Cựu binh xây 25 cầu dân sinh
Ông Nguyễn Đình Phùng nhận hoa và giấy chứng nhận của địa phương trao khi bàn giao cầu Phùng Hiệp 25, ngày 3/3. Ảnh: Đắc Thành
Được bạn bè khuyên "già rồi để tiền mà ăn, cầu có nhà nước lo", ông Nguyễn Đình Phùng không nghe, hàng tháng tích cóp lương hưu xây cầu cho dân.
Đầu tháng 3, ông Phùng, 79 tuổi, từ nhà ở phường An Xuân đến thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, bàn giao cầu mang tên Phùng Hiệp 25 cho chính quyền sở tại. Cầu dài 4 m, rộng 3,5 m với kinh phí 55 triệu đồng. Đây là cầu thứ 25 do ông Phùng bỏ tiền xây dựng cho người dân ở Quảng Nam.
Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Quốc, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Mỹ, cho biết chính quyền và người dân rất biết ơn tấm lòng của ông Phùng. "Hàng chục năm qua, người dân đi lại gặp khó khăn, nhưng từ nay đã thuận lợi hơn, không còn cảnh đi qua mương nước bị té ngã", ông Quốc nói.
Ông Phùng sinh ra ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh. Lúc 19 tuổi, ông vào quân ngũ, được đào tạo chiến sĩ đặc công. Tham gia nhiều trận đánh, ông bị thương rồi ra Bắc điều trị. Năm 1969, ông về công tác tại Tỉnh đội Thanh Hóa, sau đó về tỉnh đội Quảng Nam làm việc.
Sau 14 năm tham gia quân đội, ông chuyển qua công tác ngành tòa án. Năm 1993, ông về hưu với chức vụ Chánh án tòa án thị xã Tam Kỳ, nay là TP Tam Kỳ. Vợ ông là giáo viên cấp hai, hai người sinh được hai con gái và một con trai. Hiện ba người con đã trưởng thành, có công việc ổn định.
Năm 2014, ông dùng tiền tích lũy và tiền các con chuyển về mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng cao huyện Nam Trà My. Sau hai năm, ông thấy việc này không hiệu quả. Ý tưởng làm cầu dân sinh chợt đến khi năm 2016, người con trai lập nghiệp ở TP HCM cùng một người tên Hiệp bỏ tiền xây cầu dân sinh miễn phí ở Bến Tre. Công trình hoàn thành, ông bàn với con trai và ông Hiệp hỗ trợ cho Quảng Nam.
Giải thích lý do xây cầu, ông Phùng kể mỗi lần về thăm quê xã Tam Dân, khi qua thôn Kỳ Tân thấy tuyến đường liên thôn chạy qua mương nước làm tràn thấp hơn mặt đường. Đoạn đường thẳng, phương tiện lưu thông tốc độ cao, khi đến tràn xử lý không kịp. Nơi đây từng có hai người gặp nạn tử vong, 21 người bị thương, hai ôtô vỡ lốc máy.
Không chỉ xã Tam Dân, ông Phùng thấy ở Quảng Nam có nhiều cầu tre tạm bợ, người dân đi qua bị té ngã, tử vong. "Chứng kiến những cảnh này thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thiết thực. Và tôi huy động tiền từ người thân trong gia đình xây cầu", ông nói.
Là thương binh với cánh tay phải khó hoạt động, song ông vẫn đi xe máy đến nhiều nơi khảo sát. Tại mỗi điểm dự định làm cầu, ông chụp ảnh gửi cho con trai. Quá trình xây dựng, ông gọi thợ đến thiết kế, tính toán. Dự toán hoàn tất, ông ký hợp đồng với thợ theo kiểu chìa khóa trao tay.
Hơn 5 năm qua, bằng nguồn hỗ trợ của các con, cùng số tiền tích góp cá nhân, ông Phùng xây được 25 cây cầu. Mỗi cây cầu được đặt tên, đánh số từ Phùng Hiệp 1 cho đến Phùng Hiệp 25. "Phùng là tên tôi, Hiệp là người cùng con trai xây cầu ở miền Tây ghép lại mang ý nghĩa hợp lực", ông giải thích và cho biết bình quân mỗi cầu hết khoảng 60 triệu đồng. Trong tổng số tiền bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng, ông nhận được sự giúp đỡ của hai người gần 10 triệu đồng.
Thấy ông vất vả xây cầu, bạn bè khuyên "già rồi để tiền mà ăn, cầu có nhà nước lo, tội gì làm". Có người nhận xét ông dại, làm công việc bao đồng, song ông mặc kệ. Thấy nơi nào chưa có cầu, ông huy động tiền của xây cho bằng được.
Tuổi già sức yếu, vợ chồng ông Phùng mỗi tháng nhận hơn 15 triệu đồng lương hưu. Số tiền này ông bà chi tiêu, thuốc men lúc đau ốm, còn dư giả góp vào số tiền con gửi về xây cầu. "Mỗi cây cầu hoàn thành, tôi nhận được những lời cảm ơn của người dân. Đây là niềm vui để tôi tiếp tục công việc", ông nói và chia sẻ tiếp tục cùng con mỗi năm xây bốn cây cầu.
Ông Đỗ Văn Thương, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường An Xuân, nói ông Phùng về hưu làm Bí thư chi bộ khối phố 2 gần 25 năm mới nghỉ. Ngoài xây cầu, hàng năm vào dịp Tết, gia đình ông Phùng trao hơn 50 suất quà cho các gia đình khó khăn tại địa phương, mỗi suất trị giá 400.000 đồng.
Đắc Thành