Kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917 - 7.11.2022): Cách mạng Tháng mười Nga - giá trị lịch sử và thời đại
Cùng với nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, chúng ta kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7-11), khi sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang tiếp tục tiến triển, gặt hái được nhiều thành quả to lớn, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Cách mạng Tháng Mười đánh dấu bước chuyển biến về chất CNXH khoa học và mở đầu cho “Một thời đại mới trong lịch sử loài người”, “Một sự nghiệp mới mẻ, sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”…
Khi nhân dân Nga làm cách mạng vô sản thành công thì Việt Nam đang chìm trong đêm dài nô lệ. Cả đến cái tên Việt Nam cũng biến mất trên bản đồ thế giới. Tình hình đất nước như không có đường ra. Với truyền thống yêu nước bất khuất, nhân dân ta không lúc nào ngừng đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Nhưng, phong trào yêu nước theo đường lối phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản đều thất bại, vì đường lối ấy không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của công nông chiếm hơn 90 % dân số.
Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, người con ưu tú của dân tộc sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã đến với ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng Cách mạng Tháng Mười. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin (1).
Về con đường giải phóng dân tộc, Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (2). Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu CNXH, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế của thời đại. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập đã vận dụng và phát triển sáng tạo những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng thử thách tiến đến vinh quang và thắng lợi ngày nay.
Để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng của nước ta không ngừng tiến lên, thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, trước tình hình trong và ngoài nước có những thay đổi quan trọng, từ giữa thập niên tám mươi thế kỷ trước, Đảng ta đã chủ xướng và tổ chức công cuộc đổi mới. Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng.
Thực hiện hai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000 và 2001-2010, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, kinh tế tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 1991-2000 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6% năm; GDP năm 2000 tăng gấp 2 lần năm 1991. Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%; năm 2006-2010 đạt 6, 9%, bình quân 10 năm (2001-2010) đạt 7,2% năm, bình quân 20 năm đạt 7,4% năm(3) Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt 6% năm. Năm 2018, GDP tăng 7,08%, là mức cao nhất từ năm 2008 (4). Từ năm 2000 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh, bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy thoái, nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, các mặt: Quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đó đã tạo ra thế và lực mới cho nước ta, đưa nhân dân ta vững bước trên con đường Cách mạng Tháng Mười.
Đã hơn 100 năm trôi qua, nhưng lý tưởng XHCN theo con đường Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, đã và đang tiếp tục cổ vũ, dẫn đường cho chúng ta đi đến tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; nhất định đất nước ta sẽ “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” trong thế kỷ XXI, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và mong ước cháy bỏng của toàn dân tộc ta.
Nguyễn Văn Thanh
(1)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.2, trang 304.
(2)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, trang 30.
(3)- Xem: Hội đồng lý luận T.Ư: 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
(4)- Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, ngày 27-12-2018.