Đau đáu “Làng Đỏ”
Bia di tích "Làng Đỏ" Hưng Dũng tại Đình Trung.
8 2022 - Cách đây hơn 90 năm, có một vùng đất bên bờ sông Lam thuộc phường Hưng Dũng, T.P Vinh (Nghệ An) - là nơi “Đi đầu dậy trước” trong phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống lại thực dân Pháp tại Việt Nam. Làm nên phong trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh với khí thế “long trời lở đất".
“Làng Đỏ” trong phong trào Xô-viết
Hưng Dũng trước đây có tên gọi là Yên Dũng Thượng, nằm ven bờ sông Lam. Vùng đất vốn có truyền thống yêu nước, sớm tiếp thu những tư tưởng cấp tiến đương thời nên người dân Hưng Dũng đã đi theo, ủng hộ cách mạng từ thời kỳ trứng nước.
Để đáp ứng cho yêu cầu cách mạng trong tình hình lúc bấy giờ, ngày 3-4-1930, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Vinh, tại "Lăng Đức Thánh" ở dăm Mụ Nuôi, Chi bộ Đảng Cộng sản Hưng Dũng thành lập, đồng chí Nguyễn Tiến Cuông được cử làm Bí thư chi bộ. Kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng Hưng Dũng, các tổ chức quần chúng lần lượt ra đời, như Nông hội Đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Phụ nữ, Xích vệ Đỏ...
Mở đầu cho phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh là cuộc đấu tranh Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5-1930 của hàng nghìn người tham gia, tại Vinh - bến Thủy và xã Yên Dũng Thượng (Hưng Dũng), hợp nhất với các đoàn nông dân các xã vùng hạ Nghi Lộc thành hàng năm, kéo lên trung tâm tỉnh lỵ Vinh; vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế.
Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp cho lính đàn áp đoàn biểu tình,làm nhiều người chết và bị thương, hàng trăm người bị bắt. Mặc dù bị đàn áp dã man, nhưng tinh thần cách mạng của Chi bộ Đảng và nhân dân Hưng Dũng vẫn không hề nao núng. Ngay sau đó, Chi bộ tiếp tục tổ chức cuộc biểu tình lớn khác phát động phong trào đấu tranh, vận động nhân dân giúp đỡ những gia đình công nhân bị nạn; cưu mang, bảo vệ những cán bộ đang bị địch truy lùng, tại dăm Mụ Nuôi.
Tháng 8-1930, Xứ ủy Trung Kỳ và các cơ quan của Xứ ủy cũng chọn Hưng Dũng để thành lập cơ quan hoạt động. Nhiều đồng chí như Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Viết Thuật, Nguyễn Văn Linh được gia đình ông Nguyễn Sỹ Huyến và nhà ông Nguyễn Hữu Diên thuộc Hưng Dũng (Yên Dũng Thượng) làm nơi sinh sống và hoạt động cách mạng. Không nhưng thế, nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến và Nguyễn Hữu Diên là điểm in ấn của Xứ ủy Trung Kỳ. Những tờ báo như “Xích Sinh”, “Lao Khổ” và các loại truyền đơn kêu gọi đấu tranh đã được in ấn tại đây. Ngoài việc nuôi và che dấu, toàn bộ gia đình ông Nguyễn Sỹ Huyến và Nguyễn Hữu Diên đều tham gia bảo vệ cán bộ, in ấn và vận chuyển báo chí, tài liệu, truyền đơn đi đến các cơ sở.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh, tháng 9-1930,xã Yên Dũng Thượng tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Đình Trung, đòi lý trưởng, hào mục nạp con dấu, sổ sách, tài liệu. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, chính quyền phong kiến nơi đây tan rã. Chính quyền Xô-viết của nhân dân ra đời với tên gọi “Nóc bát hương” gồm đại diện của tổ chức Nông hội ở 8 thôn. Đình Trung trở thành trụ sở của chính quyền Xô-viết trong một thời gian dài và trực tiếp đã đứng ra giải quyết việc chia đất hoang hóa cho dân nghèo, tổ chức truyền bá chữ Quốc ngữ, quản lý mọi mặt công tác trong xã Hưng Dũng.
Mặc dù chính quyền Xô-viết tại Hưng Dũng chỉ tồn tại 5 tháng, nhưng dưới chính quyền mới của nhân dân, mọi luật lệ của đế quốc phong kiến bị xóa bỏ, quyền tự do dân chủ của nhân dân được ban bố, chị em phụ nữ được tự do tham gia hội họp, tham gia các đoàn thể cách mạng... Những từ "Xã hội - tự do - bình đẳng"... thật mới mẻ song thật thiêng liêng gần gũi với người lao động.
Ngày 5-11-1930, trong thư gửi Quốc tế Nông dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay ở một số làng Đỏ, chính quyền Xô-viết củanông dân đã được thành lập”. Chính vì vậy Yên Dũng Thượng có tên “Làng Đỏ” từ đó.
Xin đừng lãng quên…
Chúng tôi tìm về “Làng Đỏ Hưng Dũng” trong một ngày đầu tháng 8-2022. Từ những ngày Xô-viết năm ấy đến nay, vùng đất trung nghĩa bên bờ Sông Lam nay đã đổi thay rất nhiều. Những cánh đồng năn, lác được ghi trong sử sách đã không còn nữa. Thay vào đó là những khu đô thị mới. Còn đình Trung, cây Sanh chùa Nia, dăm Mụ Nuôi, nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, Nguyễn Hữu Diên,Lê Mai đã trở thành Cụm di tích lịch sử cách mạng “Làng Đỏ Hưng Dũng” được Nhà nước công nhận.
Theo sử sách ghi lại thì sau thời kỳ cao trào của Xô-viết - Nghệ Tĩnh1930-1931, Yên Dũng Thượng có 7 đảng viên và quần chúng hy sinh, 32 người bị địch bắt tra tấn, tù đày ở các nhà lao. Tất cả thành viên của hai gia đình cụ Nguyễn Sỹ Huyến và cụ Nguyễn Hữu Diên đều bị chính quyền thực dân bắt, giam ở nhà lao Vinh. Cụ Huyến hy sinh trong lao tù năm 1938; cụ Diên bị tù 8 năm.
Bi tráng và công lao như thế, nhưng các sự kiện cách mạng của “Làng Đỏ Hưng Dũng” năm xưa đang có nguy cơ bị một bộ phận thế hệ trẻ quên lãng bởi nhiều lý do.
Tìm hiểu tại các cơ quan có trách nhiệm ở Nghệ An tôi được biết, đã lâu lắm rồi chưa có một sự kiện văn hóa nào liên quan đến di tích “Làng Đỏ Hưng Dũng” được tổ chức, nên cũng không có cơ hội để thế hệ trẻ hôm nay được hiểu rõ hơn về các sự kiện của “Làng Đỏ” năm xưa.
Tôi tìm đến khu vườn nhà ông Nguyễn Hữu Diên. Thật không thể tin được đây từng là nơi in ấn tài liệu của Đảng bộ Xứ ủy Trung Kỳ và cũng là nơi cán bộ cách mạng đã từng ở: Một căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm trên khu đất hoang sơ. Cụ Diên mất năm 1994. Hiện con trai út cụ, là ông Nguyễn Hữu Thân đang ở căn nhà này. Ông Thân giãi bày: “Nhà xuống cấp hết rồi mà không sửa được, cũng không được bán, không được cấp giấy CNQSDĐ như những nhà khác, vì là nhà di tích…”.
Còn ngôi nhà cụ Nguyễn Sỹ Huyến ở số 58, đường Nguyễn Gia Thiều, phường Hưng Dũng, T.P Vinh - hiện ông Nguyễn Sỹ Học, cháu nội của cụ Huyến đang sống tại đây. Tương tự như nhà của cụ Diên, căn nhà đã xuống cấp rất nghiêm trọng, cũng chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Như hiểu ý tôi ông Ngọc nói: “Là nhà di tích nên gia đình có muốn sửa cũng không được, mà chờ Nhà nước thì chưa biết đến bao giờ!”.
Còn di tích Đình Trung vẫn còn đó với những cây cột đình, xà ngang, hoành dọc đang trên đà xuống cấp. Trên mái lợp là một tấm bạt lớn màu xanh, được chằng néo chống mưa dột. Với thực trạng như thế này liệu có xứng tầm với “Di tích quốc gia”?
Nơi cây Sanh chùa Nia có mấy em sinh viên Trường cao đẳng Nghề đang ngồi tránh nắng. Khi chúng tôi hỏi các em về lịch sử liên quan đến cây Sanh, tất cả đều lắc đầu không biết…
Không lẽ, một sự kiện mang tầm vóc lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam diễn ra cách đây không lâu mà lạ lẫm với thế hệ trẻ đến thế?
Thế Sơn