Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Hội viên CCB huyện Bố Trạch, Quảng Bình làm thủ tục vay vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch Ngân hàng CSXH.
Xác định hoạt động ủy thác là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội, tạo điều kiện hỗ trợ vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập vừa là điều kiện để củng cố tổ chức Hội vững mạnh, nhiều năm qua, Hội CCB phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, tâm lý trông chờ ỷ lại của người dân và vận động, khơi dậy ý thức tự vươn lên phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với hội viên CCB.
Rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, hoàn cảnh gia đình gặp vô vàn khó khăn, nhưng với ý chí không cam chịu đói nghèo, không khuất phục khó khăn, CCB Lê Công To ở khu phố 6, phường Rạch Sỏi, T.P Rạch Giá đã vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động, sự cần cù, chịu khó của mình. Gia đình không có đất đai, ngay từ ngày đầu, CCB Lê Công To xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu. Được sự khuyến khích, hỗ trợ từ nhiều phía, ông đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển mô hình. Hiện tại, bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí, ông thu nhập hơn 15 triệu đồng.
CCB Ksor Kia, thương binh 1/4 ở tổ dân phố 7, phường Thắng Lợi, T.P Kon Tum, tỉnh Kon Tum là tấm gương điển hình trong việc sử dụng hiệu quả tín dụng chính sách để vươn lên làm giàu. Năm 2016, ông đã vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi. Nhờ cần cù chịu khó khai khẩn, cải tạo đất đồi để trồng cà phê, tiêu, chăn nuôi thêm lợn, gà. Đến nay, gia đình đã có 2ha cà phê, 1ha tiêu và hàng trăm con lợn, gà.
Tại trụ sở Hội CCB tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được nghe các đồng chí trong Thường trực Hội CCB chia sẻ những thông tin về công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH, thực hiện ủy thác vay vốn để tạo nguồn vốn cho hội viên sản xuất kinh doanh. Từ năm 2011-2016, Hội đã quản lý nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH gần 750 tỷ đồng.
Hội CCB các cấp cũng thường xuyên báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất để mở trang trại, nhà xưởng, bến bãi; nhờ đó, tình trạng thiếu đất, thiếu việc làm đã dần được khắc phục.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Đạo - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, hoạt động ủy thác cho vay được xác định là việc quan trọng của Hội, giúp CCB có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Những năm qua, Hội CCB Việt Nam vẫn luôn trăn trở tìm các giải pháp để làm sao thực hiện tốt nhất các hoạt động cho vay ủy thác.
Từ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa này, giúp hội viên thấy vị trí, vai trò của tổ chức Hội, tin cậy Hội, tìm đến Hội, để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng kinh tế địa phương. Năm 2019, nguồn vốn giúp hơn 12 nghìn hộ CCB thoát nghèo, xóa được gần 3 nghìn căn nhà dột nát, tạm bợ...
Bên cạnh đó, Hội CCB còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và các hội, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong việc tăng cường phối hợp với Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Tính đến hết tháng 9-2019, tổng dư nợ vốn vay của Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội CCB đạt gần 32.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
Hiện nay, Hội CCB đang quản lý hơn 31.000 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu hộ vay, 99,94% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư gần 1.500 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với năm 2018.
Để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, công tác bình xét, thẩm định, phê duyệt, hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động là khâu quan trọng nhất. Vì vậy, Hội CCB thường xuyên kiểm tra giám sát, hướng dẫn chi tiết và có biện pháp khắc phục xử lý những trường hợp tiêu cực phát sinh, phối hợp xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, chiếm dụng, quá hạn và hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan cũng được Hội CCB triển khai thực hiện khá tốt, từ đó chất lượng tín dụng được nâng lên và hoạt động ủy thác ngày càng hiệu quả.
Mai Anh