Thêm tăng nghi ngại!

Lính Mỹ và Philippines huấn luyện chung hồi tháng 10-2022.

Việc một khí cầu của Trung Quốc bay vào không phận lục địa của Mỹ và bị Không quân Mỹ bắn hạ được cho là lý do khiến Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào ngày 5-2. Thế nhưng, việc Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự ở Đông Á, đặc biệt là việc tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, mới là nguyên nhân chính khiến Washington và Bắc Kinh khó có thể tìm được tiếng nói chung.

Chuyến thăm Philippines trong ngày đầu tháng 2 của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin được đánh giá là thành công đối với Mỹ, đánh dấu một bước tiến trong sự hiện diện trở lại của quân đội Mỹ ở khu vực. Trong cuộc họp báo chung tại trụ sở quân đội Philippines ở Manila ngày 2-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - Carlito Galvez cho biết: Mỹ sẽ được phép tiếp cận thêm 4 địa điểm nữa theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014. Bộ trưởng Austin gọi quyết định của Philippines là một “thỏa thuận lớn” khi ông và người đồng cấp tái khẳng định cam kết củng cố liên minh của họ.

Các địa điểm bổ sung theo thỏa thuận EDCA nâng tổng số căn cứ quân sự mà Mỹ có thể tiếp cận lên thành 9 địa điểm. Thỏa thuận này cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines để phục vụ hoạt động huấn luyện chung, bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự, nhưng không phải để hiện diện lâu dài. Nói cách khác, Mỹ không thuê căn cứ quân sự ở Philippines như trước đây mà thay đó bằng cách luân chuyển quân và tiến hành tập luyện ở 9 địa điểm. Cả ông Austin và Galvez đều không nêu rõ địa điểm nào sẽ được mở để Mỹ tiếp cận. Tuy nhiên, trước đó Philippines cho biết Mỹ đã yêu cầu tiếp cận các căn cứ trên đảo chính Luzon ở phía Bắc, địa điểm của Philippines gần nhất với Đài Loan và trên đảo Palawan ở phía tây nam, gần Trường Sa.

Như vậy, nếu Mỹ được tiếp cận quân sự ở phía Bắc đảo Luzon, cách Đài Loan khoảng 800 km về phía Nam, sẽ làm tăng đáng kể sự hiện diện quân sự của Mỹ trên khắp châu Á, nắm giữ các vị trí chiến lược với nhiều binh sĩ và khí tài hơn sẽ được triển khai. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến thế trận phòng thủ của Trung Quốc trên chuỗi đảo thứ nhất, từ Nhật Bản đến bán đảo Mã Lai và bao gồm cả Đài Loan.

Sự hợp tác này của Mỹ và Philippines rõ ràng khiến Trung Quốc lo ngại. Đặc biệt, lời phát biểu của ông Austin ở Manila cũng không che dấu việc Mỹ đang chĩa mũi dùi về Trung Quốc. Ông Austin nói: “Chúng tôi đã thảo luận về các hành động cụ thể để giải quyết những động thái gây bất ổn ở vùng biển xung quanh Philippines, bao gồm biển Tây Philippines và chúng tôi vẫn cam kết tăng cường năng lực chung để chống lại các cuộc tấn công vũ trang. Đây chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa liên minh Mỹ - Philippines. Và những nỗ lực này đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các yêu sách phi lý của mình ở Biển Tây Philippines”.

Tất nhiên, quan hệ nồng ấm hơn về quân sự giữa Washington và Manila sẽ khiến Bắc Kinh quan ngại. Trung Quốc cho rằng việc Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Philippines làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Đây là hành động làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực. Các nước nên cảnh giác về điều này và tránh bị Mỹ lợi dụng”. Báo chí Trung Quốc còn cáo buộc Mỹ “lập một cái bẫy cho Philippines” và cố gắng đẩy Philippines vào thế đối đầu trực diện với Trung Quốc”.

Khi mối quan hệ cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu được cải thiện, việc Mỹ tăng cường các cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản và giờ lại được tiếp cận các địa điểm chiến lược ở Philippines ắt sẽ đẩy cạnh tranh quân sự giữa hai cường quốc lên một mức cao hơn. Đã thế, các chuyến viếng thăm lẫn nhau, như chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken, đúng ra phải diễn ra để hai bên hiểu được dụng ý của nhau, tránh những bước đi sai lầm khiến tình hình xấu hơn lại bị hủy bỏ. Đó mới là mối lo của một khu vực vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Thanh Huyền