Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2022): Vài suy nghĩ về dạy học và người dạy học

   

Trong những ngày này, không chỉ có học sinh của tất cả các ngành học, bậc học và những người làm công tác giáo dục, mà cả phụ huynh, toàn xã hội trong cả nước đang náo nức chào đón lần thứ 40 Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-10).

Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định của Nhà nước thể hiện sự quan tâm, sự tôn vinh nghề dạy học và người dạy học đã có từ xưa trong nhân dân ta. Và cũng từ đó là dịp để phụ huynh và học sinh biểu lộ tình cảm quý trọng, biết ơn các thày cô giáo.  

Hiếu học và tôn sư trọng đạo là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta với đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... Trong xã hội ta chỉ có hai người được gọi là “thầy” là thầy giáo và thầy thuốc. Trong các văn bản thì gọi là giáo viên nhưng trong giao tiếp thì gọi thầy giáo, cô giáo. Người thầy được đánh giá ngang bằng với người sinh ra mình, được kính trọng và ai cũng thừa nhận “Cơm cha, áo mẹ, công thày”. Nguyễn Trãi từng viết “Người thầy giáo không những chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo lý làm người”… Hình ảnh người thầy là hội tụ của sự trong sáng, gương mẫu và trí tuệ.

Từ xưa đến nay biết bao nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ đã ca ngợi nghề dạy học và người dạy học. Chắc hẳn các thầy, các cô phải tự hào lắm khi học trò cất vang lời ca: “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”. Có nhạc sĩ viết lời ca về thày giáo: “Ta có thể đếm hết ngàn ngôi sao trên trời đêm nay, ta có thể đếm hết lá mùa thu rụng nhưng suốt đời không đếm hết công lao người thầy”. Người thầy vĩnh viễn đồng hành với học sinh, với sự phát triển của dân tộc, thời đại. Người thày đứng trước con người biết an ủi, vỗ về, động viên, biết khơi dậy những tình cảm, khát vọng mãnh liệt, nhen lên trong lòng học sinh những ước mơ, hoài bão, thắp sáng trong họ khát khao trí tuệ, vỗ về an ủi họ khi vấp ngã, một nụ cười, một câu nói, một ánh mắt tin cậy, một lời khích lệ… đúng lúc sẽ chiếm được trái tim của học trò…

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, coi trọng thầy cô giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về các thày cô giáo: “Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em, cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong những nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Namnăm 1992, Nghị quyết T.Ư 2 (Khóa VIII) có ghi: “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”. “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.  

Sự nghiệp giáo dục là vĩnh cửu, nghề dạy học là trường tồn. Nghề dạy học là một nghề đặc biệt, không giống bất cứ loại hình lao động nào khác. Đó là một nghề cần sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa trí tuệ với phương pháp và lương tâm nghề nghiệp “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Người thầy giáo tạo ra những sản phẩm đặc biệt đó là nhân cách học sinh và tuyệt nhiên không cho phép được tao ra thứ phẩm. Không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân biết bao năm tháng khó khăn, thử thách, bữa cơm ít thịt nhiều rau các thầy cô giáo vẫn miệt mài trên trang giáo án cho bài giảng hay hơn, cho học sinh vốn tri thức, hiểu hơn về đạo làm người, hiểu hơn về giá trị và phẩm cách của người Việt Nam, hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Không chỉ có thế, chính các thầy cô đã dạy cho học sinh biết, hiểu, làm được những thành tựu mới và hiện đại của con người như công nghệ thông tin ngoại ngữ… Nhiều thầy cô giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình “Má hồng để lại da xanh mang về ” cõng chữ lên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đến với học sinh…  

Lịch sử Việt Nam, Ngành Giáo dục Việt Namrất tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước Người là thầy giáo. Đi nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng suốt cả cuộc đời mình Người luôn phấn đấu cho mục đích cao cả là vì con người, vì tính nhân đạo và bình đẳng, vì độc lập tự do, vì tiến bộ, công bằng và chủ nghĩa xã hội. Hiện thân của Người là kết tinh những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc, của cả nhân loại, là nền văn hóa của tương lai. Người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục chính là sự quan tâm đến sự phồn vinh và phát triển của đất nước. Đã có lúc Người dạy: “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt ”.

Nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo là hết sức nặng nề và trách nhiệm của các thầy cô giáo cũng hết sức vẻ vang. Mỗi thầy cô giáo hãy tự nhắc nhở nhau cần nỗ lực tự thân mỗi người, tự giáo dục mình, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ xứng đáng với lòng tin yêu, mong đợi của nhân dân, học sinh và toàn xã hội. Góp phần đưa nước ta lên tầm cao mới, sánh vai với cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, đâu đó vang lên lời ca: “Ta càng yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu”.

Đào Hồng