Ý nghĩ trong đêm trực của người đỡ đẻ
Đêm thùng thình như chiếc áo blu
Choàng xuống giấc ngủ say thành phố
Ngoài cửa sổ dập dìu hương hoa sữa
Đất nước mình thêm trẻ trong đêm.
Em trực đêm nay - đêm thứ một nghìn
Mà không có đêm nào lặp lại
Bàn tay em bế bồng bao đổi mới
Dù người mẹ nào cũng qua cơn đau
Dù đứa trẻ nào sinh ra cũng giống nhau.
Đêm đạn bom ở dưới hầm sâu
Tiếng trẻ chào đời âm vang dõng dạc
Đêm chống lụt từ trên tầng gác
Tiếng trẻ chào đời cũng lội ra ngoài đê
Đêm như đêm nay, rồi anh sẽ nghe
Tiếng trẻ chào đời thơm hương hoa sữa
Có đứa ra đời cha chờ ngoài cửa
Có đứa ra đời cha đi làm ca
Có đứa ra đời cha ở mãi nơi xa.
Bàn tay em đây - năm năm nghề rồi đấy
Vẫn run run, lần nào cũng vậy
Và mỗi lần nhìn mặt trái bàn tay
Nhớ lời xưa của đôi đứa bạn bầy:
- Ôi, có ra gì cái nghề đỡ đẻ!
Em nghĩ những ai nói lời như thế
Cũng không phải từ dưới đất trồi lên.
Em tự ví thầm hai bàn tay em
Là nhịp cầu đầu tiên mười móng
Đưa những con người đi vào cuộc sống
Con người qua đây là ai mai sau?
Là ai? Làm gì? Em chưa biết đâu
Điều em biết: Đó là con người tốt
Người làm chủ và làm giàu đất nước
Ôi đất nước mình cứ trẻ mãi thôi!
Hà Nội 1972
Nguyễn Duy
Lời bình:
Thơ viết về Ngành Y rất khó hay, nhà thơ Nguyễn Duy đã tìm được một tứ thơ khá độc đáo và cảm động là viết về người hộ sinh - người đỡ đẻ! Chúng ta ai cũng sinh ra từ người mẹ và người đỡ đẻ là người đầu tiên đón ta vào đời mà nhà thơ Nguyễn Duy đã ví von hình tượng: “Là nhịp cầu đầu tiên mười móng/ Đưa những con người đi vào cuộc sống”. Lần đầu tiên đứa bé được chạm vào mồ hôi của người “Lương y như từ mẫu”. Cái hay của tứ thơ là nhà thơ hóa thân thành người nữ hộ sinh để nói lên ý nghĩ của mình trong đêm trực đỡ đẻ rất cụ thể của nghề nghiệp mà vẫn khái quát thăng hoa được ý nghĩa nhân văn cao cả của nghề y. Mạch cảm xúc tuyến tính, hồn hậu và thấm đẫm yêu thương làm người đọc xúc động và đồng cảm với bao sẽ chia nhân ái.
Mở đầu bài thơ là không gian: “Đêm thùng thình như chiếc áo blu - Choàng xuống giấc ngủ say thành phố”. Chiếc áo blu chuyên dụng màu trắng và đêm thức trắng của người đỡ đẻ “choàng” vào nhau một cử chỉ thân ái gần gụi yêu thương. Và thật bất ngờ, bất chợt khi: “Ngoài cửa sổ dập dìu hương hoa sữa” - hoa sữa tỏa hương trong đêm cùng những giọt sữa đầu tiên của người mẹ thơm tho tinh khiết và cho “Đất nước mình thêm trẻ trong đêm”. Đất nước trẻ bởi đón thêm một đứa trẻ vào đời, một công dân mới. Các liên tưởng cứ đan chéo nhau hài hòa và chọn lọc tinh tế theo tuần tự thao thiết lời kể của người đỡ đẻ: “Bàn tay em bế bồng bao đổi mới/ Dù người mẹ nào cũng qua cơn đau/ Dù đứa trẻ nào sinh ra cũng giống nhau”. Đây là một sự phát hiện khá hay mà chỉ có người trong cuộc mới nhận ra.
Bài thơ được nhà thơ, người lính thông tin Nguyễn Duy viết năm 1972 là năm chiến tranh ác liệt vì thế tiếng trẻ chào đời trong tiếng đạn bom dưới hầm sâu. Nhưng chính tiếng khóc chào đời ấy đã lan tỏa truyền thêm sức mạnh cho những người cha đang đi làm ca, đi đánh giặc nơi xa và cả những người chống lụt ngoài đê, giữ bình yên cho cuộc sống, giữ lấy phút giây hạnh phúc của em bé chào đời. Sự vận động cảm xúc của bài thơ có sức truyền cảm mạnh liệt nâng dần lên và lay thức như một lực hút hấp dẫn của tính cộng đồng xã hội, cái nôi yêu thương lớn lao .
Trong “Ý nghĩ trong đêm trực của người đỡ đẻ” vẫn có những phút giây trầm lắng, trăn trở nghĩ suy. Đó chính là tâm trạng, là chiều sâu thổn thức của con người. Điều này làm cho bài thơ có một sức sống, thái độ sống kỳ diệu định vị được đạo đức, y đức trong sáng, lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đó là tình huống khi có người cho rằng: “Ôi, có ra gì cái nghề đỡ đẻ!” thì người đỡ đẻ đã có một thông điệp rất giản dị mà sâu sắc nhiều chiêm nghiệm: “Em nghĩ những ai nói lời như thế - Cũng không phải từ dưới đất trồi lên”. Vâng, tất cả chúng ta sinh ra đều qua bàn tay người đỡ đẻ, một công việc thầm lặng, mà tỏa bao tình thương yêu nhân ái với tấm lòng thiện tâm. Khổ thơ cuối khép lại nhưng dư âm vẫn còn lan tỏa lan xa. Bởi những đứa trẻ mới được sinh ra chưa định hình tính cách nhưng chắc chắn đó là: “Người làm chủ và làm giàu đất nước” qua bàn tay nhịp cầu mười móng vững chãi, dịu dàng âu yếm và ấm nồng tình người để: “Đất nước mình cứ trẻ mãi thôi”.
Hà Tĩnh, ngày 15-2-2023