Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp toàn diện, hiệu quả, kịp thời để chuyển sang trạng thái mới
Thủ tướng nhấn mạnh “tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quan trọng trong những thời khắc khó khăn”
Kết luận cuộc họp sáng 17/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái mới, song đợt dịch thứ tư đã gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân. Vì vậy, thời gian tới đây, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp được thực hiện phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời.
Sáng 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả bước đầu, những bài học kinh nghiệm, những bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch, thảo luận thêm những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Lựa chọn giải pháp tối ưu nhất trong điều kiện cực kỳ khó khăn
Nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, khi đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu bùng phát, chúng ta đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức do chưa có kịch bản và sự chuẩn bị đầy đủ, vẫn áp dụng các biện pháp trước đó như với các chủng cũ khi chưa hiểu rõ biến chủng Delta hết sức nguy hiểm.
Trong khi đó, điều kiện cơ sở, vật chất rất hạn chế, nhiều giải pháp không thể triển khai kịp thời, hiệu quả do không đủ vật tư y tế và nhân lực. Trong diễn biến cực kỳ phức tạp của dịch, không có giải pháp hoàn hảo, chỉ có thể chọn giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện bảo đảm trong từng thời điểm, do đó, cần nhìn nhận khách quan, đầy đủ, tránh phiến diện, không tô hồng, không bôi đen về các biện pháp và kết quả phòng, chống dịch.
Chẳng hạn, việc xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng có thể triển khai rất hiệu quả gần đây tại nhiều địa phương, nhưng trong giai đoạn đầu tại TPHCM, việc này thực hiện rất khó khăn do thiếu kit xét nghiệm. “Thậm chí, đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, có thể nói là chúng ta trở tay không kịp”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ. Sau đó, chúng ta đã căn cứ tình hình, rút kinh nghiệm, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận định, bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết này đã đưa ra các tiêu chí, các cột mốc, mục tiêu để buộc các cơ quan, địa phương phải tìm cách hành động bằng được. Từ đó, giúp thay đổi cục diện phòng chống dịch, tạo chuyển biến rõ rệt với các giải pháp như tập trung phân loại, điều trị người bệnh từ xa, từ sớm ngay tại cơ sở, điều động thêm nhân lực, tăng cường vật tư, trang thiết bị… Nhiều đại biểu cho rằng, với mức độ lây nhiễm như vừa qua ở TPHCM, nhiều nơi trên thế giới đã không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn như vậy.
“Trong quá trình đó, lãnh đạo Thành phố và Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ liên tục trao đổi, chia sẻ, kiểm tra, uốn nắn, tạo ra quyết tâm, hết sức đồng bộ, thống nhất, mặc dù nhìn lại thì vẫn còn chỗ này chỗ kia, việc này việc khác cần tiếp tục rút kinh nghiệm”, Bí thư Thành ủy TPHCM nêu rõ.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các ý kiến phát biểu đề cập nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả như tổ COVID-19 cộng đồng; mô hình trạm y tế lưu động; xét nghiệm diện rộng, nhiều vòng ở các địa bàn có nguy cơ cao, rất cao; phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”; quản lý điều trị F0 tại nhà; hỗ trợ tư vấn từ xa; mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch; hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại Bắc Giang (sau này đã được triển khai mạnh mẽ tại TPHCM), cải tiến công tác lấy mẫu (buồng lấy mẫu có thiết bị làm mát, găng tay cố định); các mô hình như “Gian hàng 0 đồng”, chương trình “Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, đội hình “Người vận chuyển”, ATM gạo, ATM oxy, xe cứu thương miễn phí, quán cơm thiện nguyện; trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm COVID-19…
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta. Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch. Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích thêm, chỉ tới khi vaccine về nhiều như trong thời gian qua, chúng ta mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới. Đồng thời, chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, tránh cực đoan, nóng vội bởi các nghiên cứu cho thấy virus có thể xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải có dự phòng cho những tình huống xấu nhất, thậm chí phải sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu hơn theo tinh thần “biến chủng mới thì phải coi như đại dịch mới”.
Cùng quan điểm với Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Nếu không có sự ưu việt của chế độ, không có sự ủng hộ của nhân dân, không có chiến lược ngoại giao vaccine tốt thì không thể đạt được kết quả như vừa qua và tổn thất chắc chắn sẽ sẽ lớn hơn. Cũng không thể đánh giá tình hình trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh bằng các tiêu chí trong bối cảnh bình thường và các khảo sát gần đây cho thấy niềm tin của người dân ngày càng tăng lên, các quyết định vì nước, vì dân thì nhân dân cảm nhận được và đồng tình, ủng hộ.
“Nhân dân nhìn thấy mà tin”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhận định và đề nghị cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn nữa về tình hình, kết quả phòng chống dịch; những giải pháp đã được thực tế chứng minh là đúng đắn, hiệu quả về xét nghiệm, điều trị, cách ly… thì kiên định, kiên trì thực hiện; đồng thời quan tâm khắc phục những tác động của dịch bệnh, chăm lo tốt hơn nữa đời sống người dân, nhất là những người yếu thế.
Những bài học kinh nghiệm quý báu
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá các ý kiến đều thống nhất cho rằng chúng ta đã kiểm soát được tình hình và từng bước chuyển sang trạng thái mới. Đợt dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế-xã hội, đời sống và sức khỏe nhân dân, vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tới đây phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời, vừa có nhiệm vụ y tế, vừa có nhiệm vụ kinh tế-xã hội, vừa khắc phục những hậu quả của đại dịch, phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội thành công.
Các ý kiến đánh giá, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, ghi nhận trong điều kiện, hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, khả năng đáp ứng của ngành y tế, nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất và con người đều hạn chế. Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vaccine, thuốc men… phục vụ phòng chống dịch cơ bản đều phải nhập khẩu, dẫn tới không chủ động, không kịp thời, chịu nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, thật sâu, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục những hạn chế, bất cập này trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân giúp chúng ta đạt được kết quả nói trên, mà trước hết là sự nỗ lực, phấn đấu, cố gắng hết mình của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, đóng góp của của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Chúng ta đã kế thừa những biện pháp phù hợp trước đây, đồng thời bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đổi mới, đưa ra giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện một số biện pháp có tính chất bước ngoặt như điều động lực lượng hỗ trợ các địa phương tâm dịch; chuyển hướng chiến lược từ tập trung sang phân cấp tới tận cơ sở trong triển khai các biện pháp y tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân vừa là chủ thể, là trung tâm trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
“Rất nhiều việc không có tiền lệ phải quyết định trong thời gian rất ngắn, bối cảnh rất khó khăn, bàn bạc tạo đồng thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền”, Thủ tướng phát biểu. Cụ thể như triển khai hàng trăm trạm y tế lưu động tại TPHCM, điều động hàng trăm nghìn cán bộ chi viện, lo an sinh xã hội cho hàng triệu người dân trong một thời gian rất gấp rút.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quý báu, trước hết là đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quan trọng trong những thời khắc khó khăn”. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, nhất quán; sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng lòng vào cuộc của người dân và doanh nghiệp; tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế. Việc phân cấp phân quyền phải đi đôi với bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường kiểm tra, giám sát. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác trước dịch bệnh nhưng cũng không mất bình tĩnh, thiếu tỉnh táo, thiếu sáng suốt. Việc triển khai các giải pháp mới cần bàn bạc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại, thảo luận dân chủ, lắng nghe các ý kiến phản biện nhưng khi đã thống nhất, thực tế chứng minh có hiệu quả thì kiên trì, kiên định thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân và các biện pháp khác. Các trụ cột là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.
Có cơ sở khoa học và thực tiễn để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh
Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng virus mới. Khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, có kịch bản, phương án, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức diễn tập chủ động…, đồng thời khẩn trương hoàn thành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót lọt người cần hỗ trợ; nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng lao động. Giữ vững ổn định chính trị xã hội, an toàn trật tự xã hội. Khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học cho các cháu. Triển khai một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc các cháu mồ côi do dịch bệnh.
Bộ Y tế hướng dẫn an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời để các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng vaccine; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine; chủ động chuẩn bị vaccine cho năm 2022; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước.
Thủ tướng lưu ý, điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế, do người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong. Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.
Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên - Thủ tướng nêu nguyên tắc.
Thủ tướng lưu ý tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương trên toàn quốc, Trung ương ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhất quán, các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình thay đổi thì việc tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi; sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Hà Văn