Trường mầm non tư thục ở các thành phố lớn: Tương lai sẽ ra sao?
Một trường mầm non tư thục trước dịch Covid-19. (ảnh minh họa).
Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm và chưa biết đến khi nào mới hết dịch. Hàng nghìn trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa hàng tháng, thậm chí có trường đóng cửa cả năm nay. Đặc biệt là ở T.P Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh đang có rất nhiều trường mầm non tư thục có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn hoặc phải sang nhượng lại khi mà nguồn lực tài chính của họ không thể gánh nổi…
Đa số các cơ sở giáo dục mầm mon tư thục ở những thành phố lớn phải thuê mặt bằng, hạ tầng, giá thuê rất đắt đỏ. Nhưng đổi lại, trường tuyển sinh được nhiều cháu đến học vì các cơ sở công lập quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn, vì phải dừng hoạt động, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ giáo viên…
Thuê hai mặt bằng ở phường Tam Phú và phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, T.P Hồ Chí Minh, anh Phạm Xuân Hoàng - chủ cơ sở Trường mầm non tư thục Khai Tâm cho biết: Mỗi tháng anh mất 240 triệu tiền thuê mặt bằng cho hai cơ sở. Mấy tháng nay, anh Hoàng phải xoay xở đủ mọi cách để có tiền trả mặt bằng nhưng cũng không đủ. Trước dịch, tiền thuê mặt bằng phải đóng quý một, bây giờ chủ mặt bằng họ cho đóng tháng một, tiền thuê giảm 50% nhưng cũng không gánh nổi. Ngoài thuê mặt bằng, hằng tháng vẫn phải trả tiền internet, phí dịch vụ khác nữa. Năm 2020, trường phải đóng cửa mất 5 tháng, năm 2021, trường mở được hai tháng rồi đóng cửa luôn đến tận bây giờ.
Anh Hoàng cho biết thêm: “Lúc mới bị dịch Covid-19, giáo viên nghỉ, tôi còn hỗ trợ cho giáo viên mỗi tháng ít triệu, nhưng sau 3 tháng đóng cửa là hết nguồn lực hỗ trợ. Bây giờ, 45 giáo viên ở nhà và mọi người đều phải kiếm sống bằng đủ nghề. Có người trông trẻ tại nhà, người thì bán hàng online, làm shiper… Không biết đến bao giờ dịch bệnh mới hết, nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như thế này thì có lẽ tôi cũng không trụ nổi được lâu. Bao nhiêu tâm huyết, công sức, tiền của tích cóp cả chục năm có nguy cơ trắng tay”.
Một cơ sở giáo dục mầm non tư thục của chị Nguyễn Phương Hà nằm trong khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm, T.P Hà Nội cũng đóng cửa nhiều tháng nay. Chị Hà cho biết: Thuê mặt bằng của tòa nhà chung cư mỗi tháng phải trả mất 150 triệu đồng, hơn 20 giáo viên. Cơ sở giáo dục này chị Hà phải vay mượn bạn bè, người thân để đầu tư mở trường mới được 3 năm nay, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngăn phòng cũng mất gần 2 tỷ đồng. Năm đầu mở ra có đến 50 em học, thu nhập cũng tạm ổn và chi trả chi phí hoạt động, lương giáo viên mỗi tháng cũng dư được vài chục triệu đồng. Thế nhưng, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, trường lúc mở lúc đóng, mọi cái đảo lộn hết.
Năm 2020, chị Hà còn xoay xở được, chứ sang năm 2021, chị Hà lo đủ mọi cách mà vẫn không lo nổi. Sáu tháng nay, chị mất gần 1 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể các loại chi phí khác. Chị Hà nói với vẻ lo lắng: “Giáo viên của trường người thì đi bán hàng online, người thì về quê… Nếu dịch bệnh cứ kéo dài thêm nữa, có lẽ tôi phải trả lại mặt bằng và đóng của trường thôi!”.
Tình trạng các cơ sở mầm non tư thục ở T.P Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng quá khó khăn. Nếu gõ trên mạng sang nhượng trường mầm non tư thục thì có hàng loạt địa chỉ, tên các trường mầm non rao bán, sang nhượng, góp vốn hợp tác…
Như ở huyện Củ Chi, T.P Hồ Chí Minh, Trường mầm non tư thục Ánh Ánh Dương được anh Tiến chủ cơ sở rao bán công khai với giá 350 triệu đồng. Trường có diện tích 1.000m2, gồm 9 phòng, có hồ bơi, có khu vui chơi cát sỏi, sân chơi trong nhà và ngoài trời rộng rãi.
Anh Tiến cho biết: Đã phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất từ ti vi, máy lạnh, giàn năng lượng nước nóng, camera trực tuyến… mức tiền rao bán chỉ khoảng 40% số tiền anh đã bỏ ra, nếu ai thiện chí mua anh Tiến có thể giảm thêm nữa.
Không chỉ có anh Tiến rao bán trường mầm non, một cơ sở mầm non tư thục Chi Anh ở huyện Thanh Trì, T.P Hà Nội còn được rao “sang nhượng” cả giáo viên, cả trò với mức giá chỉ hơn 100 triệu đồng. Thông tin nêu “nhóm lớp rộng, thoáng mát, khu vực đông dân cư. Hiện tại có 3 lớp hoạt động với khoảng 40 cháu. Sang nhượng hết, không lấy đi bất kỳ gì, đồ đạc, kể cả giáo viên, học sinh…”.
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo T.P Hồ Chí Minh có tờ trình lên UBND về chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố, trong đó đề xuất hỗ trợ mỗi trường mầm non tư thục gần 35 triệu đồng, hỗ trợ trẻ mầm non là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp 160.000 đồng/tháng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang đề xuất chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục. Trước những khó khăn rất lớn của hệ thống trường mầm non tư thục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, đánh giá lại thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Hoàng Thanh