Bế tắc chiến lược

70 năm phát triển nhưng giờ đây NATO khó xác định được hướng đi cho mình.

Tuần qua, lãnh đạo 29 nước thành viên đã tề tựu về T.P Walford, gần thủ đô London của Anh, để kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.

70 năm là một chặng đường phát triển dài nhưng NATO sẽ đi về đâu thì lại là một câu hỏi bỏ ngỏ. Nói cách khác, tuy với có vẻ lấy lại được sự đoàn kết bề ngoài thể hiện ở tuyên bố chung sau khi kết thúc lễ kỷ niệm nhằm dung hòa mối quan tâm của các nước thành viên, song có vẻ đây chỉ là sự đoàn kết bề ngoài còn về bản chất NATO đang rơi vào thế bế tắc chiến lược khó xác định được “kẻ thù chung” của mình.

NATO được hình thành năm 1949 trong thời Chiến tranh Lạnh nhằm đối phó với Liên Xô, nước mà NATO cho là kẻ thù chung. Thế nhưng, phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron thừa nhận NATO “chưa làm sáng tỏ” được các vấn đề còn tranh cãi và “những điểm chưa rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết”. Trong suốt chiều dài chiến tranh Lạnh, Liên Xô vừa là mục tiêu tác chiến, vừa là lý do tồn tại của NATO. Liên Xô tan rã, NATO mất đi một đối thủ cụ thể và xứng tầm khiến họ không biết sẽ nhằm vào đâu. Một tổ chức quân sự không biết đánh vào đâu, thiếu chiến lược phát triển thì khó duy trì được sự đoàn kết.

Cho tới gần đây, nước Nga vẫn được coi là đối thủ quan trọng nhất của khối nhưng bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi và các nước có quan hệ ràng buộc với Nga. Nhóm nước Baltic hay Đông Âu vẫn e ngại Nga. Thổ Nhĩ Kỳ lại vừa mua các hệ thống phòng không S-400 từ Nga trong khi một nước Đức mở rộng cửa chào đón hệ thống đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc" của Nga bất chấp sự phản đối gay gắt của nhiều đồng minh.

Sự mở rộng liên tục của NATO trong những năm 2000 nâng tổng số thành viên lên 29 nước, xu hướng Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á đối phó với Trung Quốc, sự xuất hiện của mối đe dọa khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi, đã khiến liên minh ngày càng khó xây dựng sự đồng thuận và xác lập ưu tiên chiến lược chung. Tuyên bố chung của NATO vừa qua gây được sự chú ý khi nhắc tới Trung Quốc ở phần cuối, trong đó NATO “Nhận thức rằng ảnh hưởng ngày càng lớn và chính sách quốc tế của Trung Quốc đang tạo ra cả cơ hội và thách thức mà chúng ta cần phải cùng nhau đáp trả, với tư cách là một liên minh”. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay không nước thành viên nào công khai thừa nhận Trung Quốc là "kẻ thù".

Thiếu “kẻ thù chung” mà NATO lại càng phát triển thêm thành viên và duy trì sự tồn tại khiến khối này nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nổi lên là bất đồng về đóng góp tài chính, thiếu sự thống nhất nội khối và hành động theo kiểu mạnh ai nấy làm. Trước Hội nghị, Tổng thống Pháp - Macron cho rằng NATO đang “chết não”, sau Hội nghị, có vẻ như “bệnh não” của NATO vẫn chưa được chưa khỏi. Tổng thống Mỹ - Donald Trump chỉ trích phát biểu của người đồng cấp là “sỉ nhục” và “gây khó chịu cho 28 nước thành viên khác”. Đáp lại, Tổng thống Pháp thừa nhận những lời nói của ông có thể gây phản ứng nhưng ông “vẫn giữ nguyên”. Ông Macron cho rằng, khi nói đến NATO không nên đề cập đến tiền, qua đó gián tiếp bác bỏ yêu cầu mà Tổng thống Mỹ luôn luôn nhấn mạnh là đòi các nước khác tăng ngân sách quốc phòng.

Dù gì thì NATO sẽ vẫn tồn tại vì sự tồn tại đó là lý do trấn an các nước thành viên trong việc bảo đảm an ninh của mình. Thế nhưng, sự tồn tại đó sẽ dẫn các nước trong khối đi về đâu vẫn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Ngọc Hưng