Hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn
Năm 1947, sau một thời gian đóng giả vào vai vợ chồng nhẳm che mắt địch để hoạt động, cặp đôi Tấn Phùng - Minh Hoàng, hai chiến sĩ biệt động của Ban công tác số 1 Sài Gòn - Gia Định chính thức nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, tuần trăng mật tràn đầy hạnh phúc của họ đã không thể diễn ra trọn vẹn bởi một... bi hùng kịch.
Số là Phan Tấn Phùng và Minh Hoàng vừa cưới nhau được vài ba ngày thì theo yêu cầu của tổ chức, Minh Hoàng phải đưa một kỹ sư quân giới người Đức vào bưng. Lúc này Ngành Quân giới Nam Bộ đang rất cần vị kỹ sư này cho việc chế tạo, sản xuất vũ khí. Chuyện như vậy cũng là bình thường nếu như không một tình huống oái oăm xuất hiện. Viên kỹ sư người Đức này sẵn sàng lên cứ với một yêu cầu "nho nhỏ" là được cưới một cô vợ người Việt. Càng bất ngờ và oái oăm hơn là anh chàng kỹ sư này "phải lòng" và nằng nặc đòi "người đó không ai khác ngoài Minh Hoàng".
Thật là bất ngờ và đau xót cho Minh Hoàng trước yêu cầu nghiệt ngã của viên kỹ sư người Đức này. Sau mấy đêm liền không ngủ và trăn trở suy nghĩ, Minh Hoàng nuốt nước mắt quyết định hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn bởi cô biết rằng lúc này đây, cuộc kháng chiến đang rất thiếu vũ khí, cách mạng và ngành quận giới Nam bộ đang rất cần anh kỹ sư người Đức này. Hết sức đau khổ trước lúc chi tay người chồng hết lòng yêu quý để làm "vợ Tây", Minh Hoàng đã làm bài thơ "Tuần trăng mật" gửi cho Phan Tấn Hùng:
Tuần trăng mật sao mà cay đắng/ Rượu giao bôi chưa cạn đã phải xa/ Em bước sang ngang vì nghĩa vụ/ Hùng ơi, nhắm mắt tiễn em đi/ Em đi một chuyến vì non nước/ Hãy nhận nơi em tiếng tạ từ/ Vợ chồng ta kể như đã chết/ Duyên nợ trăm năm chỉ có một thân/ Bước em đi trăm đường vẹn nẻo/ Cuộc đời em đầy bước chông gai/ Anh hãy đào mồ chôn kỷ niệm/ Lòng đất kia chôn chặt tình ta/ Đêm nay đêm cuối tuần trăng mật/ Mai đây em tiễn anh lấy chồng/ Người chồng kia mắt xanh mũi lõ/ Người chồng, kháng chiến cưới cho em.
Bút tích bài thơ này, Minh Hoàng xem như tài sản vô giá và được cô lưu giữ cẩn thận cho mãi đến về sau này. Với Minh Hoàng, nỗi đau còn nhân đôi khi cả hai người chồng của cô đều hy sinh vào năm 1949.
Trần Long