Đi giữa mùa cam Vũ Quang
Lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh và huyện Vũ Quang kiểm tra chất lượng cam vườn đồi của một số hộ gia đình CCB.
Chúng tôi lên Vũ Quang vào những ngày cuối năm Tân Sửu, bắt gặp không khí hân hoan, náo nhiệt; hàng đoàn xe xếp đầy cam nối đuôi nhau chuẩn bị đưa cam về xuôi tỏa đi các vùng miền tiêu thụ. Niềm vui được mùa cùng với niềm vui đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) và vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba dường như đang hiện hữu trên gương mặt người dân huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Niềm vui nhân gấp bội
CCB Nguyễn Đình Ninh - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Vũ Quang, năm này 65 tuổi, cũng là Chủ nhiệm HTX trồng cam xã Hương Minh vui vẻ: "Bao nhiêu năm trồng cam, nhưng năm nay cam được mùa nhất các chú ạ. Suốt cả tháng nay không khí vui vẻ, tấp nập, mua bán diễn ra khắp địa bàn huyện; nhiều gia đình vui mừng vì cam bán được giá, lại chào hàng ngay trên các sàn giao dịch điện tử, livestream…"
Ông Ninh rời quân ngũ trở về địa phương đã mấy chục năm, là người tiên phong đứng ra nhận đất rừng khai thác trồng keo, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, chăn nuôi lợn, gà. Ngoài hơn 20ha đất rừng trồng cây nguyên liệu, ông Ninh đầu tư chăm sóc 2ha cam, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Ông tâm sự: Cam được mùa, trời có thương không thì chưa ai dám nói, nhưng năm nay lũ lụt ít hơn, dịch bệnh Covid chưa đến mức căng thẳng như các huyện khác; thời tiết cũng có chút thuận lợi… Nhưng trước hết phải khẳng định là do người trồng trọt, các chủ trang trại đã được bồi dưỡng nhiều hơn về kỹ thuật trồng ghép, bảo vệ chăm sóc vườn cam ngay từ khi ra hoa, kết trái; từ việc phát cỏ, bọc bao, trùm màn, thắp điện, dùng bẫy bắt sâu hại, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể, bài bản của các cơ quan chức năng về việc tìm đầu ra cho sản phẩm mang thương hiệu cam Vũ Quang.
Đến các xã Đức Lĩnh, Đức Hương, Đức Giang, Quang Thọ… gặp các chủ trang trại là hội viên CCB, ai cũng hồ hởi, phấn khởi vì một mùa cam sai trĩu quả, lại bán được giá nhờ thay đổi phương thức bán hàng. CCB Nguyễn Tân ở xã Đức Lĩnh cho biết: trước đây người trồng cam thụ động cách bán hàng phụ thuộc vào thương lái, nhưng nay chủ động về phương thức bán hàng, tiếp cận, kết nối với khách hàng nhờ livestram, có thể gặp trực tiếp hoặc tư vấn trên mạng, vừa tránh được dịch bệnh, vừa rất hiệu quả. CCB Đinh Văn Đề ở xã Đức Hương tâm sự: Địa bàn xã chúng tôi ở xa phố thị, đi lại ngày xưa rất khó khăn, nay nhờ phong trào nông thôn mới nên đường sá thênh thang, xe vào tận nhà, tận cửa, tận trang trại. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền; xác định đưa cây cam là cây chủ lực xoá đói, giảm nghèo và thực sự sẽ làm giàu cho người dân Vũ Quang.
Chị Đoàn Thị Bích ở xã Quang Thọ cho rằng: Nhờ các cơ quan chức năng của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn giao dịch sàn điện tử, livestram trên các trang mạng xã hội như facebok, zallo nên nỗi lo bán hàng trong mùa dịch đã được giải toả; trước đây mỗi ngày chỉ bán được vài ba tạ, nhưng nay có ngày lên tới 1 đến 2 tấn; chúng tôi rất vui và cảm ơn chính quyền, đoàn thể hỗ trợ thay đổi phương thức bán hàng…
Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NNPTNT của huyện vui mừng chia sẽ: Đây là vụ cam được mùa nhất từ trước tới nay, ước tính sản lượng cam của toàn huyện đạt khoảng gần 30.000 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2020), nếu bán được mức giá bình quân 20.000 đồng/kg thì năm nay nông dân Vũ Quang sẽ thu về khoảng 600 tỷ đồng...
Vùng quê nghèo… trỗi dậy
Vũ Quang là huyện miền núi, biên giới; hằng năm phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ; lại còn phải đối mặt với đại dịch Covid-19; vậy mà có được một mùa cam cho năng suất cao như trong mơ vậy? Nỗi băn khoăn được các lãnh đạo huyện cho biết: Vũ Quang với lợi thế và tiềm năng đất đai, những năm qua huyện đã nỗ lực xây dựng hàng trăm mô hình trồng cam cho thu nhập khá, góp phần xoá đói, giảm nghèo, làm giàu cho quê hương và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện Vũ Quang hiện có gần 2.600ha cam, trong đó gần 2.000ha cho thu hoạch. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với việc người dân chủ động chăm sóc và tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nên cam cho năng suất cao (15 tấn/ha). Huyện cũng nhận định: Vụ cam năm nay bước vào thu hoạch chính vụ sẽ gặp nhiều khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương linh hoạt kết nối thị trường và xúc tiến đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ.
Về phía huyện, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm cam, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp Vũ Quang đã xây dựng kế hoạch, bàn giải pháp hỗ trợ nhân dân trong việc tiêu thụ cam trong mùa dịch Covid-19. Trước hết, huyện tập trung công tác tuyên truyền hướng nội và hướng ngoại, tăng thời lượng và số lượng các tin, bài, phóng sự, hình ảnh về thương hiệu sản phẩm cam Vũ Quang để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến; viết “Thư ngõ” đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng,… giới thiệu về sản phẩm, cung cấp danh sách các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, chất lượng tại huyện; các phòng, ngành, đoàn thể lồng ghép và đa dạng các hình thức tuyên truyền đến nhân dân về tình hình dịch bệnh và chủ động điều chỉnh trong hình thức thu hoạch, giá bán, phương thức vận chuyển cam phù hợp trong vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Sở Công thương làm việc với Bộ Công thương và các sàn thương mại điện tử lớn để xây dựng gian hàng cam Vũ Quang trên Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Hatiplaza.com (Sàn TMĐT Hà Tĩnh) để kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ cam của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc điện tử đối với sản phẩm cam Vũ Quang để thuận lợi trong việc kết nối lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và tiếp cận các siêu thị, cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh…
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà Tân - Bí thư Huyện uỷ không dấu nổi niềm vui: Huyện Vũ Quang vừa được Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba. Vui lắm, mừng lắm đây là kết quả của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân tâm huyết với một huyện nghèo miền núi… Gương mặt của chị Tân càng hiện rõ niềm vui khi nói đến mùa cam: “Vừa mừng, vừa lo; mừng vì cam được mùa, lo cho đầu ra của sản phẩm. Xác định được sự khó khăn trong tiêu thụ năm nay nên các nhà vườn đã chủ động có các phương thức bán hàng mới thích ứng với chống dịch; các địa phương, ngành chức năng cũng vào cuộc hỗ trợ nông dân từ sớm như chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn liên quan vận chuyển… nên dù cam năm nay sản lượng cao hơn nhiều năm trước nhưng đã tiêu thụ được trên 2/3; giá cả cơ bản ổn định. Người dân từng biết hợp tác, chia sẽ kinh nghiệm trong sản xuất , kinh doanh để hạn chế tối đa các chi phí, từng bước xây dựng cộng đồng nhà vườn mạnh, xây dựng vùng cam Vũ Quang phát triển…”.
Vũ Quang, một vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh giờ đang vươn mình trỗi dậy, có niềm vui nào hơn khi đường lối chủ trương của Đảng được người dân đón nhận và biến thành sự thật, phát huy đúng tiềm năng, lợi thế; đó là xác định cam là cây chủ lực góp phần xoá đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương Vũ Quang… mùa xuân Nhâm Dần sắp gõ cửa, chúng tôi đang đi giữa niềm vui của nhân dân và Đảng bộ huyện Vũ Quang.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi