Trạm kiểm soát Biên phòng đặt trên lãnh địa voi rừng
Trạm Kiếm soát BP Cao Vều đóng trên giáp cột mốc 443 nơi không có điện lưới, sóng điện thoại, nước sinh hoạt, đường và thời tiết khắc nghiệt với 1 ngày 4 mùa
Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Cao Vều (thuộc Đồn BP Phúc Sơn, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) đóng trên đỉnh Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn nơi thường xuyên hoạt động của bầy voi rừng vườn Quốc gia Pù Mát. Đây cũng là Trạm KSBP có nhiều khó khăn, vất vả với 4 không: Không đường, không điện lưới, không sóng điện thoại, không nước …
Trạm Kiểm soát 4 không
Đồn Biên phòng Phúc Sơn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An (đóng trên địa bàn xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) quản lý, bảo vệ 5 cột mốc từ 443 đến 447 cùng một mốc dấu với độ dài đường biên giới 19,3 km dọc tuyến tiếp giáp huyện Xăy Chăm Pon, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, nước bạn Lào. Đoạn biên giới Đồn Biên phòng Phúc Sơn quản lý, kiểm soát có địa hình phức tạp, hiểm trở. Những năm qua, cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Phúc Sơn đã tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, giúp dân xóa đói giảm nghèo, góp phần củng cố thế trận Biên phòng toàn dân trong thế trận Quốc phòng toàn dân và thế trận An ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Để kiểm soát người và phương tiện qua lại giữa hai nước nên Bộ chỉ huy BP tỉnh Nghệ An cùng với chính quyền địa phương đã thành lập Trạm kiểm soát BP Cao Vều. Trạm được đặt cách cột mốc khoảng 2km để phối hợp cùng Trạm kiểm soát Đại đội 225, bộ đội BP Lào và Công an Lào để giám sát người, phương tiện qua lại hai bên biên giới cũng như tuần tra, đảm bảo an ninh đường biên, bảo vệ cột mốc chủ quyền.
Con đường lên trạm dài 18km là con đường đất nhỏ, dốc lên thẳng đứng qua những khu vực rừng sản xuất rồi đến những thảm rừng già nên phải mất gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được trạm. Lúc chúng tôi đến nơi đã gần trưa của những ngày đầu hè nắng nóng rát cả da.
“Hôm nay, các anh lên nắng nên đường dễ đi đó, chứ gặp trời mưa xe máy cũng không lên được mà chỉ phải đi bộ thôi”, một cán bộ tại trạm đón chúng tôi cho biết.
Nơi đây, mỗi ngày khí hậu ngày có tới kiểu dạng 4 mùa. Cán bộ, chiến sỹ công tác và sinh hoạt trong điều kiện không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại; không có nước sinh hoạt, con đường tới trạm cũng gập ghềnh khó đi.
Không những thế mà do nằm ở vùng rừng già còn nhiều thú hoang dã, đất đá non khô cằn nên việc tăng gia, sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Để tránh thú rừng năm 2004, Trạm KSBP Cao Vều đã được xây dựng bằng bê tông, làm bờ rào bao quanh.
Đến hơn 15 giờ chiều khi chúng tôi định trở về nhưng như dự báo của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng tại trạm đã đến, trời bỗng nổi gió to, mây mù kéo đến ùn ùn, sấm chớp liên hồi và một cơn mưa lớn đổ xuống rất nhanh. Giữa tiết trời mùa hè xứ Nghệ nóng ran lúc sáng thì nay chúng tôi phải mượn áo ấm của các chiến sỹ mặc cho ấm vì nhiệt độ xuống thấp. Trận mưa đã giữ chân chúng tôi ở lại trạm một đêm.
19 giờ tối bữa cơm với chủ đạo là rau do các cán bộ, chiến sỹ tại trạm tăng gia cùng ít cá, trứng được dọn ra. Bữa cơm được sáng đèn bởi chiếc máy phát điện do sự quan tâm của hỗ trợ của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh từ mấy năm trước.
“Trạm được biên chế 6 cán bộ, chiến sỹ thường xuyên túc trực làm nhiệm vụ bảo vệ, tuần tra 2 cột mốc 443; 444 cũng như kiểm soát, người và phương tiện qua lại biên giới. Mấy năm trước, được sự quan tâm của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh hỗ trợ anh em máy phát điện. Nhưng mỗi ngày cũng chỉ dám chạy vài tiếng để ăn cơm, sạc các thiết bị điện như điện thoại, đèn pin … để làm nhiệm vụ. Còn nữa tối thui bởi tiền dầu đâu cho đủ, với máy cũng không tải nổi được các anh ạ”, Thiếu tá Nguyễn Như Long, quyền Trạm trưởng Trạm Kiểm sát BP Cao Vều bày tỏ.
Trong bữa cơm mới biết cái khổ nhất ở đây là thiếu nước, nước chứa trong bể là nước mưa cũng chỉ dám để dùng nấu cơm. Còn mỗi chiều anh em trong trạm lại thay phiên nhau xuống khe cách đó gần 1 tiếng đi xe máy để tắm và tiện mang thêm vài can nước về để tưới rau, cho vật nuôi tại trạm uống.
Thực phẩm cũng hết sức thiếu thốn, hàng tuần các chiến sỹ lại thay nhau xuống Đồn để tiếp phẩm. Những ngày mưa gió thực phẩm chủ yếu là cá khô, lạc và trứng, rau xanh tự tăng gia tại chỗ được.
Hơn 20h, tiếng nổ của chiếc máy phát dừng cả trạm lại chìm trong bóng tối cùng với cái giá lạnh nơi núi rừng. Cả trạm chỉ còn 2 đốm sáng leo lét từ chiếc đèn pin và đèn tích điện của hai đồng chí gác tại cổng trạm.
Vừa chống dịch vừa cảnh giác voi rừng
Từ tháng 3/2020, do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp việc kiểm soát người, phương tiện qua biên giới càng cần sát sao để tránh tình trạng xâm nhập bất hợp pháp. Chính vì vậy ngoài Trạm Kiểm soát thì Đồn BP Phúc Sơn đã lập thêm một trạm chốt trên tuyến đường này.
Nhưng do địa bàn đóng Trạm và Chốt chống dịch nằm nơi khu vực rừng rậm có nhiều loài động vật hoang dã sinh sống, đặc biệt là voi rừng. Theo như các cán bộ chiến sĩ tại đây, đàn voi rừng có từ 12 đến 14 con, được tách thành 3 đàn nhỏ. Trong đó, đàn nhiều nhất là 6 con sống ở khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Anh Sơn, huyện Thanh Chương và nước bạn Lào. Một đàn khác khoảng 3-5 con sống ở khu vực rừng thượng nguồn Khe Thơi, xã Tam Quang, huyện Tương Dương; đàn còn lại sống ở khu vực rừng Khe Nóng, Khe Kèm thuộc 2 xã Lục Dã và Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Đàn voi thường kiếm ăn ở vườn quốc gia Pù Mát và một số khu vực lân cận như xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Trước đây, những cánh rừng ở xã Phúc Sơn bạt ngàn nứa và chuối, loại thức ăn yêu thích của voi. Đến năm 2009, khoảng 4.000 ha rừng ở vùng ven vườn quốc gia bị đốn hạ để công ty lâm nghệp trồng cao su khiến voi phải lùi sâu vào rừng, nguồn thức ăn khan hiếm, môi trường sống thu hẹp.
Đặc biệt là sau khi một con voi đực đầu đàn bị sát hại để lấy ngà vào tháng 3/2011, chúng thường xuyên về bản kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu và xảy ra xung đột với người dân, hậu quả là nhiều người bị voi rừng quật chết hoặc bị thương.
Để đề phòng voi rừng bất ngờ “ghé thăm”, các cán bộ, chiến sĩ đã làm hệ thống hàng vào cảnh báo đơn giản bằng chuông. Chuông sau khi được mua tại chợ dưới bản sẽ được nối với các sợi dây dù. Vòng ngoài bao quanh khu vực dựng chốt, vòng trong được chăng sát ngôi nhà. Nếu voi có xuất hiện, hệ thống sẽ phát ra tiếng kêu để cảnh báo.
Không những thế, các chiến sĩ còn chuẩn bị thêm những khúc củi lớn chất thành từng đống, phía trên được bọc những vật liệu dễ cháy để củi nhanh bắt lửa. Bởi theo quan niệm của người dân tộc Thái sinh sống tại đây cho biết, đánh trống, đốt lửa, hò hét lớn có thể xua đuổi voi về rừng.
Nhớ lại lần chạm mặt voi rừng, thiếu tá Nguyễn Văn Lịch cho hay, vào một buổi trưa tháng 10/2020, khi tất cả ăn anh em trong tổ chốt đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa thì bất ngờ tiếng chuông kêu liên hồi, bụi nứa ở ngay sát bên cạnh bị xô đổ, đàn voi gồm 6 con xuất hiện trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.
“Tôi như chết lặng khi nhìn thấy những con voi cao từ 2-3m, nặng lên đến vài tấn. Chúng không có dấu hiệu dừng lại mà tiến sát về phía ngôi nhà. Không kịp đốt lửa, tôi hô hoán tất cả mọi người nhanh chóng chạy về phía đồn vừa để bảo đảm an toàn, vừa thông báo cho người dân được biết vì trên này sóng điện thoại chập chờn, không giữ được liên lạc”, thiếu tá Lịch nhớ lại.
Riêng Trạm Kiểm soát Cao Vều đã thành lập lâu và cố định nên năm 2004, Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh đã phải xây dựng kiên cố cũng như xây tường bao xung quanh để ngăn voi, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ công tác tại trạm.
Thiếu tá Đặng Thọ Sơn, Đồn phó Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, chiến sĩ và đàn voi, chúng tôi động viên anh em phải tìm các biện pháp xua đuổi đàn voi bằng phương pháp truyền thống, tuyệt đối không dùng vũ khí tấn công, kích động hay gây nguy hiểm cho voi rừng. Bởi voi rừng là loại động vật được Nhà nước đưa vào danh mục sách đỏ cần bảo tồn khẩn cấp.
Không chỉ đảm bảo an ninh biên giới, kiểm soát người qua lại, ngăn chặn xuất nhập cư bất hợp pháp để ngăn chặn dịch mà những cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi đây còn phải phòng voi rừng. Vừa đảm bảo an toàn cho chính mình, người dân nhưng cũng phải bảo vệ những con voi rừng nguy hiểm nhưng quý giá trên.
Xuân Hòa