Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Gặp mặt báo chí nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, kỷ niệm 30 năm thành lập Hội

Đồng chí Lương Văn Cừ - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt

Sáng ngày 22-4-2022, Hội Bảo trợ người khuyết tât và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, kỷ niệm 30 năm thành lập Hội  và chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XVII.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Lương Văn Cừ - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam thông báo: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2022 - 2027) sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội vào ngày 26-4-2022. Đại hội là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với công tác Hội ở Trung ương và 45 tổ chức thành viên. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết 5 năm hoạt động nhiệm kỳ V (2017 - 2022), nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, chưa đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm để tổ chức hoạt động Hội hiệu quả hơn trong tình hình mới, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VI (2022 - 2027). Đặc biệt, Đại hội lần này sẽ gắn với Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội (25-4-1992 – 25-4-2022) và Chương trình “Một trái tim- Một thế giới lần thứ XVII.

Tham dự Đại hội có 350 đại biểu chính thức được lựa chọn từ 47 tỉnh, thành Hội, hiệp thương với các cơ quan ở Trung ương, những cá nhân tiêu biểu. Trong đó có 182 đại biểu là nữ, 26 đại biểu người dân tộc, 24 đại biểu tôn giáo. Đặc biệt, có nhiều đại biểu là người khuyết tật hoặc trưởng thành từ trẻ mồ côi nay là cán bộ Hội, là doanh nghiệp hoặc những nhân tố tích cực trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi.

5 năm qua, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã nỗ lực trực tiếp vận động ủng hộ quỹ bằng tiền và hiện vật quy tiền là 2.862 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu mà Đại hội đề ra. Trong đó, vận động nguồn lực trong nước chiếm khoảng 85%, vận động ngoài nước chiếm khoảng 15%. Ngoài ra, Hội đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện các hoạt động trợ giúp đối tổng trị giá gần 300 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho Hội là 190 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 6,2% so với tổng quỹ vận động của Hội để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.

Nhiệm kỳ V, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp, hỗ trợ hơn 16 triệu lượt NKT, TMC và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác, trong đó:

- Tổ chức phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 60.655 người, với tổng số tiền chi là 154 tỷ đồng (nhiệm kỳ IV là 58.900 người, với 116 tỷ đồng).

- Tổ chức phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng cho 3.620 NKT, với tổng số tiền chi là 14,2 tỷ đồng (nhiệm kỳ IV là 8.300 NKT, với 30 tỷ đồng). Tổ chức mổ tim cho 2.095 người, trong đó có 80% số ca là trẻ em, với tổng số tiền là 94 tỷ đồng.

- Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 845.000 lượt người với số tiền là 146 tỷ đồng.

- Hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 218.000 NKT, TMC và một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo với số tiền là 37 tỷ đồng.

- Tặng 42.900 xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ cho NKT, trị giá 97 tỷ đồng (nhiệm kỳ IV là 51.900 xe, với 100 tỷ đồng).

- Tặng 20.000 xe đạp cho trẻ mồ côi, khuyết tật (có khả năng sử dụng) với tổng trị giá 30 tỷ đồng (nhiệm kỳ IV là 18.900 xe, 26,9 tỷ đồng).

- Xây mới, sửa chữa 6.880 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho NKT, TMC nghèo với số tiền 220 tỷ đồng.

- Hỗ trợ xây dựng 3.951 đường tiếp cận tại nhà ở của NKT và tại các trụ sở, trạm y tế, nhà văn hóa tại thôn, xã trị giá 3,85 tỷ đồng.

- Hỗ trợ xây dựng 1.580 công trình vệ sinh, trị giá 7 tỷ đồng. - Hỗ trợ cải thiện 2.227 hệ thống nước sinh hoạt, trị giá 16,1 tỷ đồng.

- Trợ cấp thường xuyên cho 134.800 người với tổng số tiền 77,5 tỷ đồng (ngoài trợ cấp của Nhà nước).

- Tặng 68.129 suất học bổng, với tổng trị giá 80 tỷ đồng (nhiệm kỳ IV là 66.800 suất, với 50 tỷ đồng). Đặc biệt nhiều tỉnh, thành Hội đã triển khai và mở rộng việc tặng học bổng thường xuyên cho HSSV nghèo, tạo thuận lợi cho các em thực hiện được ước mơ học tập của mình.

- Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 2,5 triệu lượt người, với tổng số tiền chị là 737 tỷ đồng.

- Đã tổ chức đào tạo nghề cho 7.500 NKT với tổng kinh phí là 42 tỷ đồng, hơn 70% được tạo việc làm, có thu nhập (nhiệm kỳ IV là 11.800 NKT được dạy nghề, kinh phí 44,7 tỷ đồng).

- Hỗ trợ vốn để làm kinh tế cho 6.200 người, trị giá 41,5 tỷ đồng. - Hỗ trợ vật nuôi cho 2.117 hộ gia đình, trị giá 22 tỷ đồng.

- Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các tổ chức Hội đã triển khai hỗ trợ NKT, TMC tại 187 xã xây dựng nông thôn mới, trợ giúp cho 18.110 lượt người hưởng lợi với tổng số kinh phí (tiền, ngày công lao động, hiện vật và các đóng góp khác quy ra tiền) là 29,4 tỷ đồng. Nhiệm kỳ IV, Chương trình này được triển khai tại 296 xã, trợ giúp cho 36.000 lượt người với tổng kinh phí 220 tỷ đồng.

- Nhiệm kỳ V của Hội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Năm 2020 - 2021, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, mạnh dạn, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã tập trung hỗ trợ cho 1,152 triệu lượt người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bằng tiền, hiện vật với tổng giá trị là 68 tỷ đồng.

Về xây dựng tổ chức Hội, nhiệm kỳ vừa qua cũng đánh dấu sự phát triển mới với trọng tâm xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh. Đến nay, cả nước có 45 Hội cấp tỉnh; 292 Hội cấp huyện; 2006 Hội cấp huyện và 1.565 chi Hội; 5.938 hội viên tập thể và 566.335 hội viên cá nhân. Hội còn chú trọng tham gia công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đến nay, Hội có quan hệ hợp tác với khoảng 150 tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Nhận định về hoạt động Hội nhiệm kỳ V, ông Lương Phan Cừ cho biết: “Hội đã chú trọng triển khai các chương trình hỗ trợ gần hơn với nhu cầu của NKT, TMC, đặc biệt là chăm lo cho các đối tượng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Xu hướng đưa hoạt động bảo trợ theo cách tiếp cận mới dựa trên quyền đã đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, thu hẹp dần cách trợ giúp theo chiều rộng, mang tính từ thiện, nhân đạo thuần túy”.

THANH HƯƠNG