Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng, mang tính chất xương sống của ngành y tế, được sửa đổi nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương liên quan đến lĩnh vực này.

Dự án luật thứ hai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là Luật Đất đai (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 18 tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét các dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử, Luật Giá (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là những dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tư.

Riêng với dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022. Đây là dự án luật mới, hiện đang có nghị định của Chính phủ điều chỉnh. Bộ Chính trị cũng vừa ban hành nghị quyết về vấn đề này. Dự án Luật Phòng thủ dân sự có giao thoa và có liên quan tới một số luật khác, trong đó có Luật Quốc phòng; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp…

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, cơ quan soạn thảo và Chính phủ đã tiếp tục chuẩn bị lại dự án luật này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại phiên họp này.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột trở thành động lực phát triển của tỉnh Đắk Lắk và cho cả vùng Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị một dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thí điểm cơ chế đặc thù cho một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, nhưng có tính chất đặc thù.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét dự thảo nghị quyết về đấu giá biển số xe ô tô, đồng thời xem xét và quyết định bổ sung dự thảo nghị quyết này vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Với tư duy biển số xe cũng là một loại tài nguyên, một loại tài sản công cần được quản lý, khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất, đây là dự thảo nghị quyết rất quan trọng, đã được chuẩn bị kỹ trong nhiều năm.

Về nhiệm vụ lập pháp thuộc thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo do Văn phòng Quốc hội chủ trì soạn thảo để triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói chung.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất bổ sung một số nội dung liên quan tới hoạt động giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và chuẩn bị cho Quốc hội hoặc quyết định theo thẩm quyền, trước mắt là chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá công tác giám sát năm 2022 và triển khai công tác giám sát năm 2023 theo nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”; dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Nội dung cuối cùng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

17 nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp này đều rất lớn, quan trọng, có nội dung rất mới và khó, trong khi hiện đang là thời gian mà các cơ quan cũng phải tập trung cho rất nhiều công việc khác. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cao độ, nghiên cứu kỹ lưỡng, phát biểu sôi nổi, sâu sắc về các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa vào chương trình, để phiên họp đạt được kết quả cao nhất.

CHIẾN THẮNG