Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước: Nên bỏ quy hoạc cán bộ chủ chốt
LTS. Trước thực trạng “lãi ít, lỗ nhiều” của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhiều ý kiến của các chuyên gia phát biểu rất thẳng thắn trong Hội thảo: “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp”, sáng ngày 4-12, tại Hà Nội do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì. Chúng tôi xin tổng hợp trích đăng ý kiến của T.S Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư.
Ông thẳng thắn cho rằng: Những người được bổ nhiệm đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn mà không hoàn thành mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp thì vẫn cần bị bãi nhiệm, miễn nhiệm.
Rất cần chia sẻ và thấu hiểu
Đúng như ý kiến nhấn mạnh của ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư: “Từ báo cáo và các bài tham luận cho thấy có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại DNNN. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của DNNN”.
Những vướng mắc mà ông Nguyễn Thành Phong chỉ ra, như: Việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay; một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống, như chưa tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức. Chưa triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp…
Mở đầu ý kiến phát biểu, T.S Nguyễn Đình Cung không đồng tình với một số cách đánh giá về lãnh đạo DNNN hiện nay. Ông nói: “Có những câu đánh giá, nhận định, theo tôi là quá nặng đối với đội ngũ lãnh đạo DNNN. Nhưng cũng lại có nhưng đánh giá kiểu vô thưởng vô phạt, thiếu căn cứ khoa học, thiếu thực tiễn, như nói: Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng và gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng…”.
Lại có những bản đánh giá đọc lên thấy chỉ có những người quản lý DNNN có lỗi, còn các cơ quan khác vô can, như: “Trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành; tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế…”. Trong khi mỗi cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đều qua nhiều khâu, nên trong trường hợp để xảy ra vi phạm, sai phạm, thì đó là cả quá trình, mà trước hết những cơ quan quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm, chứ không phải mọi trách nhiệm đều "đẩy" cho cán bộ.
Hãy công bằng hơn với DNNN, với lãnh đạo các DNNN là quan điểm của ông Cung: “Khi đánh giá cần tách pháp nhân DNNN và cá nhân những người bị kỷ luật, bị truy tố, tránh gây ra hình ảnh xấu của các DNNN trước công chúng và các đối tác”.
Đánh giá cán bộ là khâu yếu
Theo T.SNguyễn Đình Cung, khi bàn bạc, thảo luận, đánh giá và đề xuất kiến nghị về cán bộ chủ chốt của DNNN không thể tách rời khỏi sứ mệnh, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu của DNNN nói chung và từng DNNN nói riêng. Không thể tách phần cán bộ riêng ra trong tổng thể đổi mới, tái cơ cấu DNNN. Không thể tách khỏi khuôn khổ quản trị DNNN, đặc biệt quản trị theo thông lệ quốc tế, trong đó, HĐQT, thành viên HĐQT và các giám đốc điều hành… là một bộ phận cấu thành.
Ông nói: “Đánh giá phải khách quan chứ không đánh giá chung chung, cảm tính. Phải thay đổi cách thức đánh giá, tiêu chí đánh giá; đánh giá theo mục tiêu, theo kết quả và hiệu quả công việc quản lý…”.
Ông đề xuất: “Cần nghiên cứu kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Đơn cử như Vinsfast, Thaco… về tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng, cách đánh giá, khen thưởng và cả kỷ luật với chủ tịch, tổng giám đốc, thành viên HĐQT, kiểm toán viên…”.
Ông thẳng thắn nói: “Tôi tin là Tổng giám đốc hiện nay của Vinfast không có trong quy hoạch từ trước của ông Phạm Nhật Vượng; tương tự ông Huệ trước đây Giám đốc Bosch Vn không trong quy hoạch… Họ không có quy hoạch nhưng họ có cán bộ giỏi chuyên môn, đạt được mục đích tốt hơn. Doanh nghiệp hiệu quả hơn, có năng lực cạnh tranh hơn”.
Ông cho rằng, nên bỏ quy hoạch cán bộ chủ chốt quản lý DNNN như hiện nay, vì quy hoạch như hiện nay sẽ không bao giờ chọn được người giỏi, người tài, không tận dụng hếtđược các nguồn lực, khả năng và cơ hội có thể trong xã hội. Thay vào đó, là kế hoạch tìm kiếm và sử dung nhân tài như ở các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ hàng đầu. Nên bỏ cơ chế bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễm nhiệm cán bộ theo cơ chế hành chính “xin - cho”, tiền kiểm như hiện nay. Thay vào đó thực hiện chế độ hậu kiểm…
Nhưng với những người được bổ nhiệm đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn mà không hoàn thành mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp thì vẫn cần bị bãi nhiệm, miễn nhiệm. Như vậy, mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao mới là yêu cầu, hay điều kiện tiên quyết để người được chọn tiếp tục nắm giữ chức vụ.
T.S Nguyễn Đình Cung - Phạm Hoài Phi (lược ghi)