Viện Khoa học và Công nghệ quân sự: Những sản phẩm, công trình chống dịch
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiếp nhận buồng khử khuẩn phục vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 do Viện KHCNQS trao tặng.
Để đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu, cán bộ, kỹ sư của Viện Khoa học và công nghệ quân sự (KHCNQS) đã và đang nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm, công trình khoa học có ý nghĩa thiết thực.
Máy thở và các thiết bị trợ thở có vai trò hết sức quan trọng trong lâm sàng hồi sức cấp cứu cũng như trong điều trị bệnh nhân có khả năng yếu hoặc không có khả năng tự thở cần được hỗ trợ bằng máy. Trên thế giới cũng như ở nước ta có nhiều loại máy thở và thiết bị trợ thở khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu máy thở xâm nhập, hiện không chỉ có giá thành cao mà còn rất khan hiếm do nhu cầu tăng cao trên toàn thế giới.
Từ những bất cập đó, những cán bộ, kỹ sư công nghệ của Viện KHCNQS đã nhanh chóng bắt tay vào thiết kế, chế tạo máy trợ thở theo nguyên lý bóp bóng Ambu. Triển khai đề tài này, nhóm nghiên cứu gặp không ít khó khăn, như không am hiểu sâu về lâm sàng hồi sức cấp cứu và các kiến thức về y học; cái khó nữa là làm thế nào để kiểm soát các thông số lâm sàng một cách tin cậy mà đơn giản về kỹ thuật và hiệu quả về kinh phí. Được sự trợ giúp của các chuyên gia hồi sức hàng đầu tại các bệnh viện lớn, nhóm nghiên cứu đã cụ thể hóa ý tưởng của mình bằng một sản phẩm hoàn chỉnh về kỹ thuật, giá thành thấp, đáp ứng được các yêu cầu trong điều trị. Thiếu tá Lê Thạc Tài - thành viên trong nhóm nghiên cứu máy trợ thở cho biết: “Ưu điểm của máy trợ thở này là kiểm soát được số lần hít vào, thở ra mỗi phút. Thứ hai là kiểm soát được áp suất khí khi đưa vào phổi bệnh nhân và áp suất khí khi thở ra là bao nhiêu. Thứ ba là đặt được lượng khí đưa vào phù hợp với từng đối tượng. Những việc đó được đặt tự động, vận hành một cách tự động.”
Ngoài máy trợ thở nêu trên, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ cơ khí chính xác đã nghiên cứu, chế tạo buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Buồng được thiết kế cơ động, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, hoạt động theo nguyên tắc áp lực dương, được xử lý lọc bụi, diệt khuẩn, làm mát và có vách ngăn trong suốt được thiết kế 2 vị trí để gắn găng tay. Đã có 3 hệ thống buồng được trao tặng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để phục vụ quá trình lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn Thủ đô. Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Cơ khí chính xác, Viện KHCNQS cho biết: “Bởi kích thước của vi khuẩn rất là nhỏ, chúng tôi đã lựa chọn màng lọc Hepa đến cấp 14, là cấp lọc đạt đến 99,97% khả năng lọc khuẩn và lọc bụi. Thứ hai là sử dụng các hệ thống đèn UV với bước sóng diệt khuẩn là 253,7 nano mét và bảo đảm môi trường làm việc bằng cách sử dụng các thiết bị làm mát trong buồng làm việc”.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành cũng như giúp cho việc truy vết khoanh vùng dập dịch nhanh chóng thuận lợi cũng là một trong những hướng được Viện KHCNQS quan tâm nghiên cứu và chế tạo. Nhiều giải pháp công nghệ được đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện nói chung và Viện Công nghệ Thông tin nói riêng nghiên cứu, xây dựng thành công, hiện đang được ứng dụng rộng rãi vào phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bluezone là một trong những ứng dụng khai báo y tế đang được đưa vào sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn đối với cán bộ kiểm tra công tác khai báo y tế hằng ngày của quân nhân, như phải xem trực tiếp lịch sử dịch tễ trên điện thoại của từng cá nhân, hay việc lưu trữ tìm kiếm tra cứu thông tin, lấy dữ liệu từ mã Qr Code trên ứng dụng này gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu của Viện đã nghiên cứu và cho ra đời phần mềm kiểm tra khai báo y tế. Phần mềm được triển khai dưới dạng web ứng dụng, có tính cơ động và tương thích cao với nhiều hạ tầng máy chủ khác nhau. Những tính năng vượt trội của phần mềm cũng giúp cho lực lượng quân y, cơ quan chức năng nắm chắc được tình hình sức khỏe, tầm soát lịch sử đi lại, tiếp xúc để phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Hiện tại, Viện KHCNQS sẵn sàng cấp hoàn toàn miễn phí cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng. Đại tá Dương Nhật Dân - Phó giám đốc Viện KHCNQS, cho biết: “Quan điểm của Viện là cố gắng tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhiệm vụ phòng chống Covid tốt nhất, trước tiên là ứng dụng trong đơn vị để đảm bảo sức khỏe cho toàn bộ cán bộ của đơn vị được thực hiện tốt nhiệm vụ, sau đó mong muốn nhân rộng các sản phẩm này trong toàn quân và ở những nơi có nhu cầu sử dụng phù hợp”.
Phát huy đúng tinh thần của những người làm công tác nghiên cứu khoa học đầu ngành trong quân đội, Viện KHCNQS đã khẳng định được vai trò tiên phong trong quá trình nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm hữu ích mang tính lưỡng dụng, góp phần quan trọng trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch Covid 19.
Trần Thanh Tuấn