Mãi tự hào truyền thống Tiểu đoàn 2 (V25)
Các đoàn đại biểu dâng hương tại Bia chiến tích tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 2 (V25) ngày 6-8-2022.
Sáng ngày 6-8, tại đồi Hòn Bằng, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 2 (V25) anh hùng tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Tiểu đoàn (5-8-1965 – 5-8-2022) và khánh thành Bia chiến tích tưởng niệm liệt sĩ của đơn vị.
Tiểu đoàn 2 (V25) được thành lập ngày 5-8-1965, có nhiệm vụ cơ động thọc sâu tấn công tiêu diệt các căn cứ của Mỹ, ngụy trên chiến trường Quảng Đà. Giai đoạn 1965-1975, Tiểu đoàn đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên cường chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá Thái Thanh Hùng, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 2 (V25) anh hùng cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, đơn vị đã đánh thắng nhiều trận vang dội, làm nức lòng quân dân cả nước, tiêu biểu như trận đánh cứ điểm Gò Cấm (huyện Đại Lộc), tiêu diệt 1 đại đội biệt kích Nùng; trận đánh tiểu đoàn biệt động quân tại xã Điện Hòa (huyện Điện Bàn), bắn cháy 4 xe tăng, bắt sống 8 tên địch; trận tập kích cứ điểm thôn 7 xã Cẩm Thanh (thị xã Hội An), tiêu diệt 2 trung đội bảo an, thu 30 súng các loại; trận đánh giải phóng nhà lao Hội An đêm 14-7-1967, giải thoát gần 1.300 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào bị địch bắt giam; trận tập kích diệt gọn tiểu đoàn công binh ngụy, bắt sống 5 tên, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng.
Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 2 (V25) tấn công làm chủ Tỉnh đường Quảng Nam 1 ngày đêm, đồng thời kiên cường đánh địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn… Cũng trong mùa xuân máu lửa ấy, đơn vị hiên ngang đánh địch ở các xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Xuân. Vào Chiến dịch X2 tháng 8-1968, Tiểu đoàn 2 (V25) anh dũng vượt sông Cẩm Lệ, đánh chiếm khu vực ngã tư quận lỵ Hòa Vang, gây khiếp đảm quân thù ngay trong sào huyệt của chúng.
Đặc biệt, trận tập kích cứ điểm Hòn Bằng tại xã Duy Sơn ngày 20-12-1967 diễn ra cực kỳ ác liệt. Mặc dù bị nhiều tổn thất, nhưng bộ đội vẫn chiến đấu ngoan cường, mưu trí, tiêu diệt và bắt sống 133 tên, thu nhiều chiến lợi phẩm. Cựu chiến binh Phạm Đức Thăng, 76 tuổi, ở xã Điện Nam Bắc (Điện Bàn, Quảng Nam), nguyên Trung đội phó của Đại đội 3 – Đại đội tấn công trên hướng chủ yếu trong trận tập kích cứ điểm Hòn Bằng vẫn còn nhớ rõ: Bộ phận mở cửa sử dụng mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục, mở thông cửa mở. Lập tức, xung kích lao lên, ào ạt tiến vào. Địch từ các lô cốt, boongke chống trả điên cuồng, đồng thời pháo binh địch từ Bồ Bồ, Núi Quế, Cẩm Hà bắn cấp tập chung quanh cứ điểm. Với quyết tâm giết giặc lập công, bộ đội xung phong đánh chiếm các mục tiêu đầu cầu, diệt các hỏa điểm và phát triển vào bên trong, lần lượt đánh chiếm các lô cốt, trận địa pháo, sân bay dã chiến. Phần lớn quân địch bị tiêu diệt và bị bắt, nhưng còn một số tên ngoan cố nấp trong lô cốt bố và hầm ngầm, hò hét chống cự, khiến trận đánh kéo dài.
Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Trương, 91 tuổi, hiện trú phường Hòa Cường Nam (Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Chính trị viên Đại đội 3, chỉ huy mũi chủ công trong trận tập kích cứ điểm Hòn Bằng, cho biết thêm, đến 2 giờ sáng, quân ta đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu, nhưng còn khoảng 1 tiểu đội địch cố thủ trong lô cốt bố nối liền với hầm ngầm kiên cố. Quân ta đã bắn hàng chục quả B40 trúng mục tiêu nhưng vẫn không phá vỡ được lô cốt này. “Bọn địch hò hét “tử thủ” và gọi pháo bắn vào ngay cứ điểm, gây cho ta nhiều thương vong, hơn 50 đồng chí hy sinh và nhiều đồng chí bị thương. Đến gần sáng, máy bay địch quần lượn, bắn phá trận địa, các mũi được lệnh nhanh chóng thu dọn chiến trường và khẩn trương lui quân”, ông Đoàn Ngọc Trương bùi ngùi.
Bia chiến tích tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 2 (V25) do nhà điêu khắc Trần Văn Minh thiết kế, có hình tượng đôi bàn tay nâng niu trang sử vàng truyền thống. Xung quanh bia được trang trí cánh sen trắng. Phía trên bia có phù điêu hình tròn nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng lá cờ Tổ quốc. Bia cao 3,4 mét, rộng 2,4 mét, nguyên liệu đá vĩnh cửu, với tổng kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng, do UBND thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các nhà hảo tâm ủng hộ. Bia tọa lạc dưới chân đồi Hòn Bằng, trong khuôn viên nhà sinh hoạt văn hóa thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM