyễn Thị Hậu ở xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An phấn khởi chia sẻ với tôi: “Sau thời gian được Làng nuôi dưỡng, học nghề, học kỹ năng sống, sức khỏe khá lên và em tiến bộ rất nhiều. Khi trở về nhà, Làng vẫn quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt là hỗ trợ vốn giúp em mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế để có thể tự lo được bản thân, giảm bớt gánh nặng cho mẹ già, anh em”. Nhờ sự giúp đỡ của Làng, mô hình chăn nuôi của em hiện có hàng trăm con gà và hai cặp bò sinh sản. Mỗi năm bán được 3 lứa gà thịt, hai con bê tạo thêm nguồn thu giúp gia đình ổn định cuộc sống.
Nói về lợi ích của Dự án hỗ trợ các cháu hòa nhập cộng đồng, đồng chí Phạm Văn Khái - Phó giám đốc Làng cho biết: “Dự án giúp các cháu có số vốn nhất định để phát triển kinh tế, thực hiện ước mơ làm chủ cuộc sống. Khi đó, sự vận động cả về trí tuệ lẫn hình thể giúp tăng khả năng phục hồi chức năng, khắc phục bệnh tật mà các cháu đang phải gánh chịu. Đặc biệt, đó còn là tấm gương cho những bạn có cùng cảnh ngộ ở Làng, ở địa phương làm theo”.
Dù đã bước ra khỏi cánh cổng cũ màu của Làng, nhưng những câu hát trong ca khúc “Nỗi đau da cam” của GS. TS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cứ hiện lên trong tôi: “Có một nỗi đau dài theo thời gian, lẫn trong nhân gian/ Nỗi đau da cam!/ Tổn thương dài lâu, ngấm vào rất sâu, càng ngấm càng đau/ Xót xa biết bao…
Với sự hợp tác của một số CCB và các cá nhân, tổ chức vì hòa bình một số nước, đặc biệt là ở Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Anh, Canađa, Làng Hữu nghị Việt Nam hiện là biểu tượng của đoàn kết quốc tế vì hòa bình và hữu nghị, nhằm giúp đỡ trẻ em, các CCB là nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Vấn đề này sẽ được chúng tôi phản ánh trong kỳ báo tới.
Bài 3: Ngôi làng của tình hữu nghị
Lê Minh Anh