Khó như y sĩ đi mua bò!
Kết thúc Chiến dịch Biên Giới (Thu - Đông 1950), hai bệnh viện giã chiến Thủy Khẩu và Man Đà giải tán. Theo lệnh của Cục Quân y, toàn bộ cán bộ, nhân viên hai bệnh viện rút về thôn Đông Càng, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, để thành lập Phân viện 8 (Phân viện 8 là tiền thân của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 ngày nay). Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú, Anh hùng LLVTND Tạ Lưu, khi đó là y sĩ, thuộc Phòng Mổ của Phân viện 8. Thời gian công tác ở Phân viện 8 với CCB Tạ Lưu có rất nhiều kỷ niệm, trong đó có chuyện lên Trùng Khánh, Cao Bằng mua bò. Ông kể lại:
“…Phòng mổ của chúng tôi khi đó gồm bảy chàng trai trẻ, độ tuổi trên dưới 20, được coi là chủ lực của Phân viện. Bất cứ công việc gì nặng nhọc hoặc khó khăn, Chỉ huy Phân viện đều giao cho chúng tôi gánh vác. Ví như đi chặt tre, nứa làm nhà, đi vác gạo, hay đi bộ hơn 10 cây số để khiêng máy nổ về phục vụ chiếu phim…
Đầu năm 1953, tôi và hai đồng chí Bộc, Quan (nhân viên của Ban Cung cấp, đều là người dân tộc Tày) được phân công lên Trùng Khánh, Cao Bằng, mua bò về cho Bệnh viện. Chúng tôi cuốc bộ theo đường số 3, ngày đi, đêm nghỉ ròng rã năm - sáu ngày trời mới lên đến Quảng Uyên; không quên ghé vào ăn món phở chua nổi tiếng. Khi đi qua Man Đà, chúng tôi vào thăm ông bà chủ nhà tôi ở hồi tham gia Chiến dịch Biên Giới. Cuộc gặp mặt sau mấy năm xa cách thật vô cùng cảm động. Hôm sau vượt đèo Khâu Liêu lên chợ Trùng Khánh mua được chục con bò. Mua bò thì dễ, nhưng đưa được chúng vượt hàng mấy chục cây số đường trường về đến đơn vị thật không dễ chút nào. Dọc đường, đôi khi vừa nghe máy bay địch mò lên bắn phá vu vơ, đã phải vội vàng lùa bò vào rừng ẩn náu - “Tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Người chưa biết, nhưng nếu để chết một con bò là cầm chắc chịu kỷ luật.
Dọc đường, bò chẳng có gì ăn, nên cứ đi được một quãng, hễ đói bụng, thấy cây cỏ là chúng tạt ngang tạt ngửa vào bìa rừng ăn cỏ, ăn lá; nhất là gặp lúc trời nhá nhem tối thì thật khổ. Lắm lúc sợ mất bò, chực phát khóc lên! Khi về đến đơn vị, bò gầy đã đành, ba anh em cũng gầy quắt; mọi người trông thật thảm hại! Nhưng bù lại Tết năm đó, thương - bệnh binh và nhân viên Bệnh viện có món thịt bò tái chấm tương gừng thỏa thích, lại còn thêm món giò bò khoái khẩu; trong điều kiện kháng chiến khó khăn thiếu thốn đủ bề, ai cũng thấy hả dạ. Đặc biệt, nhờ có mấy món thịt bò mà cỗ cưới tập thể đầu tiên của Viện 108, gồm các đôi: Anh chị Bảo - Hằng, Chất - Cúc, Miên - Em, càng thêm rôm rả…!”.
Duy Nguyễn ghi theo lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVTND Tạ Lưu