Tỉnh Quảng Ninh: Dân Bình Ngọc phản đối vì dự án khai thác cát vùng giáp biên
Ông Sơn chỉ cho PV con tàu của Cty Đông Bắc A sau buổi tổ chức làm lễ hút cát ở biển Mũi Ngọc, trôi dạt vào khu vực Bãi Đá Đen, phường Bình Ngọc và bị sóng quật vỡ… Phía xa gần đảo Vĩnh Thực là nơi dự án hút cát.
Một dự án khai thác cát trên địa bàn phường Bình Ngọc, T.P Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc mới đây có thông báo tái khởi động sau một thời gian tạm đình chỉ vì sai phạm. Tuy nhiên, hàng nghìn người dân nơi đây tiếp tục có phản ứng quyết liệt vì… nguy cơ dự án sẽ phá nát nguồn khai thác thủy hải sản của người dân…
Dân hoang mang, lo lắng
Dự án khai thác cát làm vật liệu san lấp mặt bằng do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Đông Bắc A (gọi tắt Cty Đông Bắc A) triển khai trên địa bàn phường Bình Ngọc, T.P Móng Cái được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy phép khai thác ngày 26-10-2018, rộng tới 100ha. Tuy nhiên người dân cho biết, trước khi cấp phép cũng như lập dự án, mọi thông tin về dự án ra sao, người dân không hề nắm được và cũng không hề lấy ý kiến toàn dân trước khi triển khai dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, khu 1, phường Bình Ngọc bức xúc cho hay: Dân chúng tôi muốn biết dự án này nó đúng sai thế nào. Muốn hút cát thì phải làm sao cho rõ ràng, chứ cứ mập mờ thế này ai biết được. Năm ngoái tàu hút rồi sạt lở hết bờ kè. Đầu năm nay phía công ty tiếp tục hút cát thì vấp phải sự phản ứng của người dân. Hút ngày sợ bị dân chúng tôi bắt nên họ quay sang hút trộm ban đêm, dân chúng tôi không kiểm soát được.
“Việc hút trộm cát cái khó là người dân không có phương tiện ra bắt giữ. Nhiều lần chúng tôi đi họp trên phường đều phản ánh việc hút cát ảnh hưởng tới đời sống của ngư dân, nguy cơ sạt lở bờ kè và khu vực hòn Mũi Ngọc tương lai sẽ bị biến mất”- một người dân khác phường Bình Ngọc lo lắng.
Theo người dân thì vùng đất Bình Ngọc, Trà Cổ là nơi nuôi sống người dân bao đời nay. “Hơn 90% ngư dân sống bằng nghề biển, nhưng tỉnh cấp phép dự án hút cát giữa vùng biển đánh bắt hải sản của người dân là… hại dân”.
CCB - thương binh 2/4 Nguyễn Hồng Dương thì cho rằng: Việc hút cát này không phải là lần đầu tiên. Trước đây, tỉnh cũng cho nhiều công ty vào hút cát khiến cho bờ đê sạt lở. Dẫn chứng cho vấn đề này ông Dương nói: Trước đây chân đê trải dài 200m toàn là sú vẹt. Giờ chân đê chỉ còn 50m. Mỗi lần nước lên, nước xói mòn vào bờ đê, dẫn tới sạt lở đất đai là lẽ đương nhiên.
“Hiện tượng xói lở đã xảy ra. Vừa rồi, Nhà nước phải bỏ tiền ra sửa chữa, tu sửa bờ đê. Tốn kém trăm bề, lợi thì thuộc về doanh nghiệp. Minh chứng là đó!”.
Theo ông Dương, nếu cứ cho hút cát, xói lở, nước ngập vào nhà thì người dân phải đấu tranh. Nhưng điều khiến vị thương binh già này đau đáu lo lắng hơn cả là ba đời này người dân Bình Ngọc sống ở đây đều dựa vào biển. “Biển là nguồn nuôi sống con cái chúng tôi, biển cũng nuôi sống chúng tôi để lấy sức đánh giặc Pháp, Mỹ và giặc bành trướng. Ngày trước giao thông hào dân chúng tôi đào để đánh quân bành trướng năm 1979, nó dài và rộng tới 3m, trải dài vài cây số ngoài biển. Nhưng giờ hút cát mất hết cả giao thông hào…”.
Nếu phải đấu tranh, có gặp cán bộ tỉnh hay thành phố tôi sẽ hỏi: Các anh là cán bộ thì các anh phải thương dân. Thương dân thế nào các anh có xuống thực tế, gần dân, lắng nghe dân hay không? Hay… Nếu cứ như này, người dân chúng tôi chỉ có chết. Vì cho hút cát, rồi đất đai, nhà cửa chúng tôi một ngày nào đó sụp xuống, ai lo cho - ông Dương đặt câu hỏi…
Doanh nghiệp “nịnh” dân bằng… vật chất?!
Ông Dương còn cho hay: không hiểu sao khi dân có ý kiến phía Công ty lại tổ chức gặp dân, rồi có quà cho dân. Bản thân tôi cũng có một túi quà. Nhưng hôm đó tôi đi an dưỡng 8 ngày ở Trung tâm điều dưỡng Người có công của tỉnh; phía Công ty cùng cán bộ phường đến tận nhà tôi đưa quà gồm gói chè, tút thuốc 555 và một cái phong bì. Ở nhà không có tôi, vợ con tôi đã nhận. Khi về nghe nói có việc phát quà nên tôi đã trả lại phong bì. Còn chè và tút thuốc tôi vẫn giữ ở nhà làm chứng.
Sự việc dự án hút cát không công khai minh bạch cho dân biết khiến người dân Bình Ngọc có đơn phản ánh ra chính quyền. Trong đơn tập thể viết ngày 14-10-2019, có tới gần 1.000 người ký không đồng ý với việc khai thác cát của Cty Đông Bắc A trên địa bàn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Sơn lo lắng: Dân chúng tôi sống dựa vào con tôm, ngao, vạng, sò, bề bề… Giờ họ hút sâu tới 12m thì còn đâu nguồn hải sản nuôi sống người dân. Nhưng điều chúng tôi lo nhất là, việc hút sâu 12m nó sẽ tạo thành cái hố chứa toàn bùn, người đi biển không may sa xuống thì chỉ có chết.
Theo ông Sơn, từ ngày biết đến dự án chưa bao giờ có việc họp toàn dân. “Mà chúng tôi chỉ nghe từ cán bộ khu thông báo có dự án về triển khai. Rồi họ tuyên truyền, các hộ dân ký vào 1 tờ giấy lấy ý kiến thì được nhận 100.000 đồng.
Cách đây khoảng 1 tháng, phía Công ty họ chở vàng mã ra làm lễ và họ nói, đã nộp tiền cho tỉnh thì họ được phép về hút cát. Dân chúng tôi thì biết gì đâu, kêu ai bây giờ. Giờ chỉ có cách làm đơn ra chính quyền…
“Chúng tôi chỉ mong muốn có đoàn cán bộ nào xuống cùng dân làm rõ, chỉ ra cái gì đúng, các gì sai… để giải tỏa nỗi bức xúc của người dân. Dự án thì phải công khai minh bạch cho dân chúng tôi biết nhưng đằng này dự án như thế nào, làm ra sao dân chúng tôi không hề hay biết gì. Trong khi đó, dân chúng tôi đề nghị UBND phường triển khai họp toàn dân, nhưng chả họp hành gì cả. Họ cứ thế về họ làm họ hút cát mang đi đâu dân không hay biết…” - ông Sơn cho biết.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Điệp - Phó chủ tịch UBND T.P Móng Cái cho biết: Về đơn kiến nghị của người dân liên quan đến Dự án khai thác thác cát của Cty Đông Bắc A, tôi có nhận được, sau đó đã chuyển lại cho đồng chí Trưởng ban tiếp dân của thành phố để báo cáo Chủ tịch thành phố.
Theo ông Điệp thì nội dung phản ánh của người dân không đồng ý với việc cho Cty Đông Bắc A hút cát ông đã báo cáo trực tiếp tại cuộc họp ở UBND tỉnh hôm vừa rồi. “Còn về hướng giải quyết đơn của người dân, tôi nghĩ chắc đã có ý kiến chỉ đạo của anh Kinh (ông Vũ Văn Kinh là Chủ tịch UBND T.P Móng Cái - PV). Tôi không trực tiếp giải quyết vấn đề này vì đây là mảng anh Kinh phụ trách…
Hôm rồi tôi và ánh Ánh - Bí thư thành phố cũng trực tiếp ra giải quyết những ý kiến của người dân, nhưng đại đa số người dân không đồng tình về dự án.
Thường trực Tỉnh ủy cũng có văn bản chỉ đạo khi triển khai dự án phải đảm bảo đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý và sự đồng thuận của người dân. Hiện nay thủ tục pháp lý theo tôi được biết chưa đầy đủ. Nếu triển khai phải lấy ý kiến nhân dân. Mà nhân dân không đồng thuận thì không chỉ tôi mà chắc chắn anh Kinh cũng phải báo cáo tỉnh về vấn đề này vì nó liên quan đến vấn đề an sinh, an ninh trật tự xã hội - ông Diệp nói
(còn nữa).
Bài và ảnh: Tư Hoành