CCB tỉnh Lạng Sơn giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi: Chọn đúng ngành nghề, phát huy tiềm năng
CCB Vi Văn Giang thôn Lũng Cút, thị trấn Ðồng Mỏ, huyện Chi Lăng thu hoạch rau bò khai.
Trong thực hiện phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, Hội CCB tỉnh Lạng Sơn có nhiều chủ trương, nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ vốn; trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức; xây dựng và nhân rộng mô hình... Đặc biệt, Hội coi trọng định hướng, giúp cho hội viên lựa chọn vật nuôi, cây trồng và ngành nghề SXKD phù hợp với tiềm năng của từng địa bàn để đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Ðến với thôn Lũng Cút, thị trấn Ðồng Mỏ, huyện Chi Lăng những ngày cuối năm, đâu đâu cũng thấy màu xanh bạt ngàn của rau bò khai. Dọc theo hai bên con đường bê-tông vào thôn, rau bò khai được trồng xen trong vườn na, vườn ngô, rồi ven bìa rừng xanh rờn.... Đồng chí Vi Văn Hiền - Chủ tịch Hội CCB huyện Chi Lăng cho biết: Rau bò khai trước đây mọc tự nhiên dưới tán các loại cây khác trên núi. Nay đưa về vườn, cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc với chi phí đầu tư thấp. Bò khai trồng 1 năm đã cho thu hái, thời gian thu hoạch kéo dài, giá trị kinh tế lại cao với giá bán từ 40 đến 80 nghìn đồng/kg. Hiện nay, thôn Lũng Cút đã trồng được hơn 30ha, đạt sản lượng trên 60 tấn/năm. Điển hình là hộ gia đình CCB Vi Văn Giang, trồng gần 2ha, mỗi năm cho thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng.
CCB Vi Văn Giang chỉ là một trong số những tấm gương điển hình trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng của tỉnh Lạng Sơn. Là tỉnh miền núi có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 74% diện tích tự nhiên, nên phát triển lâm nghiệp, nhất là trồng cây lâm sản ngoài gỗ là tiềm năng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. CCB Triệu Tiến Minh, thôn Ðông Sung, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình là người tiên phong đưa cây trà hoa vàng về trồng. Ông Minh chia sẻ: Năm 2013, tôi lên rừng đào lấy gốc cây về tự nhân giống để trồng xen kẽ tại vườn cây ăn quả của gia đình. Ban đầu, tôi trồng thử 300 cây, thấy cây sinh trưởng, hiệu quả kinh tế cao nên đến nay, mở rộng diện tích lên khoảng 2ha (hơn 2.000 cây). Từ cuối năm 2019, tôi ươm cây giống từ quả cây trà hoa vàng để bán cho bà con quanh vùng.
Nhờ hợp với đất đồi rừng, dễ trồng, nên sau ba đến bốn năm trồng, cây trà hoa vàng bắt đầu cho thu hoạch. Với giá bán từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg hoa trà tươi; 1,5 triệu đồng/kg hoa trà khô, người dân không lo đầu ra vì thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Trung bình một cây cho thu từ 2 đến 3 kg hoa tươi/vụ. Ðến nay, xã Ái Quốc có hơn 100 hộ trồng cây trà hoa vàng với diện tích khoảng 8ha...
Cùng với quan tâm phát triển thế mạnh của từng vùng, Hội CCB tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như hình thức sản xuất, kinh doanh. Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 20 tớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng; nhiều buổi tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh
Điển hình trong chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh có hội viên CCB Lê Văn Thi, huyện Hữu Lũng. Năm 2016, ông Thi mạnh dạn dồn hết vốn và vay mượn thêm để thành lập Công ty TNHH tôn sắt Thi Yên. Sau những khó khăn bước đầu, đến nay Công ty đang tạo công ăn việc làm cho 12 lao động địa phương, trong đó có 6 hội viên CCB, doanh thu ước đạt 18 tỷ đồng/năm. Ngoài Công ty của ông Thi còn có một số mô hình do CCB làm chủ có doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm như doanh nghiệp của hội viên Lại Quốc Toản, Nguyễn Tuấn Khoát chuyên về xây dựng, (T.P Lạng Sơn), Trương Thị Lan sản xuất bao bì (huyện Tràng Định)…
Đồng chí Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay toàn Hội có 1.240 mô hình kinh tế, tạo điều kiện giúp đỡ việc làm cho hơn 3.800 lao động là hội viên và người thân hội viên CCB. Số hội viên thoát nghèo năm 2020 là 1.161 hộ, chiếm 3,4%. Các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ qua kênh này là hơn 506 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay cũng được Hội chú trọng, không có trường hợp sử dụng vốn sai mục đích hoặc chiếm dụng vốn. Những kết quả trên đã khẳng định vai trò, vị trí của những người lính trên mặt trận mới, họ luôn năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngoài việc động viên hội viên tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, Hội CCB tỉnh còn tuyên truyền, vận động hội viên CCB và gia đình thực hiện tốt việc đóng góp ủng hộ quỹ “Từ thiện, nhân đạo” được trên 556 triệu đồng, “Phòng chống dịch Covid-19” được 785 triệu đồng… Vận động cán bộ, hội viên ủng hộ 1.200 ngày công lao động, vật liệu trị giá hơn 500 triệu đồng xóa 10 nhà dột nát cho gia đình hội viên hoàn cảnh khó khăn. Với những kết quả đạt được, T.P Lạng Sơn và nhiều huyện được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao; nhiều tập thể, cá nhân được T.Ư Hội CCB Việt Nam, UBND, Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen.
Võ Hóa