Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá cao
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chiều 30/11/2021 (giờ địa phương), tại Thủ đô Moskva. Ảnh: TTXVN
Nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, phóng viên TTXVN tại Nga đã phỏng vấn Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Andrey Vladimirovich Yatskin, về kết quả chuyến thăm này.
Ông Yatskin đánh giá rất cao chuyến thăm này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời cho rằng quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ và trở thành vốn quý cần được tiếp tục vun đắp.
Theo ông Andrey Vladimirovich, Nga và Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt, không chỉ ở cấp độ chính trị mà ở cả tình cảm của người dân hai nước. Trong mọi hoàn cảnh và giai đoạn thăng trầm của lịch sử, người dân Nga luôn đồng cảm và dành sự tôn trọng chân thành cho người dân Việt Nam. Có thể nói, quan hệ giữa hai dân tộc đã “được thử thách tin cậy theo thời gian”, đúng như lời mà Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Nga.
Ông Andrey Vladimirovich cũng cho rằng quan hệ giữa hai nước là vốn quý nhất cần được giới chức hai bên vun đắp và nhân lên nhiều lần để chuyển hóa thành những quyết định, thỏa thuận và dự án cụ thể, vì lợi ích của người dân hai nước. Đây sẽ là cơ sở cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh có nhiều thách thức và nguy cơ gia tăng như hiện nay. Không chỉ thế, sự hợp tác bình đẳng, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau giữa Nga và Việt Nam còn tạo bầu không khí hợp tác xây dựng để phát triển bền vững và mở ra tiềm năng to lớn cho khu vực Đông Nam Á.
Về quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga cho rằng quan hệ giữa hai nước đã có truyền thống rất lâu đời và từ năm 2001 đã công nhận quan hệ hợp tác mang tầm chiến lược. Đến năm 2012, hai nước nói về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tất cả những điều này đều phản ánh đúng tình trạng thực tế của quan hệ giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam đang phát triển với tốc độ ấn tượng. Năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, thương mại song phương đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước. Trong năm nay, hai bên kỳ vọng nâng con số này lên 6,5 tỷ USD. Kinh tế hai nước có khả năng bổ sung cho nhau hiệu quả, một phần quan trọng là nhờ năm 2015 Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC), qua đó đưa quan hệ hợp tác kinh tế Nga - Việt Nam lên tầm cao mới. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được miễn thuế vào thị trường Á-Âu rộng lớn và còn rất nhiều triển vọng tiếp tục phát triển. Quan hệ hợp tác năng lượng cũng đóng vai trò đặc biệt, thể hiện qua các dự án hợp tác khai thác dầu khí của các công ty Petrovietnam và Zarubezhneft, Gazprom và NOVATEK.
Ngoài ra, hai nước còn hợp tác tốt trong các lĩnh vực khoa học chuyên sâu đầy hứa hẹn. Tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đang hỗ trợ dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam, nơi có thể trở thành một trong những đầu tàu khoa học của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Nga cũng phát triển rất mạnh về công nghệ thông tin tiên tiến, đặc biệt là an ninh thông tin, nên có tiềm năng hợp tác tốt với Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần xây dựng kinh tế kỹ thuật số trở thành trụ cột hợp tác mới và cùng nhau vươn lên vị trí hàng đầu trong nền kinh tế của trật tự công nghệ mới.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ông Andrey Vladimirovich cho rằng đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng” trong quan hệ hai nước và hai bên đã hỗ trợ lẫn nhau. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga và cũng là nước đầu tiên trong khu vực bắt đầu sản xuất vaccine này. Ngoài vaccine Sputnik V, việc đăng ký sử dụng vaccine Sputnik Light tại Việt Nam cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch vì đây là vaccine một thành phần, dễ sử dụng hơn và phù hợp cho cả tiêm chủng lẫn tiêm tăng cường để chống các chủng virus mới.
Về hợp tác giáo dục, ông Andrey Vladimirovich khẳng định đây luôn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong quan hệ song phương. Hàng chục nghìn chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo tại Nga. Trong năm học hiện nay, Nga đã cấp cho Việt Nam khoảng 1.000 suất học bổng, một trong những hạn ngạch nhà nước lớn nhất dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh nước ngoài ở Nga. Tổng số sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh của Việt Nam tại LB Nga hiện vào khoảng 6.000 người, thuộc nhóm cao nhất. Trong khi đó ở Việt Nam, văn hóa Nga cũng rất được coi trọng và tiếng Nga đã trở thành ngoại ngữ đầu tiên được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông ở Việt Nam.
Trong thời gian tới khi dịch bệnh lắng xuống, Nghị viện Nga sẽ hỗ trợ tổ chức các ngày văn hóa, triển lãm và các chuyến biểu diễn của các nhóm sáng tạo Nga tại Việt Nam, cũng như giúp Việt Nam tổ chức những sự kiện tương tự tại Nga. Tất cả những điều này sẽ góp phần thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược thực sự giữa hai nước vốn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển trong tương lai.
Về chuyến thăm chính thức LB Nga lần này của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga đánh giá đây là hoạt động rất ấn tượng. Chủ tịch nước Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Chính phủ M. V. Mishustin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang V. I. Matvienko, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) V. Volodin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia D. A. Medvedev. Chuyến thăm với một chương trình nghị sự dầy đặc như vậy rõ ràng là minh chứng cho tính đa dạng và tiên tiến của quan hệ Nga-Việt, giúp hai nước có thể phân tích toàn diện những gì đã đạt được và vạch ra những kế hoạch tiếp theo cho việc đẩy mạnh quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai nước cũng đã ký kết một loạt văn kiện hợp tác quan trọng về thương mại và công nghiệp, cũng như các thỏa thuận liên ngành. Hợp tác liên nghị viện giữa hai nước cũng ngày càng được chú trọng và nhiệm vụ của các nghị sĩ hai nước là phải ủng hộ triển khai trên thực tế các sáng kiến của lãnh đạo hai nước và xóa bỏ mọi rào cản trong phát triển hợp tác thông qua các cơ chế đối thoại nghị viện mà hai bên đang phát triển.
Duy Trinh (TTXVN)