Chùa Bắc Mã “đại bản doanh” đệ tứ chiến khu
Chùa Bắc Mã đã từng là Đệ nhất danh lam của vùng Đông Bắc, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, kết cấu kiến trúc tinh xảo và một lịch sử kháng chiến hào hùng.
Trong cao trào kháng Nhật, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám -1945, Đệ Tứ chiến khu (hay chiến khu Đông Triều - chiến khu Trần Hưng Đạo) là một trang sử hào hùng của lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân vùng Đông Bắc của Tổ quốc. “Đại bản doanh”, hay trung tâm của Đệ Tứ chiến khu được đặt ở chùa Bắc Mã, thuộc xã Bắc Mã, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tình Quảng Ninh).
Chùa Bắc Mã (Phúc Chí tự - Chùa hướng tới cái Phúc) được xây dựng vào thời Trần, cuối thế kỷ XIV, có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, kiến trúc tinh xảo; có thời là một trong bốn viện Phật giáo lớn nhất ở miền Bắc (cùng với các viện: Quỳnh Lâm, Yên Linh, Đông Khê). Đến thời Lê Trung Hưng, chùa được Chúa Trịnh sắc phong là “Đệ nhất danh lam”. Năm 1926 dưới thời vua Bảo Đại, chùa được trùng tu quy mô lớn.
Vốn là một trung tâm Phật giáo, nên qua các thời kỳ lịch sử, chùa Bắc Mã đón nhận nhiều nhà sư về đây trụ trì, tu luyện. Năm 1920, Võ Giác Viên - một nhà sư yêu nước trù trì chùa này đã đón tiếp nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền về đàm đạo thế sự và con đường vận động cách mạng. Tiếp đó, vào thập niên 1930 - 1940, kế tục trụ trì là nhà sư Võ Giác Thuyên (sư Nguyệt) một con người tính tình khí khái kiểu anh hùng hảo hán, trọng lẽ phải, thương dân, đã tụ tập thanh niên trong vùng trừng trị quan lại cường hào và thổ phỉ… Năm 1942, chùa Bắc Mã được đón vị khách bí mật là đồng chí Hoàng Quốc Việt đến thăm và để lại hai câu thơ: “Chúng sinh quằn quại trong đau đớn/ Bồ Tát sao yên cõi niết bàn”.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), phong trào kháng Nhật cứu nước ngày càng sục sôi. Trước tình hình đó, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp (tháng 4-1945) quyết định một số vấn đề chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có việc thành lập Đệ Tứ chiến khu (Chiến khu Trần Hưng Đạo).
Thực hiện nghị quyết của T.Ư, Tỉnh ủy Hải Dương cử hai đồng chí Trần Cung, Hải Thanh trực tiếp phụ trách chuẩn bị thành lập Đệ Tứ chiến khu; đồng thời phân công một số đồng chí, trong đó có Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình) xuống Hải Phòng mua sắm vũ khí. Nhận thấy địa thế Chí Linh, Đông Triều rừng núi hiểm trở, có đường nối thông với khu giải phóng Cao - Bắc - Lạng, có thể xây dựng thành căn cứ, nên Tỉnh ủy Hải Dương chọn Đông Triều - Chí Linh lập Đệ Tứ chiến khu. Qua nghiên cứu, các ông Hải Thanh, Trần Cung đã chọn chùa Bắc Mã làm “Đại bản doanh”, là địa điểm tập kết người, vật chất, vừa tiện cho việc cán bộ các nơi cải trang thành sư sãi về đây hoạt động, hội họp. Cán bộ Việt Minh ở lại chùa bàn thống nhất lực lượng cách mạng của các đầu mối Viêt Minh. Sau đó, cán bộ Việt Minh liên lạc với các nhân sĩ yêu nước phụ trách các làng, tổng, nhất là các đồn binh, xây dựng lực lượng nội ứng…
Cùng với các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh được Tỉnh ủy cử trực tiếp phụ trách xây dựng chiến khu, thì Nguyễn Văn Tuệ (sư Tuệ) cũng là một nhân vật đã cùng sư Võ Giác Thuyên có nhiều đóng góp cho việc xây dựng Đệ Tứ chiến khu.
Nguyễn Văn Tuệ sinh năm 1910 ở xã Tân Hưng (T.P Hải Dương), hoạt động cách mạng từ rất sớm, đã từng tham gia vận động ủng hộ công nhân Nhà máy dệt Nam Định bãi công, bị Pháp bắt bỏ tù. Tháng 3-1945, ông gặp các ông Hải Thanh, Trần Cung, bàn chuyện xây dựng căn cứ du kích ở vùng rừng núi Đông Triều và được phái đi trước để gây dựng cơ sở Việt Minh ở đó. Nguyễn Văn Tuệ đã tìm tới chùa Bắc Mã và với tinh thần yêu nước, tài diễn thuyết, ông nhanh chóng tranh thủ được cảm tình của sư Võ Giác Thuyên. Từ đó, với danh nghĩa người tu hành, sư Tuệ đã bí mật tiếp xúc, tuyên truyền vận động Mạc Văn Niết ở Hổ Lao, Trương Quốc Cẩn ở làng Yên Lập, Nguyễn Văn Sinh ở làng Đàm Thủy… là các thân hào, chánh tổng, bá hộ yêu nước và nhiều thanh niên, phụ nữ tham gia các đoàn thể cứu quốc, làm cơ sở của Việt Minh. Đây là cơ sở để các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh, Nguyễn Bình đến Đông Triều phát triển lực lượng cách mạng, thành lập Đệ Tứ chiến khu.
Có sự hoạt động tích cực của sư Võ Gác Thuyên, sư Tuệ…, chùa Bắc Mã là địa điểm tập trung chuẩn bị về hậu cần. Tại đây, Ban lãnh đạo và sư Thuyên, sư Tuệ tiếp nhận lương thực, thực phẩm của nhân dân quanh vùng gửi đến; đồng thời cũng làm nhiệm vụ cũng cấp lương thực, thực phẩm cho gần một trăm quân khởi nghĩa tập trung về đây.
Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, hậu cần, ngày 8-6-1945, tại làng Đạm Thủy, xã Thủy An, huyện Đông Triều, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh khu vực họp quyết định lãnh đạo LLVT và quần chúng cách mạng ở Đông triều đồng loạt nổi dậy làm chủ bốn đồn binh: Đông Triều, Tràng Bạch, Mạo Khê, Chí Linh; thủ tiêu bộ máy chính quyền tay sai phát xít Nhật; đồng thời quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng, gồm bốn đồng chí: Nguyễn Bình, Nguyễn Hiền, Hải Thanh, Trần Cung. Sự kiện này chính thức đánh dấu sự ra đời của Đệ Tứ chiến khu - Trần Hưng Đạo.
Sau khi Đệ Tứ chiến khu được thành lập, chùa Bắc Mã tiếp tục là trụ sở liên lạc giữa chiến khu với các địa phương, là trung tâm chỉ đạo của Ủy ban Quân sự cách mạng mở rộng hoạt động nhằm hướng tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, năm 1947, quân Pháp tiến chiếm Đông Triều, đã phá dỡ chùa Bắc Mã; đồng thời cùng với chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” của ta, chùa Bắc Mã đã bị phá bỏ hoàn toàn.
Để ghi dấu sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và một di tích lịch sử quý giá, sau ngày hòa bình được lập lại trên miền Bắc, nhân dân dựng lại chùa Bắc Mã bằng gỗ và đến năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đệ Tứ chiến khu, chùa được xây dựng lại bề thế hoành tráng hơn.
Năm 1989, UBND huyện Đông Triều quyết định xây dựng Nhà lưu niệm Đệ Tứ chiến khu trong khuôn viên chùa Bắc Mã, đây là cơ sở để xây dựng Bảo tàng Chiến khu Đông Triều - Đệ Tứ chiến khu.
Với giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, ngày 5-9-1994, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 2379/QĐ/BT công nhận Chùa Bắc Mã - địa điểm Trung tâm Chiến khu Đông Triều là Di tích Lịch sử - Cách mạng - Văn hóa Quốc gia. Đồng thời, trân trọng công lao của sư Tuệ - một trong những nhân vật có công xây dựng Đệ Tứ chiến khu - chiến khu Đông Triều, sau này, một con phố ở thị xã Đông Triều được đặt tên là phố “Sư Tuệ”.
Duy Nguyễn