Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: Quốc phòng Việt Nam là hòa bình, tự vệ

Sách ảnh Quốc phòng Việt Nam 2019

Ngày 25-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức công bố Sách trắng Quốc phòng (STQP) Việt Nam 2019. Mục đích, ý nghĩa của STQP nhằm minh bạch hóa chính sách quốc phòng, xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới; là tài liệu để toàn xã hội, nhất là lớp thanh niên tiếp cận được với đường lối của Đảng trong xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Văn Khanh - nguyên cán bộ Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng về một số điểm mới trong STQP Việt Nam 2019 để giới thiệu với bạn đọc:

PV: Thưa đồng chí, đề nghị đồng chí cho biết việc công bố STQP trên thế giới hiện nay được các nước tiến hành ra sao và mục đích của các nước trong việc công bố STQP thể hiện điều gì?

Đại tá Vũ Văn Khanh: Hiện nay trên thế giới có khoảng 60 nước xuất bản STQP. Tùy theo điều kiện của mỗi nước, STQP được xuất bản theo nhiều cách khác nhau: Dưới dạng chiến lược quân sự - quốc phòng, chiến lược an ninh quốc gia như ở Mỹ; dưới dạng học thuyết quân sự như ở Nga và Ấn Độ; dưới dạng chính sách an ninh quốc gia như ở Malaysia... Thời gian công bố cũng khác nhau, có nước công bố hằng năm như Nhật Bản, Hàn Quốc; công bố 2 năm như Trung Quốc và có nước 10 năm công bố một lần như Malaysia. Có nghĩa là tùy theo từng nước và mục đích khác nhau.

PV: Đây là lần thứ 4 Việt Nam công bố STQP. So với các lần trước vào các năm 1998, 2004 và 2009. STQP Việt Nam năm 2019 có những điểm gì mới, thưa đồng chí?

Đại tá Vũ Văn Khanh: Trước hết phải khẳng định rằng STQP Việt Nam 2019 vẫn tiếp tục kế thừa các nội dung của STQP các năm trước. Đặc biệt là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về chính sách quốc phòng cũng như nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Một số điểm mới là:

Một là, phần đánh giá về bối cảnh chiến lược và chính sách quốc phòng, cùng với việc cập nhật các nội dung mới về an ninh khu vực, thế giới và trong nước thì lần đầu tiên Sách trắng đề cập đến Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược quân sự. Ở đó nhấn mạnh quan điểm cũng như mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai là, những nội dung xây dựng tiềm lực quốc phòng, lần đầu tiên đề cập đến nội dung xây dựng tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội. Có thể nói, đây là một điểm nhấn, bởi vì trước Đại hội XII của Đảng, chúng ta thường nói đến tiềm lực kinh tế, nhưng bây giờ chúng ta nói rõ là tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, điểm nhấn ở trong này là yếu tố văn hóa giáo dục và văn hóa quân sự. Đó là sự giáo dục sâu rộng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận thức sâu sắc về truyền thống văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và trong phần xây dựng nền quốc phòng thì lần đầu tiên Sách trắng đề cập đến xây dựng lực lượng toàn dân, đó là lực lượng của các ngành, các cấp, với các tổ chức quần chúng - đây là lực lượng đông đảo nhất, thành phần kịp thời nhất, đó là nòng cốt của lực lượng quốc phòng.

PV: Thưa đồng chí, việc đề cập đến lực lượng Tác chiến không gian mạng (LLTCKGM) và Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam thể hiện điều gì?

Đại tá Vũ Văn Khanh: Việc đề cập đến LLTCKGM thể hiện một tư duy mới của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta coi KGM là một khu vực lãnh thổ mới và ở đó, lợi ích quốc gia và các vấn đề kinh tế, văn hóa, chính trị gắn liền với bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Còn việc chúng ta đề cập đến Lực lượng Gìn giữ hòa bình thì kể từ khi chúng ta thành lập Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thì cho thấy, đó là sự đột phá của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và Việt Nam ngày càng có trách nhiệm hơn đối với các để vấn đề an ninh quốc tế và khu vực.

PV: Trước đây, Việt Nam chủ trương “3 không” trong chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ của mình, nhưng STQP Việt Nam 2019 có bổ sung thêm một nội dung là: “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Việc bổ sung thêm nội dung này đã nói lên điều gì, thưa đồng chí?

Đại tá Vũ Văn Khanh: Tôi cho rằng cụm từ “Không sử dụng vũ lực” không phải là mới, bởi nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực thì đây là một trong những nguyên tắc quan trọng. Điều 2 Khoản 4 của Hiến chương Liên Hợp quốc đề cập rõ đến điều này, tức là Liên Hợp quốc yêu cầu các nước hạn chế sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nhưng thực tế thời gian qua, trên thế giới và trong khu vực, có rất nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra có liên quan đến việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Và đặc biệt là hành xử của một số nước lớn đối với nước nhỏ. Đã có sự lấn lướt, gây áp lực và đe dọa an ninh của các nước. Chúng ta đưa nội dung này vào STQP để một mặt tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và chúng ta luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc là không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; đồng thời, chúng ta cũng yêu cầu các nước khác phải tuân thủ nguyên tắc này.

PV: Thưa đồng chí, thông điệp mà STQP năm 2019 của Việt Nam muốn đưa đến đối với bạn bè quốc tế là gì?

Đại tá Vũ Văn Khanh: Thông điệp của STQP 2019 của chúng ta thể hiện sự cởi mở, minh bạch của chính sách quốc phòng. Chúng ta muốn cho thế giới hiểu được chính sách quốc phòng Việt Nam bản chất là hòa bình và tự vệ. Và chúng ta muốn xây dựng lòng tin và muốn thế giới hiểu được là Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

       Nguyễn Pháp (thực hiện) Vùng 3 Hải quân diễn tập hiệp đồng chiến đấu Khu vực I.