CCB Lê Quang Nghìn làm theo lời Bác
“Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” - đây là một trong những nội dung thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điền chủ nông gia Việt Nam năm 1946. Thấm nhuần lời dạy của Bác, ông Lê Quang Nghìn, dân tộc Ngái, xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên luôn tâm niệm làm giàu cho gia đình mình chính là góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nghìn kể: Lợi thế lớn nhất của ông là lớn lên trong gia đình có truyền thống 5 đời làm nghề trồng, chế biến chè.
Trải qua hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Nghìn cho rằng: trồng chè là một nghề vất vả, đòi hỏi người lao động phải kiên trì, tỉ mỉ và chu toàn trong từng công đoạn, từ hái chè, phơi khô, vò chè cho tới sao chè. Người trồng chè phải hết mình nhiệt huyết với cây chè. Ông tin rằng, phải là người yêu nghề thì mơi có thể theo đuổi nghiệp trồng chè.
Nhờ tận tâm với nghề, ông rất nhạy bén với thị trường chè và “khẩu vị” người tiêu dùng. Ông nắm bắt được yêu cầu của người thưởng trà là cánh chè phải nhỏ và thơm. Những đòi hỏi này không làm khó được nghệ nhân chè người Ngái. Bằng những kỹ thuật canh tác chè kỳ công và công sức bỏ ra, ông Nghìn có thể thu về những đợt chè chất lượng cao, đúng ý khách, khi đó giá thành cũng không còn quan trọng với người mua nữa.
Hiện nay, chè Tân Cương được giao bán trung bình từ 300 trăm nghìn đến 600 nghìn đồng/cân. Đây là những loại phổ thông, sử dụng hằng ngày và thường được các cơ quan đặt mua. Đối với những người sành uống trà, trà thì chọn trà đinh. Trà đinh là sản vật đẳng cấp và xa xỉ nhất vùng chè Thái Nguyên. Với trà này, từng nõn chè non nhất, chất lượng nhất được lựa chọn tỉ mỉ trên đồi chè chăm bón đủ dinh dưỡng nhất của vùng chè Tân Cương. Để có được một cân chè khô, cần tới 20 người hái chè chuyên nghiệp, hái trong khoảng hai tiếng đồng hồ và phải hái vào thời điểm thích hợp nhất.
Các nõn chè sau khi được hái sẽ trải qua quá trình chế biến, trong đó công đoạn sao chè là khâu quan trọng và kỳ công nhất. Người nghệ nhân sao chè như ông Nghìn cần thành thục các kỹ năng như chỉnh lửa, chọn củi sao chè; kỹ thuật vò chè phải thật đều tay. Làm nghề lâu năm, ông bảo: Thú vui của người sao chè là quan sát từng nõn chè nhỏ và mỏng trong quá trình sao, từng chút từng chút, chúng trở nên xoắn vân đều tăm tắp, khô giòn và tỏa thơm hương cốm... Đó là thời điểm chè đã sẵn sàng làm hài lòng những người uống trà khó tính nhất.
Hiện nay, thay vì sản xuất chè theo phương thức cũ, ông liên kết với các hộ có đồi chè liền kề sản xuất chè theo quy trình VietGAP và thu mua sản phẩm chè búp tươi với số lượng lớn để chế biến và cung cấp cho các cửa hàng, đại lý kinh doanh chè ở các tỉnh, thành trong nước, nhất là thị trường Hà Nội. Nhờ đó, mỗi năm, doanh thu từ cây chè của gia đình đạt hàng tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh sẵn có của vùng chè đặc sản của gia đình, ông đầu tư mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia (homestay) và tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè cho khách du lịch tham quan có nhu cầu tìm hiểu văn hóa chè địa phương. Ông cho hay: Mô hình này hiện đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với cách nhìn nhận và sự đầu tư nghiêm túc, có kế hoạch rõ ràng, ông tin tưởng, mô hình sẽ thu lợi nhuận cao.
Mặc dù gần 2 năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm và dịch vụ của gia đình ông Nghìn có giảm sút, có lúc đình trệ nhưng ông cho biết, gia đình ông sẽ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào quá trình sản xuất chè, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm chè Tân Cương. Đặc biệt, là tìm kiếm các thị trường nội tiêu thụ phù hợp với năng lực cung ứng của gia đình.
Để làm được điều đó, ông Nghìn mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn thuộc các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh; được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá thương hiệu chè “Nghìn Hạnh”.
Tùng Lâm