Luận bàn: Thế nào là Chính khách?
Vừa qua, bà Đào Hồng Lan đã được lựa chọn làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là lần đầu tiên một cán bộ được bổ nhiệm làm người đứng đầu một ngành, mà không có chuyên môn về ngành đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn bà Đào Hồng Lan là một sự đổi mới trong công tác tổ chức, cán bộ của Đảng, khi việc lựa chọn này đã không bị ràng buộc bởi yếu tố chuyên môn y tế như từ trước đến nay. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về những khó khăn đang chờ đón một Bộ trưởng không có chuyên môn về lĩnh vực mình phụ trách.
Bà Đào Hồng Lan đã đảm nhận trọng trách của mình được vài tháng, thời gian sẽ chứng minh sự lựa chọn nói trên chính xác đến đâu. Tuy nhiên, làm Bộ trưởng là làm chính khách hơn làm nhà chuyên môn. Chúng ta thấy, ở các nước phát triển, tất cả các Bộ trưởng Quốc phòng đều là các chính khách, không phải là các tướng lĩnh quân đội. Lý do đơn giản là vì quyết định đánh hay không đánh là một quyết định chính trị.
Quyết định đánh như thế nào mới là một quyết định quân sự. Làm Bộ trưởng thì phải có kỹ năng ban hành các quyết định chính trị. Mà để ban hành các quyết định chính trị, thì phải có kỹ năng nhận biết vấn đề và xác lập ưu tiên, kỹ năng xác lập nghị trình và thúc đẩy chính sách.
Đây là những kỹ năng chính trị, không phải là kỹ năng điều hành, càng không phải là kỹ năng chuyên môn. Ví dụ, đối với Ngành Y tế, những vấn đề nóng bỏng hiện nay đều là những vấn đề ở tầm chính trị: Chế độ tiền lương phải được cải cách thế nào để giữ chân các nhân viên y tế? Hợp tác công tư có thể thực hiện được ở các bệnh viên công hay không, theo mô hình nào? Có tiếp tục chủ trương thí điểm tự chủ tài chính toàn diện đối với các bệnh viện công nữa hay không? Cải thiện hình ảnh công chúng của Ngành Y như thế nào?...
Xét từ một góc độ nào đó, việc lựa chọn bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế có thể là một tín hiệu đáng mừng. Có vẻ như chúng ta đã bắt đầu có sự phân định tốt hơn giữa các loại hình lao động trong lĩnh vực công.
Lĩnh vực công có 4 loại hình lao đông chính là: 1. Chính khách; 2. Công chức; 3. Viên chức và 4. Thẩm phán. Mỗi loại hình phải được quản trị theo những nguyên tắc khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có được sự phân công mạch lạc như trên. Chủ yếu nhân lực công hiện nay được phân chia thành ba loại: 1. Cán bộ; 2. Công chức; 3. Viên chức. Khung khái niệm cho công chức và viên chức đã được xác định tương đối rõ. Khung khái niệm cho cán bộ thì vẫn còn tương đối rộng. Cán bộ bao gồm không chỉ các chính khách như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư; Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Thủ tướng, Phó thủ tướng; các Bộ trưởng; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội… mà còn cả nhân sự lãnh đạo của cả Mặt trận, các đoàn thể, thậm chí cả của các tổ chức xã hội khác.
Một sự phân định rất quan trọng khác cũng chưa được làm rõ. Đó là phân định chức năng giữa chính khách, công chức và viên chức. Dễ lẫn lộn nhất ở đây là chức năng của chính khách với công chức. Hiện nay, rất nhiều chính khách vẫn đang đảm nhận những việc thuộc về công chức. Ví dụ, nhiều chính khách vẫn đang phải chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành các công việc liên quản đến việc thực thi chính sách, pháp luật. Trong lúc đó, ở các nước trên thế giới, đây là công việc của các công chức. Có lẽ, cũng phải còn một thời gian nữa và với những cải cách phù hợp, chúng ta mới có thể đạt được một sự phân định hợp lý và khoa học ở đây. Phải chăng, việc lựa chọn một Bộ trưởng chỉ chủ yếu dựa vào năng lực làm chính khách là một trong những cải cách như vậy.
Rõ ràng, nếu chúng ta coi Bộ trưởng là một chính khách thì chức năng chính của Bộ trưởng là hoạch định và thúc đẩy các chính sách của ngành. Bộ trưởng cũng là người lãnh đạo bộ, người đứng đầu bộ về chính trị, chứ không phải là người điều hành công việc của bộ. Ở các nước có nền quản trị quốc gia hiện đại, người điều hành công việc của bộ phải là Quốc vụ khanh.
Đã đến lúc chúng ta cũng cần cải cách để giảm bớt gánh nặng điều hành cho các Bộ trưởng. Suy cho cùng, với công việc nhiều như núi của một chính khách, một Bộ trưởng lại còn phải chịu trách nhiệm điều hành nữa thì quá tải là không tránh khỏi. Đó là chưa nói tới việc kỹ năng làm chính khách và kỹ năng điều hành là những kỹ năng hoàn toàn khác nhau. Một họa sĩ vẽ giỏi không nhất thiết phải hát hay. Một chính khách giỏi không nhất thiết phải điều hành công việc hiệu quả.
Trở lại với trường hợp của bà Đào Hồng Lan, bà Lan đã lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh phòng, chống dịch Covid thành công là một thực tế khách quan. Phải chăng đây cũng là một căn cứ xác đáng cho việc lựa chọn bà Lan?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng