Chiến thắng Hòa Bình - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng
Đại tá Trần Ngọc Anh - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị giới thiệu nội dung Hội thảo khoa học
Sáng 2-12, tại T.P Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ đã chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Hòa Bình - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Hòa Bình (10-12-1951 / 10-12-2021).
Tham dự cuộc họp báo có các đồng chí: Đại tá Trần Ngọc Anh - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Đại tá PGS, TS Nguyễn Văn Sáu - Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Nguyễn Thị Minh Thuận - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình. Mở đầu cuộc họp báo, Đại tá PGS, TS Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh: Chiến thắng Hòa Bình khẳng định sự thành công xuất sắc của Đảng trong chỉ đạo, điều hành chiến tranh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng mang tầm chiến lược, làm thất bại âm mưu và nỗ lực chiếm đóng vùng tự do, phá tan ý đồ của thực dân Pháp nhằm giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ, mở rộng và nối thông các căn cứ du kích ở trung du với đồng bằng, tạo thời cơ và điều kiện phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hội thảo tập trung làm rõ bối cảnh trong nước, quốc tế; tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân 3 nước Đông Dương; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp tiến hành đánh chiếm Hòa Bình cuối năm 1951; chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và điều hành chiến dịch đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Hòa Bình. Phân tích, làm rõ những nét nổi bật về thành công xuất sắc của Đảng trong chỉ đạo chiến lược; sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam; sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch. Vai trò, đóng góp của các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc, các lực lượng tham gia Chiến dịch Hòa Bình; tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Hòa Bình, sự vận dụng và phát huy những bài học đó trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới...
Đến nay, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 86 bài báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, một số tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, các tướng lĩnh, sĩ quan; lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và một số ban ngành của tỉnh Hòa Bình; các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Theo kế hoạch, chiều 6-12, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức hội thảo và một số đại biểu tiến hành Lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Chiến dịch Hòa Bình; thăm tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Sáng ngày 7-12, Hội thảo sẽ diễn ra tại 13 điểm cầu, điểm cầu chính tại Hội trường Tỉnh ủy Hòa Bình.
Võ Hóa