Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.
Trong không khí chào mừng kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2022), Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI-năm 2021 đã diễn ra tối 21-6 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.
Giải Báo chí quốc gia được tổ chức hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng các tác phẩm báo chí xuất sắc có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia; nhiều đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đông đảo đại diện các cơ quan báo chí trong cả nước.
Qua 16 năm tổ chức, đến nay, giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực của 18 liên chi hội và 35 chi hội trực thuộc. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, với 1.911 tác phẩm dự giải; trong đó, có 1.761 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng sơ khảo. Từ 152 tác phẩm của vòng chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã thống nhất lựa chọn để trao 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích.
Tác phẩm với loạt 5 bài: “Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi” của nhóm tác giả: Trần Hoàng Hoàng (Hoàng Hoàng), Lê Thị Thúy Hà (Vương Hà), Lê Thị Minh Nhã (Minh Nhã), Đặng Thu Hà (Thu Hà)-Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân đã đoạt giải C.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Lê Quốc Minh nêu rõ: Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và giới báo chí cả nước. Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức rất thành công Đại hội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Phát huy những truyền thống vẻ vang, báo chí tiếp tục tuyên truyền đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Cụ thể: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Báo chí phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Báo chí đề cập đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Báo chí nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những tấm gương, nghĩa cử cao đẹp.
Năm 2021 là một năm đầy biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Hai đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 và lần thứ 4 lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn chất liệu cho báo chí khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua thách thức, thể hiện rõ vai trò xung kích, dấn thân trên tuyến đầu. Rất nhiều nhà báo đã có mặt tại các điểm nóng, các vùng tâm dịch, sẵn sàng xả thân để có những tác phẩm báo chí có sức lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa những tấm gương sáng, phổ biến những cách làm hay, góp phần vào thành công chung của đất nước trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Cũng vì thế, trong mùa giải lần thứ 16 này, bên cạnh các đề tài truyền thống khác, tác phẩm về đề tài đại dịch Covid-19 chiếm tỷ lệ cao ở tất cả các loại hình báo chí. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với báo chí. Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, sáng 21-6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức lễ phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2025). Đây là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Đồng thời, đây cũng là lúc cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Các hạng mục giải thưởng, gồm:
I- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (báo in): Giải A loạt 4 bài: “Gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế của nhóm tác giả Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân; 2 giải B; 6 giải C (trong đó có tác phẩm loạt 5 bài: “Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi” của nhóm tác giả Trần Hoàng Hoàng (Hoàng Hoàng), Lê Thị Thúy Hà (Vương Hà), Lê Thị Minh Nhã (Minh Nhã), Đặng Thu Hà (Thu Hà) – Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân); 5 giải khuyến khích.
II- Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in): Giải A loạt 5 bài: “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng – gốc có vững cây mới bền” của nhóm tác giả Chi hội Nhà báo Báo Tiền Phong; 1 giải B, 5 giải C và 2 giải khuyến khích.
III- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép (báo in): Giải A loạt 5 bài: “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình người mang màu sắc “ma mị” giữa Thủ đô” của nhóm tác giả Chi hội Nhà báo Báo Đại đoàn kết; 2 giải B, 7 giải C và 2 giải khuyến khích.
IV- Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh: 2 giải B và 2 giải C.
V- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (phát thanh): Giải A “Những ngày không quên!” của nhóm tác giả Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam; 3 giải B, 1 giải C và 3 giải khuyến khích.
VI- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (phát thanh): Giải A loạt 4 bài “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?” của nhóm tác giả Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam; 2 giải B, 4 giải C và 7 giải khuyến khích.
VII- Giải Tin, phóng sự, ký sự (truyền hình): Giải A “Từ tâm dịch" của nhóm tác giả Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh; 2 giải B, 5 giải C và 6 giải khuyến khích.
VIII- Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (truyền hình): Giải A “Nơi kết thúc là nơi bắt đầu” của nhóm tác giả Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh; 1 giải B, 3 giải C và 3 giải khuyến khích.
IX- Giải Phim tài liệu truyền hình: Giải A “Ranh giới” của nhóm tác giả Tạ Quỳnh Tư, Kiều Viết Phong – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam; 2 giải B, 4 giải C và 4 giải khuyến khích.
X- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (báo điện tử): Giải A loạt 5 bài: “Giải phóng” đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần “cuộc cách mạng” quyết liệt hơn" của nhóm tác giả Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam; 3 giải B, 5 giải C và 2 giải khuyến khích.
XI- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo điện tử): Giải A loạt 5 bài “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng” của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, Chi hội Nhà báo Báo Nông thôn ngày nay; 2 giải B, 6 giải C và 1 giải khuyến khích.
VƯƠNG HÀ - TUẤN HUY