Một tượng đài
Có một chiếc xe tăng từ lâu đã là một tượng đài - cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này trong lòng quân và dân Tây Nguyên. Đó là chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 377, thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn xe tăng 297 (Mặt trận Tây Nguyên) nay thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3). Xe tăng 377 đã cùng các chủ nhân anh dũng của mình: Nguyễn Nhân Triển, Trần Văn Vịnh, Nguyễn Đắc Lượng, Hoàng Cao Ái hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ tham gia tiến công tiêu diệt cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở Tây Nguyên.
Mờ sáng ngày 24-4-1972, sau đòn sấm sét cuối cùng của pháo binh ta giáng xuống căn cứ Tân Cảnh - trung tâm chỉ huy tập đoàn phòng ngự của địch ở bắc Tây Nguyên, các chiến sĩ Trung đoàn 66 (Mặt trận Tây Nguyên) và xe tăng ta từ hai hướng đông và tây bắc ào ạt vượt qua cửa mở tiến vào căn cứ địch. Trận đánh diễn ra ác liệt ngay từ phút đầu. Trên trời ,máy bay địch gầm rít ném bom, phóng rốc két, địch trong căn cứ nã đạn xối xả. Vỏ thép của những chiếc xe tăng T54 liên tục lóe sáng vì mảnh bom và các cỡ đạn địch. Trên hướng tây bắc, mũi đột phá của Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) và Trung đội xe tăng 3 (Đại đội 7) dũng mãnh tiến công. Ngay từ loạt đạn đầu, xe tăng 377 và xe 352 đã bắn sập đài quan sát, tháp nước. Sau đó cùng xe 369 phối hợp với các chiến sĩ Tiểu đoàn 8 lần lượt đánh chiếm khu cố vấn Mỹ, khu kỹ thuật và trại lính, bắn cháy 3 xe tăng địch, phá hủy nhiều lô cốt, ụ súng…, góp phần làm chủ căn cứ Tân Cảnh.
Ngay từ khi thấy khả năng căn cứ Tân Cảnh bị tiêu diệt, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã lệnh cho pháo chuyển làn bắn vào căn cứ Đắc Tô 2. Khoảng 8 giờ cùng ngày, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định điều một trung đội xe tăng thuộc Đại đội tăng 7 và một cao xạ 57 ly tự hành thuộc Đại đội pháo cao xạ 53 (Tiểu đoàn xe tăng 297) cơ động theo đường 18 lên hiệp đồng với Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đánh thẳng vào chỉ huy sở Trung đoàn 47 ngụy ở căn cứ Đắc Tô 2. Qua vô tuyến điện, Trung đội tăng 3 gồm các xe 377, 352, 369 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy, nhận nhiệm vụ. Thời gian thúc bách, không kịp chuẩn bị, không thuộc địa hình, không nắm được địch, lại chưa bắt liên lạc được với đơn vị bạn, trong khi máy bay địch quần đảo, bắn phá rất ác liệt hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta, nhưng Trung đội 3 vẫn xuất kích, vừa tìm đường hành tiến, vừa quan sát nắm địa hình, nắm địch. Xe tăng 377 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển trực tiếp làm trưởng xe đến Đăk Tô 2 sớm nhất. Lúc này, hai xe tăng 352 và 369 cùng bộ binh chưa lên kịp. Địch ở Đăk Tô 2 đã điều 10 xe tăng M41 chia hai mũi vây đánh xe tăng 377. Một mình giữa bầy xe địch nhưng các chiến sỹ xe tăng 377 vẫn bình tĩnh lợi dụng từng bức tường, từng ụ đất, cơ động từ vật che khuất này đến lá chắn tại chỗ khác, linh hoạt và chính xác lần lượt bắn cháy 7 xe tăng địch. Khi hai xe 352 và 369 kịp lên chi viện tiêu diệt 1 xe tăng M41 khác của địch cũng là lúc xe tăng 377 trúng đạn địch bốc cháy, toàn bộ kíp xe gồm: Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trung đội trưởng kiêm Trưởng xe, quê xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc; Hạ sĩ Trần Văn Vịnh - lái xe, quê xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú; Hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng - pháo thủ, quê xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Vĩnh Phú; Hạ sĩ Hoàng Cao Ái - pháo thủ, quê xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trú quán phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) đều anh dũng hy sinh. Sau đó ít phút, các chiến sĩ Trung đoàn 1 cùng xe tăng ta từ các hướng đồng loạt xung phong tiến công làm chủ căn cứ Đăk Tô 2. Đến đây, trận tiến công cụm cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh kết thúc thắng lợi. Ta đánh sập hoàn toàn tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở bắc Tây Nguyên. Xóa sổ một lực lượng lớn quân địch tương đương 1 sư đoàn tăng cường.
Sau này, nhiều cuộc tổng kết, hội thảo của Mặt trận Tây Nguyên và Quân đoàn 3 đều thống nhất đánh giá: Trận tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh là trận đánh linh hoạt, táo bạo, quyết đoán của người chỉ huy binh chủng hợp thành và người chỉ huy phân đội xe tăng. Đặc biệt, Trung đội tăng 3 và tập thể Kíp xe tăng 377 dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển, trong hoàn cảnh không có thời gian chuẩn bị vẫn chấp hành mệnh lệnh một cách sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, chủ động tiến công tiêu diệt địch và lập công xuất sắc, lập kỷ lục cao nhất về hiệu suất chiến đấu của bộ đội xe tăng Việt Nam: 1 xe tăng ta tiêu diệt 7 xe tăng địch trong một trận đánh.
Với chiến công đặc biệt xuất sắc và sự hy sinh anh dũng, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và sau này là Quân đoàn 3 nhiều lần lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Kíp xe tăng 377. Nhưng do quy định ở những thời điểm đó, chỉ xét phong tặng danh hiệu Anh hùng cho các tập thể từ cấp đại đội trở lên. Tuy chưa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng ngay từ giờ phút ấy, tập thể kíp xe tăng 377 thực sự là những người anh hùng, một tượng đài của lòng quả cảm trong lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chiếc xe tăng 377 hiện được lưu giữ trong Nhà truyền thống huyện Đăk Tô. Phần hài cốt của các thành viên kíp xe được quy tập về Nghĩa trang Đăk Tô, nơi các anh đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho đất nước.
Công cuộc đổi mới đã đưa đất nước phát triển về mọi mặt. Cùng với sự đổi mới tư duy về kinh tế, Đảng ta cũng không ngừng đổi mới tư duy về chính trị, trong đó có công tác thi đua - khen thưởng. Và ngày 9-1-2009, Kíp xe tăng 377 được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hiện nay, ở trung tâm huyện lỵ Đăk Tô (Kon Tum), tại ngã ba đường 14 và đường 18, chiếc xe tăng 377 được đặt ở vị trí trang trọng trong quần thể tượng đài chiến thắng - một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Vào những ngày lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến đặt những bó hoa tươi thắm trên bệ xe tăng để tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.
Hùng Tấn