Mở mặt trận trên cao - Đánh thắng trận đầu
Phi công Không quân Nhân dân Việt Nam đã gây kinh hoàng cho lực lượng không quân Mỹ những năm 1965-1975.
Theo thông tin từ mạng tình báo chiến lược, ngày 3-4-1965, một số biên đội cường kích của không quân Mỹ sẽ đánh phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và một số mục tiêu xung quanh cầu. Mật danh của trận không kích này là Alpha 9; theo đó, địch huy động 79 máy bay để đánh phá mục tiêu và chế áp MiG của Không quân ta. Đội hình tấn công do Trung tá Robinson Risner - Chỉ huy trưởng Phi đoàn không quân tiêm kích chiến thuật số 67 chỉ huy.
Với ý nghĩa mở mặt trận trên không và quyết tâm đánh thắng trận đầu, đích thân Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, Chính ủy Quân chủng Đặng Tính và Phó Tham mưu trưởng Hoàng Ngọc Diêu trực tại Sở Chỉ huy Quân chủng. Kíp trực ban dẫn đường có: Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư. Tại Sở chỉ huy Trung đoàn 921, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện chủ trì; Bùi Quang Liên và Phạm Minh Cậy là sĩ quan dẫn đường.
Sau khi phân tích các thông tin tình báo và các động thái của không quân Mỹ những ngày trước đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ chiến đấu cho các biên đội trực ban:
- Từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), Biên đội tiến công gồm: 4 máy bay MiG-17A. Phạm Ngọc Lan số 1 (máy bay số 2310), Phan Văn Túc số 2 (số 2118), Hồ Văn Quỳ số 3 (số 2312), Trần Minh Phương số 4 (số 2318), có nhiệm vụ đánh tốp cường kích bắn phá cầu Hàm Rồng và khu vực Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
- Biên đội nghi binh, thu hút tiêm kích và sẵn sàng yểm hộ cho biên đội tiến công, gồm: 2 máy bay MiG-17A. Trần Hanh số 1 (máy bay số 2316), Phạm Giấy số 2 (số 2416).
Đây là trận đầu mở mặt trận trên không của Không quân Việt Nam, nên từ Bộ Tư lệnh Quân chủng đến các phi công và lực lượng phục vụ đều quyết tâm đánh thắng. Mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến xuống các phi đội từ tối ngày 2-4-1965. Lúc 5 giờ 30 phút ngày 3-4, các biên đội trực chiến đã sẵn sàng.
7 giờ ngày 3-4, máy bay của hải quân Mỹ bay vào trinh sát thời tiết và các mục tiêu trọng điểm. Lúc 9 giờ 40 phút, Sở Chỉ huy và các trạm quan sát phát hiện máy bay Mỹ đang bay vào đánh phá cầu Hàm Rồng, cầu Tào, Đò Lèn trên đường số 1 thuộc địa phận Thanh Hóa.
Ngay từ những phút đầu, Trung đoàn phòng không 234 và lực lượng phòng không địa phương chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 1 máy bay A-4C, bắt được Thiếu tá Raymond Arthur Vohden nhảy dù.
Lúc 9 giờ 45 phút, cả hai biên đội trực chiến được lệnh vào cấp 1 và mở máy ngay. Lúc 9 giờ 47 phút, biên đội 2 chiếc nghi binh cất cánh, bay vào vùng trời Ninh Bình ở độ cao 6.000m. Một phút sau, biên đội tiến công gồm: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương cất cánh. Sau khi rời mặt đất, biên đội xuyên mây, bay theo hướng 210 độ.
10 giờ 5 phút, Sở Chỉ huy lệnh cho biên đội bay theo hướng 70 độ; đến 10 giờ 9 phút, số 4 Trần Minh Phương báo cáo phát hiện mục tiêu 6 chiếc F-8 bên phải đang bay đối đầu, một số chiếc khác đang công kích các trận địa pháo phòng không xung quanh cầu Hàm Rồng, Đò Lèn. Trong khi đó, phía trên cao là một số máy bay F-4B làm nhiệm vụ đánh chặn MiG. Nhưng vì thời tiết xấu nên tốp F-8 bị mất mục tiêu sau khi công kích lần đầu. Cùng lúc, tốp F-8 thứ hai, do Thiếu tá Spense Thomas dẫn đầu từ độ cao 3.300m cũng lao xuống công kích các mục tiêu mặt đất.
Ngay khi phát hiện mục tiêu, số 1 MiG-17 Phạm Ngọc Lan lập tức ra lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tăng tốc tiếp cận đội hinh F-8!”; biên đội tách thành hai tốp. Sau khi cắt bán kính, bám theo mục tiêu, số 1 MiG-17 lệnh cho số 2 Phan Văn Túc vào công kích; số 2 lập tức vòng gấp về phía chiếc F-8, số 1 vòng theo yểm hộ. Đúng lúc đó, chiếc F-8 cũng phát hiện ra MiG, vòng gấp vào để không chiến. Lúc này chiếc F-8 thứ hai đã mất đội hình; chiếc F-8 của Thiếu tá S.Thomas sau khi thoát ra khỏi công kích đang kéo vọt lên ở độ cao 3.300m tìm kiếm F-8 số 2 đang lẫn vào trong mây, thì số 1 Phạm Ngọc Lan đã nhanh chóng bám phía sau, đưa được chiếc F-8 vào vòng ngắm; đến đúng cư li, anh bóp cò, chiếc F-8 trúng đạn, bốc cháy, lao xuống đất, đúng vào lúc 10 giờ 14 phút, ngày 3-4-1965. Đây là giờ phút lịch sử, khi MiG của Không quân Việt Nam lần đầu tiên bắn hạ máy bay F-8 của hải quân Mỹ trong không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Thấy máy bay của mình trúng đạn, lúc đầu, Thiếu tá S.Thomas tưởng là dính đạn pháo phòng không, nhưng khi ngoái lại phía sau, ông ta thấy 4 chiếc MiG đang bám theo các máy bay Mỹ. Cùng lúc Phạm Ngọc Lan bắn hạ chiếc F-8 số 1, thì số 2 Phan Văn Túc phát hiện chiếc F-8 số 2. Từ phía sau và ở độ cao hơn, Túc nhào xuống bắn một loạt đạn, chiếc F-8 trúng đạn, bốc cháy, lao xuống đất.
Lúc 10 giờ 15 phút, số 3 và số 4 MiG-17 cũng phát hiện mục tiêu, báo cáo xin công kích. Cả hai chiếc MiG bám theo chiếc F-8 số 4. Hồ Văn Quỳ bám theo chiếc F-8 rất quyết liệt và bắn 2 loạt đạn dài, nhưng do cự ly bắn còn xa, nên đối phương bay thoát ra biển.
Quá bất ngờ bị MiG tiến công, các máy bay F-8 bật tăng lực bỏ chạy, bỏ mặc các máy bay cường kích F-4 không có lực lượng hộ tống. Lập tức, số 1 Phạm Ngọc Lan sau khi bắn hạ chiếc F-8 đã lao qua đám mây, bám theo tốp F-4, nổ một loạt đạn, nhưng không trúng mục tiêu. Phát hiện phía trước là biển, anh cho máy bay quay về sân bay.
Với số 4 Trần Minh Phương, trong quá trình bay yểm hộ số 3, phát hiện 1 máy bay địch ở bên phải, phía sau, đã quay lại phản kích hai lần, nhưng chiếc F-8 này đã bay ra biển, chạy thoát.
Nhận được lệnh thoát ly từ Sở Chỉ huy, số 2, số 3 và số 4 lần lượt hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. Riêng số 1 Phạm Ngọc Lan, do máy bay hết dầu, đã quyết định hạ cánh bắt buộc xuống một dải cát ven sông Đuống. Phi công an toàn; máy bay sau đó được đưa về khôi phục và bay lại.
Trận không chiến ngày 3-4-1965, Biên đội MiG-17, gồm Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương đã bắn hạ 2 máy bay F-8 của hải quân Mỹ. Như vậy, Không quân Việt Nam mở mặt trận trên không và ngay từ trận đầu đã giành chiến thắng vang dội.
Duy Nguyễn
Biên soạn theo “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía”